Năm 2023 'đáng quên' của các nước phương Tây
12 tháng đã qua trong năm 2023 chứng kiến không ít những “bước lùi” đối với Mỹ, các nước Tây Âu và một số quốc gia phát triển khác trên vũ đài chính trị quốc tế. Mặc dù không đem lại những tác động tiêu cực đối với các quốc gia trên, nhưng những sự kiện này đang báo hiệu quá trình dịch chuyển quyền lực khỏi trật tự do Mỹ thống trị, cũng như sự xuống cấp của các “giá trị phương Tây”.
Trên nhiều “điểm nóng” của chính trị quốc tế trong năm qua, bao gồm xung đột Nga-Ukraine hay mới nhất là xung đột giữa Israel và lực lượng Hamas, đều đi “chệch hướng” nếu nhìn từ góc độ lợi ích của các nước phương Tây. Bài phân tích đăng tải ngày 30/12 trên BBC đã chỉ ra những lý do cho nhận định trên.
Xung đột Nga - Ukraine
Bất chấp một số thành công gần đây trên mặt trận Biển Đen, cuộc xung đột với Nga không hề diễn ra tốt đẹp đối với Ukraine. Nói rộng ra, mọi chuyện đang dần trở nên tồi tệ đối với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU), các bên đã viện trợ khí tài quân sự và tài chính, với tổng giá trị lên đến hàng trăm tỷ USD, cho nỗ lực của Ukraine.
Thời điểm này năm ngoái, các thành viên chủ chốt trong khối NATO đã kỳ vọng việc viện trợ các trang thiết bị quân sự hiện đại, đồng thời cung cấp những khóa huấn luyện cường độ cao, quân đội Ukraine có thể tối ưu hóa những lợi thế giành được trong chiến dịch mùa thu 2022, qua đó hướng đến việc chiếm lại tất cả những vùng đất do Nga kiểm soát. Tuy nhiên, viễn cảnh đó đã không xảy ra.
Một trong những nguyên nhân chủ yếu đến từ việc NATO đã ngần ngại trong việc viện trợ các mẫu xe tăng chiến đấu chủ lực hiện đại như Challenger 2 (Anh) và Leopard 2 (Đức) cho Ukraine, do lo ngại Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ có những hành động đáp trả đầy sức nặng.
Hệ quả là, đến khi khối quân sự này quyết định viện trợ các mẫu xe tăng trên và quân đội Ukraine sẵn sàng sử dụng trên thực địa vào tháng 6/2023, các chỉ huy quân đội Nga đã có thể dự báo chính xác việc Ukraine sẽ tiến về phía Nam qua tỉnh Zaporizhzhia để mở đường tới Biển Azov, qua đó chia cắt phòng tuyến của Nga, đồng thời cô lập bán đảo Crimea.
Dù cho quân đội Nga có thể đã thất bại tương đối nặng nề trong nỗ lực tiến về Kiev trong năm 2022, nhưng đội quân này vẫn duy trì khả năng phòng thủ vượt trội. Trong suốt thời gian các lữ đoàn Ukraine đi huấn luyện ở Anh trong nửa đầu năm 2023, và trong thời gian các mẫu xe tăng hiện đại được vận chuyển cho Ukraine để đưa ra mặt trận, phía Nga đã và đang xây dựng một trong những tuyến công sự phòng thủ lớn nhất, rộng lớn nhất trong lịch sử quân sự hiện đại.
Kết quả, mìn chống tăng, mìn sát thương, hầm trú ẩn, chiến hào, bẫy xe tăng, máy bay không người lái và pháo binh đã được quân đội Nga kết hợp hiệu quả, qua đó cản trở và làm thất bại các kế hoạch phản công của Ukraine, vốn được truyền thông phương Tây “tung lên mây xanh”.
Trên mặt trận chính trị và ngoại giao, Ukraine, Mỹ và các nước phương Tây cũng gặp nhiều trở ngại. Trong khi chính quyền của Tổng thống Volodomyr Zelensky bắt đầu thiếu nhân lực và đạn dược trầm trọng, các gói viện trợ quân sự và tài chính của Mỹ và EU cho quốc gia này cũng vấp phải sự phản đối của cơ quan lập pháp (Mỹ) và Hungary (EU).
Dù cho một hoặc cả hai gói viện trợ trên được thông qua, những nỗ lực này có thể vẫn không cứu vãn được cục diện của cuộc xung đột đã kéo dài gần hai năm qua. Hiện, quân đội Ukraine đã phải chuyển về trạng thái phòng thủ. Trong khi đó, chính quyền Moscow đã hoàn toàn đặt nền kinh tế quốc gia vào tình trạng chiến tranh, bao gồm việc dành 1/3 ngân sách quốc gia cho chi tiêu quốc phòng, qua đó sẵn sàng cho một cuộc xung đột dài hơi.
Trong khi đó, NATO hiện gần như đã “vét sạch” kho vũ khí dự trữ của khối và cam kết mọi thứ, ngoại trừ việc tham chiến trực tiếp, để hỗ trợ Ukraine. Tuy nhiên, tất cả những nỗ lực đều có khả năng kết thúc bằng một thất bại “đáng xấu hổ” trong nỗ lực đảo ngược kết quả của chiến dịch quân sự đặc biệt do Nga tiến hành.
Trong khi đó, các quốc gia vùng Baltic, bao gồm Estonia, Latvia và Lithuania (tất cả đều là thành viên NATO), thậm chí còn cho rằng ông Putin có thể thành công trong cuộc xung đột ở Ukraine trong vòng 5 năm tới.
Các chiến dịch phản công của quân đội Ukraine đã không đem lại hiệu quả như mong đợi (Ảnh: Reuters).
Xung đột Israel-Hamas
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn của BBC, một số bộ trưởng thuộc các nước Ả Rập đã mô tả chính phủ những nước phương Tây là người “tiêu chuẩn kép”, hay thậm chí là “đạo đức giả”, khi kêu gọi họ lên án Nga vì đã khiến cho dân thường thiệt mạng ở Ukraine, trong khi đó từ chối việc kêu gọi ngừng bắn ở Dải Gaza, bất chấp việc hàng ngàn dân thường ở eo đất hẹp đó đã thiệt mạng do các cuộc không kích của Israel.
Cuộc xung đội giữa quốc gia Do Thái và lực lượng Hamas, bùng nổ tử ngày 7/10/2023, không chỉ đem đến những thiệt hại to lớn về nhân mạng ở Dải Gaza, cũng như khu vực phía Nam Israel, mà còn khiến cho các nước phương Tây gần như phải đối phó với hai cuộc xung đột cùng lúc, một điều tối kỵ trong các học thuyết chiến tranh hiện đại.
Cụ thể, sự chú ý của toàn cầu, trong đó có nước Mỹ cùng các gói viện trợ vũ khí, đã đổ dồn về Dải Gaza cũng như các chiến dịch không kích “trên mức cần thiết” của Israel.
Trong con mắt của các nước Ả Rập cũng như những người yêu hòa bình trên thế giới, các nước phương Tây bao gồm Anh và Mỹ đã “đồng lõa” với Israel trong việc “hủy diệt sự sống ở Dải Gaza” khi lần lượt bỏ phiếu trắng và phủ quyết các nghị quyết của cả Hội đồng Bảo an và Đại hội đồng Liên Hợp Quốc về kêu gọi ngừng bắn tức thì ở khu vực này.
Theo công bố của Israel và lực lượng Hamas, khoảng 1200 người Israel và 21.500 người Palestine đã thiệt mạng kể từ khi cuộc chiến nổ ra (Ảnh: EPA).
Tác động của cuộc xung đột này cũng đã lan sang Biển Đỏ, khi nhóm Houthi sử dụng thiết bị nổ không người lái và tên lửa nhắm vào các tàu thuyền hướng đi qua, trong đó hướng đến Israel, khiến cho giá hàng hóa toàn cầu gia tăng chóng mặt khi công ty vận tải biển trên thế giới buộc phải chuyển hướng tàu thuyền của mình xuống Mũi Agulhas (Nam Phi).
Những lý do cho sự lạc quan?
Trong bối cảnh không mấy sáng sủa hiện tại, các nước phương Tây có lẽ khó có thể nhìn thấy những tia hi vọng rõ ràng. Tuy nhiên, về mặt tích cực đối với các quốc gia trên, NATO rõ ràng đã tìm thấy mục đích phòng thủ của mình, được thúc đẩy bởi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine. Sự đồng lòng của các nước phương Tây cho đến thời điểm này cũng là một điểm cộng, dù cho một số rạn nứt hiện đang dần xuất hiện.
Trong khi đó, các nước phương Tây hoàn toàn có thể cải thiện tình trạng hiện tại ở khu vực Trung Đông để cải thiện hình ảnh của họ, trước quy mô tàn khốc, thậm chí “vô nhân đạo”, của các sự kiện đã và đang diễn ra ở cả hai bên biên giới Dải Gaza-Israel.
Có thể nói, giải pháp về một nhà nước Palestine, vốn bị “ngó lơ” kể từ lâu, là một giải pháp “công bằng và bền vững” đối với một vấn đề có nguồn gốc từ lịch sử, với quá nhiều sự đau thương mất mát đối với cả hai chủng người Ả Rập-Do Thái trong 75 năm đã qua, kể từ khi nhà nước Israel được thành lập năm 1948.
Moscow chiếm ưu thế trong sản xuất vũ khí so với phương Tây và dự định duy trì tốc độ tăng trưởng cao - một phó thủ tướng Nga tuyên bố ngày 25-12.
Nguồn: [Link nguồn]