Năm 2023, kỳ vọng một thế giới an bình

Vấn đề an ninh sẽ là gam màu chủ đạo phủ bóng toàn bộ bức tranh toàn cầu năm 2023.

Lời giải cho xung đột Nga - Ukraine, hướng đi cho quan hệ Mỹ - Trung, rủi ro bùng nổ xung đột ở bán đảo Triều Tiên… vẫn là những câu hỏi lớn và chờ được giải đáp trong năm 2023.

Nỗ lực tìm lời giải xung đột Nga - Ukraine

Một trong những sự kiện tốn không ít giấy mực của báo giới trong năm qua chắc chắn là cuộc xung đột lớn nhất châu Âu trong nhiều thập niên qua giữa Nga và Ukraine. Xung đột bắt đầu từ ngày 24-2-2022 và đến nay chưa có dấu hiệu kết thúc, hai bên vẫn liên tục tấn công vào vị trí đối phương. Tuy nhiên, hai nước gần đây đưa ra những tuyên bố có vẻ như đang “bật đèn xanh” cho hòa đàm.

Năm 2023, thực tế biến đổi khí hậu sẽ đẩy nhanh các cuộc khủng hoảng nhân đạo trên toàn thế giới, làm trầm trọng thêm các hậu quả do xung đột vũ trang và suy thoái kinh tế gây ra - Ủy ban Cứu trợ Quốc tế (IRC).

Trả lời phỏng vấn hãng tin AP ngày 27-12-2022, Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba cho biết Kiev đang tìm kiếm một hội nghị thượng đỉnh hòa bình vào cuối tháng 2-2023 tại Liên Hợp Quốc (LHQ) với Tổng thư ký LHQ António Guterres làm trung gian hòa giải, vì “mọi cuộc chiến đều kết thúc thông qua ngoại giao”.

Dù thượng đỉnh hòa bình có diễn ra thì lời giải cho cuộc xung đột đẫm máu kéo dài đã hơn 10 tháng qua vẫn còn bỏ ngỏ, khi Ukraine và Nga đến lúc này vẫn chưa thống nhất được “kế hoạch hòa bình”. Tuy nhiên, theo AP, Nga và Ukraine có một số ràng buộc chung về lợi ích có thể khiến hai nước nhượng bộ nhau và chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán. Một trong số đó là thỏa thuận ngũ cốc qua Biển Đen, giúp hai bên kiềm chế lẫn nhau hướng tới mục đích bảo vệ ngành xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của cả hai ra thị trường thế giới không bị ảnh hưởng. Đây có thể được xem là tia hy vọng cứu vãn tình hình căng thẳng hiện tại và thúc đẩy nhanh hơn tiến trình đàm phán.

Vấn đề giữ an ninh cho nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu là Zaporizhzhia (thuộc tỉnh Zaporizhia, Ukraine) có thể được xem là một mối ràng buộc khác giữa Moscow và Kiev. Cả Nga và Ukraine hiện đều phải tuân thủ “khu vực bảo vệ” xung quanh nhà máy Zaporizhzhia do Tổng giám đốc của Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Grossi đề ra.

Theo giới quan sát, dù có đi tới đàm phán hay không thì viễn cảnh xung đột Nga - Ukraine vẫn rất khó đoán. Theo hãng tin Reuters, để đàm phán có thể diễn ra, các bên trung gian - như Thổ Nhĩ Kỳ và LHQ - cần nỗ lực thúc đẩy hơn nữa. Các bên khác như Vatican, Belarus và Ấn Độ cũng cần nỗ lực hơn nữa trong việc thúc đẩy các bên chấp nhận ngừng bắn, tiến tới đối thoại và kết thúc xung đột.

Mong một thế giới sẽ hòa bình, ấm no cho tất cả mọi người trong năm mới 2023. Trong ảnh: Một em bé Ukraine đi tị nạn tránh xung đột Nga - Ukraine, đang chờ tại nhà ga Nyugati ở Budapest (Hungary). Ảnh: MARTON MONUS/REUTERS

Mong một thế giới sẽ hòa bình, ấm no cho tất cả mọi người trong năm mới 2023. Trong ảnh: Một em bé Ukraine đi tị nạn tránh xung đột Nga - Ukraine, đang chờ tại nhà ga Nyugati ở Budapest (Hungary). Ảnh: MARTON MONUS/REUTERS

Mỹ - Trung, Triều Tiên vẫn khó đoán

2023 sẽ là năm Mỹ và Trung Quốc (TQ) đứng trước lựa chọn giữa tiếp tục đối đầu hay xuống thang căng thẳng, trang Nikkei Asia dẫn nhận định của ông Daniel Russel, Phó Chủ tịch phụ trách ngoại giao và an ninh quốc tế của Viện Chính sách xã hội châu Á (Mỹ) và từng là trợ lý ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương.

Có vẻ Mỹ đang tìm cách ổn định quan hệ với TQ để giảm nguy cơ xung đột. Cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch TQ Tập Cận Bình bên lề thượng đỉnh G20 hồi tháng 11-2022 tại Bali (Indonesia) cho thấy cả hai lãnh đạo đều mong muốn kết thúc thời kỳ quan hệ lao dốc. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ công du tới TQ đầu năm 2023.

Theo ông Russel, phía TQ có thể đang tìm cách cải thiện quan hệ với Mỹ và châu Âu để khôi phục nền kinh tế trong nước - vốn bị thiệt hại không ít vì đại dịch COVID-19 khiến nhiều công ty Mỹ (gồm Apple) rút khỏi TQ, cũng như vì phương Tây nỗ lực ngăn Bắc Kinh tiếp cận công nghệ của mình.

Tuy nhiên, quan hệ hai bên vẫn vướng nhiều rào cản. Ngoài Đài Loan, trong bối cảnh rục rịch chuẩn bị cho chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ năm 2024, lưỡng viện Mỹ khả năng sẽ dùng lập trường với TQ như một con bài tiềm năng cho cuộc đua vào Nhà Trắng, theo ông Russel. Năm 2023, Hạ viện hiện đảng Cộng hòa lãnh đạo có thể sẽ có lập trường cứng rắn với TQ, khiến Nhà Trắng khó thể hiện sự linh hoạt trong quan hệ với Bắc Kinh.

Về căng thẳng hiện nay trên bán đảo Triều Tiên, trao đổi với hãng thông tấn TASS, Tổng giám đốc Hội đồng Các vấn đề quốc tế Nga Andrey Kortunov rằng tình hình trên bán đảo có thể sẽ bước vào giai đoạn đối đầu vào năm 2023. Năm 2022, bán đảo Triều Tiên đã chứng kiến rất nhiều diễn biến căng thẳng, thậm chí nguy hiểm, với một năm thử tên lửa kỷ lục của Triều Tiên. Triều Tiên trong ngày 31-12-2022 đã phóng ba tên lửa đạn đạo tầm ngắn ra ngoài khơi bờ biển phía đông.

Theo ông Kortunov, tới đây khả năng sẽ còn xuất hiện thêm những động thái rất nghiêm trọng từ các bên. Bình Nhưỡng rất có khả năng sẽ tiếp tục thử tên lửa đạn đạo và thậm chí không loại trừ thử hạt nhân trong năm 2023. Trong khi đó, phía Hàn Quốc cho biết trong năm nay nước này và Mỹ sẽ thực hiện hơn 20 cuộc tập trận chung quy mô lớn nhân kỷ niệm 70 năm quan hệ liên minh và khả năng Triêu Tiên sẽ có động thái đáp trả.

Những điều này có nguy cơ tác động xấu đến sự ổn định trên bán đảo. Để giữ bán đảo Triều Tiên không nóng quá mức kiểm soát cần có sự nỗ lực giữa các bên. Giới quan sát cho rằng Triều Tiên sẽ không dừng phóng tên lửa cho đến khi có cuộc đàm phán với Hàn Quốc và với Mỹ.

Sẽ cần rất nhiều nỗ lực ngăn suy thoái

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), ba yếu tố chính định hình bức tranh kinh tế năm 2023 là các chính sách tiền tệ đối phó lạm phát, tác động của cuộc chiến ở Ukraine và tác động kéo dài của các chính sách đối phó với dịch COVID-19, trong đó có việc chuỗi cung ứng bị gián đoạn. Theo Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và kinh doanh (CEBR, Anh), kinh tế thế giới khả năng cao sẽ suy thoái trong năm 2023.

IMF dự báo mức tăng trưởng toàn cầu năm 2023 khá yếu, là 2,7%, giảm từ mức 3,2% của năm 2022. Trong đó, mức tăng trưởng của các nền kinh tế tiên tiến sẽ rơi vào khoảng 1,1%, con số này của các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển là 3,7%. Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) thì dự đoán kinh tế toàn cầu năm tới chỉ tăng trưởng ở mức 2,2%, thấp hơn dự đoán của IMF. Theo OECD, lạm phát ở nhiều nước vẫn duy trì ở mức cao và chống lạm phát phải là ưu tiên hàng đầu. OECD cũng kêu gọi các nước hỗ trợ cho các hộ gia đình và doanh nghiệp trước tình trạng giá cả leo thang, song nhấn mạnh chính sách tài khóa phải hoạt động “song hành với chính sách tiền tệ”.

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định rằng việc TQ nới lỏng các hạn chế dịch COVID-19 và mở cửa trở lại trong thời gian tới có thể giúp giảm bớt gánh nặng chuỗi cung ứng.

OECD cũng dự đoán rằng các nền kinh tế thị trường mới nổi châu Á sẽ chiếm gần 3/4 mức tăng trưởng GDP toàn cầu vào năm 2023. Điều này phản ánh nền kinh tế toàn cầu có thể dịch chuyển trọng tâm sang châu Á, giảm mạnh ở Mỹ và châu Âu.

Nguồn: [Link nguồn]

Những dự đoán của nhà tiên tri Nostradamus trong năm 2023?

Thế giới đối mặt với nhiều nguy cơ như chiến tranh, biến đổi khí hậu, vấn đề kinh tế..., theo dự đoán của Nostradamus – nhà tiên tri lừng danh từng sống ở thế kỷ 16.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Dương Khang ([Tên nguồn])
Thời sự thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN