Năm năm 'xoay trục' sang Trung Quốc, ông Duterte chưa thu được nhiều tỷ đô la như hứa hẹn

Sự kiện: Tin tức Philippines

Gần trung tâm thủ đô Manila, các công nhân xây dựng đang khẩn trương hoàn thành cây cầu trị giá 69 triệu USD mà Trung Quốc rót vốn trước cuối năm nay, sau nhiều lần lỡ hẹn.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chứng kiến lễ ký các văn kiện hợp tác trong chuyến thăm Bắc Kinh của ông Duterte năm 2016. (Ảnh: Getty Images)

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chứng kiến lễ ký các văn kiện hợp tác trong chuyến thăm Bắc Kinh của ông Duterte năm 2016. (Ảnh: Getty Images)

Cây cầu Binondo-Intramuros Bridge đáng lẽ là dự án đầu tiên hoàn thành trong tổng số 14 dự án dùng vốn Trung Quốc. Quay trở lại năm 2016, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte khi đó sang Bắc Kinh và có những phát biểu quyết liệt. “Tôi thông báo tôi sẽ tách khỏi Mỹ”, ông Duterte nói trong phòng hội nghị toàn lãnh đạo doanh nghiệp ở Bắc Kinh, sau khi ông có cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Tuy nhiên, không phải ai cũng tin rằng 24 tỷ USD vốn đầu tư mà Trung Quốc cam kết sẽ không đi kèm ràng buộc nào.

Năm năm sau, vào thời điểm chỉ còn 10 tháng nữa là tới cuộc bầu cử để chọn người thay thế Tổng thống Duterte, hầu hết các dự án lớn dùng vốn Trung Quốc đều vẫn nằm trên giấy, và chỉ có 3 dự án đang được triển khai. Điều tệ hơn là sau khi nhà lãnh đạo Philippines gác phán quyết của Toà trọng tài quốc tế sang một bên, Bắc Kinh liên tục có những hành động đe doạ trên Biển Đông, mới nhất là việc điều hàng trăm tàu cá ra khu vực tranh chấp. Ông Duterte từng hy vọng tránh được những hành động hung hăng này khi quyết định xích lại gần Bắc Kinh và quay lưng với đồng minh truyền thống.

Giờ đây, các ứng viên có tiềm năng kế nhiệm ông Duterte đang chỉ trích chính sách Trung Quốc của ông.

Thượng nghị sĩ xuất thân là võ sĩ Manny Pacquiao chỉ trích cách Tổng thống phản ứng với những hành động xâm phạm của Trung Quốc trên biển. Phó Tổng thống Leni Robredo chỉ trích ông Duterte “bán đứng” đất nước cho Trung quốc và vứt bỏ chủ quyền khi gọi phán quyết của Toà trọng tài năm 2016 là “giấy vụn”.

“Chính sách nghiêng về Trung Quốc của ông Duterte chỉ mang lại những lời hứa hão về phát triển và tình bạn với Bắc Kinh, trong khi Trung Quốc vẫn cố lấy thêm đảo của Philippines”, Paul Chambers, nhà nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu cộng đồng ASEAN thuộc ĐH Naresuan ở Thái Lan, nói với Bloomberg.

Trung Quốc ban đầu đồng ý cung cấp 9 tỷ USD vốn ưu đãi cho Manila, nhưng các khoản vay và viện trợ của Trung Quốc dành cho Philippines đã lên đến 590 triệu USD trong năm 2019. Trung Quốc cũng cam kết dành 15 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp, nhưng các khoản đầu tư đã được phê duyệt từ năm 2016 đến 2020 chỉ là 3,2 tỷ USD, theo số liệu thống kê chính thức của Philippines.

Vốn ODA của Nhật Bản dành cho Philippines vượt xa Trung Quốc, với 8,5 tỷ USD trong năm 2019.

Chính quyền Duterte khẳng định chính sách của họ với Trung Quốc là đúng đắn. Bộ trưởng Thương mại Lamon Lopez tháng trước nói rằng nước này đã gặt hái được nhiều thành quả kinh tế, và Bắc Kinh hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Philippines và Tập đoàn viễn thông Trung Quốc trở thành một trong các nhà cung cấp dịch vụ di động ở quốc gia Đông Nam Á này.

Ông Duterte gọi quan hệ với Trung Quốc là “cùng thắng”. “Tôi tin rằng chương trình 3 Xây của chúng tôi, cùng với sáng kiến Vành đai Con đường, sẽ mang lại những lợi ích lâu dài cho người dân”, ông Duterte phát biểu tháng trước.

Chính quyền Duterte cũng khẳng định chính sách của họ đã có ích trên biển, cho dù lực lượng bảo vệ bờ biển nước này nhiều lần có những vụ chạm trán nguy hiểm với lực lượng Trung Quốc.

“Không có sự chiếm đóng mới nào, không có vụ cải tạo mới nào, chúng ta đang ở nguyên trạng”, Phát ngôn viên Tổng thống Philipines Harry Roque nói để khẳng định chính quyền hiện nay đã thành công khi ngăn chặn Trung Quốc chiếm thêm cấu trúc mới trong khu vực mà Manila có yêu sách.

Ông Duterte vẫn duy trì quan hệ thân thiện với Bắc Kinh. Gần đây, nhà lãnh đạo Philippines gọi Trung Quốc là “ân nhân” và ca ngợi nước này cung cấp vắc-xin cho Manila.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cuối tuần qua bảo vệ giá trị của các dự án. “Trung Quốc và Philippines luôn làm việc với nhau để thúc đẩy hợp tác trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi. Các dự án liên quan đã có những đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế và xã hội của Philippines”, ông Uông nói.

Một vấn đề mà các dự án phải đối mặt là quy trình cấp phép dài dòng của Philippines, bà Tina Clemente, giáo sư công tác tại Trung tâm châu Á thuộc ĐH Philippines cho biết.

Bà nói rằng các nhà đầu tư Trung Quốc cũng không muốn vào Philippines mà chọn nơi khác vì môi trường kinh doanh của Philippines có nhiều điểm không thuận, như hạn chế về sở hữu nước ngoài, giá điện cao và hạ tầng kém.

“Hợp tác kinh tế với Trung Quốc là không thể tránh khỏi, nhưng không nên quá kỳ vọng. Sự cường điệu khi nói rằng hợp tác với Trung Quốc sẽ mang lại lợi ích cho chúng ta giờ đang phản tác dụng”, bà Clemente nói.

Nguồn: [Link nguồn]

Tổng thống Philippines nói lời dứt khoát với Trung Quốc

Tổng thống Rodrigo Duterte hôm 28-4 cho biết Philippines có “món nợ ân tình” đối với viện trợ của Trung Quốc nhưng lãnh...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bình Giang - Bloomberg ([Tên nguồn])
Tin tức Philippines Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN