Năm Rồng bàn chuyện sinh con ở châu Á
Hàng loạt nước châu Á khẩn trương xoay xở đảo ngược làn sóng giảm sinh con đang ngày càng báo động, hy vọng cải thiện tình hình trong năm Rồng 2024.
Các số liệu gần đây cho thấy làn sóng giảm sinh con đang ngày càng báo động ở châu Á. Nhiều quốc gia châu Á vốn nổi bật với cơ cấu “dân số vàng” (dân số trong độ tuổi lao động 15-65 tuổi) nhiều gấp đôi dân số phụ thuộc (dưới 15 tuổi và trên 65 tuổi) nay chứng kiến tỉ lệ sinh thấp và viễn cảnh thiếu hụt lao động. Trước tình thế cấp bách, các quốc gia triển khai nhiều chính sách nhằm khuyến khích các bà mẹ sinh con.
Số trẻ sơ sinh đang giảm kỷ lục
Tạp chí Time nhận xét khu vực Đông Bắc Á là nơi đối mặt với làn sóng giảm sinh con báo động nhất. Ở Hàn Quốc, tỉ lệ sinh (số con trung bình một phụ nữ sinh ra) vào năm 2023 xuống thấp kỷ lục 0,72 và dự tính năm 2025 sẽ giảm còn 0,65. Tại Nhật Bản, con số này là 1,367 - thấp nhất kể từ năm 1899. Tại Trung Quốc, tỉ suất sinh (tỉ lệ trẻ em được sinh ra trong một năm tính trên 1.000 dân) của nước này năm 2023 là 6,39 - thấp nhất kể từ năm 1949.
Nhiều quốc gia châu Á đang nỗ lực cải thiện tỉ lệ sinh. Nguồn: TATLER ASIA
Thậm chí Ấn Độ, quốc gia vừa vượt Trung Quốc và trở thành đất nước đông dân nhất thế giới trong năm 2023, cũng đối mặt với vấn đề giảm sinh con. Theo thống kê, tỉ lệ sinh của phụ nữ Ấn Độ từ năm 2020 là 2,1 trong khi tỉ lệ cần thiết để duy trì dân số một quốc gia là 2,2, theo tờ The Times of India.
Tại Đông Nam Á, theo số liệu từ trang Macrotrends, năm 2022 là năm Thái Lan có tỉ lệ sinh thấp nhất trong 71 năm qua. Tổng số trẻ em ở Thái Lan trong năm 2023 là 10,9 triệu, chiếm chỉ 16,3% dân số. Singapore cũng vật lộn với tình trạng tương tự.
Quyết tâm khuyến sinh
Nhận diện nguyên nhân, bà Alanna Armitage, đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc, cho rằng lý do trực tiếp khiến phụ nữ không muốn sinh con thường là do không thể cân bằng công việc với cuộc sống gia đình.
Trong khi đó, theo GS Andrew Eungi Kim tại ĐH Hàn Quốc, nguyên nhân dẫn đến tỉ lệ sinh thấp tại nhiều nước châu Á là vì ngày càng nhiều người chọn kết hôn muộn hoặc không kết hôn. Áp lực về chi phí sinh hoạt, nuôi dạy con cái cũng khiến nhiều cặp vợ chồng không muốn sinh con.
Trong hội thảo “Mức sinh thấp tại Việt Nam - Thực trạng và giải pháp”, đại diện Bộ Y tế đã gợi ý nam nữ thanh niên nên kết hôn trước 30 tuổi, sinh đủ hai con nhằm cải thiện tình trạng chênh lệch mức sinh đáng kể giữa các vùng trong nước.
Theo tờ The Economist, tỉ lệ sinh thấp có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng như khiến dân số già đi, thiếu hụt lực lượng lao động, giảm tính cạnh tranh của nền kinh tế. Nhận thức nguy cơ này, hàng loạt quốc gia châu Á ưu tiên khuyến khích các bà mẹ sinh con.
Hàn Quốc từ năm 2020 đã ban hành nhiều biện pháp nhằm khuyến khích các cặp vợ chồng sinh nhiều con hơn như tăng mức trợ cấp hằng tháng lên ba lần và giảm lãi suất thế chấp cho cha mẹ, song tình hình chưa khả quan. Tháng 12-2023, Tổng thống Yoon Suk Yeol yêu cầu phải xem xét nghiêm túc tình hình, mọi khía cạnh, xác định chính xác nguyên nhân, tìm đúng giải pháp, giải quyết vấn đề với “quyết tâm phi thường”.
Cuối tháng 12-2023, nội các Nhật Bản phê duyệt gói chăm sóc trẻ em với số tiền 3.600 tỉ yen (25,2 tỉ USD), trong đó tăng trợ cấp cho trẻ em và hỗ trợ học phí đại học nhằm giải quyết tỉ lệ sinh thấp kỷ lục. Gói chăm sóc này sẽ được thực hiện trong vòng ba năm kể từ năm 2024, theo tờ Asahi Shinbun. Đóng góp giải pháp, GS Haruka Shibata tại ĐH Kyoto (Nhật Bản) cho rằng áp dụng giờ giấc làm việc linh hoạt sẽ là chìa khóa giải quyết vấn đề tỉ lệ sinh. Điều này đúng với Nhật Bản khi trách nhiệm nuôi dạy con cái phần lớn dồn lên người phụ nữ vì chồng của họ bận công việc.
Trung Quốc đã nới lỏng hạn chế sinh con, lần lượt chuyển từ chính sách một con sang hai con vào năm 2016 và cuối cùng là ba con vào năm 2021, theo tờ South China Morning Post. Cùng với chính sách ba con, Trung Quốc kéo dài thời gian nghỉ phép của cha mẹ, cắt giảm thuế và thưởng tiền mặt cho các gia đình có nhiều hơn một con. GS Quách Kế Cường tại ĐH Chiết Giang (Trung Quốc) lưu ý rằng chìa khóa giải quyết tình trạng già hóa dân số là thúc đẩy mong muốn sinh con ở giới trẻ thế hệ Z (sinh trong khoảng từ năm 1997 đến 2012). Những “trụ cột sinh nở” này cần được hướng dẫn kỹ lưỡng cách nuôi dạy con và hỗ trợ kinh tế.
Các chính sách trên có thể chưa hiệu quả trong thời gian gần nhưng đều góp phần giải quyết tình trạng suy giảm tỉ lệ sinh hiện tại. Trong năm 2024, năm Rồng may mắn, thịnh vượng trong quan niệm của nhiều quốc gia châu Á, cùng chờ mong sự cải thiện kịp thời về số lượng trẻ sơ sinh.
Châu Á sẽ chứng kiến đợt “bùng nổ trẻ sơ sinh” trong năm Rồng? Trong quan niệm của nhiều nước phương Đông, sinh con năm Rồng sẽ mang lại sung túc và may mắn cho đứa trẻ lẫn gia đình. Đây cũng có thể xem là động lực để các quốc gia châu Á chờ đợi sự khả quan trong tỉ suất sinh năm 2024. Vào những năm Rồng gần nhất là 2000 và 2012, thế giới đã chứng kiến đợt “bùng nổ trẻ sơ sinh” tại châu Á. Đơn cử, tỉ suất sinh con ở Singapore trong năm 2000 tăng 10% so với năm 1999. Ở Trung Quốc, tổng số trẻ em ra đời năm 2012 tăng gần 950.000 so với năm 2011, theo trang The Star. “Tâm lý sinh con trong năm Rồng sẽ giúp gia tăng dân số. Tuy nhiên, các chính phủ cũng cần có kế hoạch dài hạn, bền vững hơn, không thể chỉ phụ thuộc vào can chi âm lịch” - bà Shirley Sun, Giáo sư môn xã hội học tại ĐH Nangyang (Singapore), nói với tờ The Straits Times trước “cơn sốt săn Rồng” tại châu Á. |
Cuộc bầu cử tổng thống năm 1844 (Giáp Thìn) đã dẫn đến sự kiện làm thay đổi lãnh thổ Mỹ mãi mãi.
Nguồn: [Link nguồn]