Mỹ: Không một loại vũ khí cụ thể nào có thể giúp Ukraine thay đổi cục diện xung đột với Nga
Một quan chức Nhà Trắng hôm 6/6 nói Ukraine cần được cung cấp những loại vũ khí và đạn dược quan trọng một cách thường xuyên trong khi không có một hệ thống vũ khí cụ thể nào có thể giúp thay đổi cục diện xung đột.
Pháo binh Ukraine nã hỏa lực gần tiền tuyến trong giao tranh với Nga vào ngày 13/4/2023.
Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jonathan Finer nói không có riêng một loại vũ khí cụ thể nào có thể giúp Ukraine đối phó hiệu quả Nga. Thay vào đó, quan chức Nhà Trắng nói Ukraine cần một nguồn cung cấp vũ khí ổn định, không bị gián đoạn để có thể duy trì năng lực chiến đấu.
"Không có một loại vũ khí cụ thể nào mà một khi cung cấp cho Ukraine thì sẽ đánh bại Nga. Đây không phải kiểu xung đột như vậy", ông Finer phát biểu tại một hội nghị do Trung tâm An ninh Mới của Mỹ (CNAS) tổ chức, theo tờ Insider.
Finer nói ông mong muốn Mỹ có thể cung cấp cho Ukraine đạn pháo và vũ khí phòng không một cách ổn định và đều đặn vì đây là hai loại vũ khí mà Ukraine cần nhất.
Nếu có hai thứ mà chúng ta có thể cung cấp không giới hạn cho Ukraine nhằm thay đổi cục diện xung đột thì đó là đạn pháo và tên lửa phòng không", ông Finer giải thích.
"Vấn đề là năng lực sản xuất của chúng ta chưa đáp ứng nhu cầu của Ukraine. Chúng ta đang đẩy mạnh sản xuất. Tới đầu năm sau, tôi nghĩ tình hình sẽ tốt hơn", ông Finer nói.
Tháng trước, báo Anh dẫn nguồn tin từ công ty tư vấn Bain & Company có trụ sở ở Mỹ cho biết, Nga sản xuất đạn pháo gấp 3 lần phương Tây trong khi giá rẻ bằng một phần tư. Ước tính Nga có thể sản xuất tới 4,5 triệu quả đạn pháo trong năn nay.
Trước xung đột ở Ukraine, Mỹ sản xuất 14.000 quả đạn pháo/tháng. Mỹ đã đặt mục tiêu sản xuất 100.000 quả đạn pháo/tháng vào năm 2025.
Ngoài vấn đề đẩy mạnh sản xuất đạn pháo, ông Finer nói Mỹ đang hợp tác để Kiev thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng và cạnh tranh với năng lực sản xuất của Moscow.
"Đây là cuộc xung đột giữa hai đội quân có học thuyết quân sự và cách thức chiến đấu rất giống nhau. Tôi nghĩ chúng ta vẫn chưa nhìn nhận một cách rõ ràng, rằng vấn đề không phải là sản xuất vũ khí công nghệ cao mà là sản xuất hàng loạt những vũ khí quan trọng, được sử dụng đại trà", ông Finer nói. "Chúng tôi đang có những hành động cụ thể giải quyết những vấn đề đó".
Những gì diễn ra trong xung đột giữa Nga và Ukraine rất khác so với học thuyết quân sự của Mỹ. Quân đội Mỹ chủ yếu dựa vào không quân và các vũ khí công nghệ cao để áp đảo đối phương và chiếm ưu thế trên chiến trường. Các hệ thống pháo của Mỹ được thiết kế để có thể bắn chính xác mục tiêu, từ đó giảm thiểu số lượng đạn pháo sử dụng.
Trong khi đó, pháo binh đóng vai trò mũi nhọn trong hàng ngũ quân đội Nga và Ukraine. Pháo binh kết hợp với không quân sẽ oanh tạc vị trí mục tiêu cho đến khi đối phương bộc lộ sơ hở để bộ binh đột phá.
Tổng thống Mỹ Joe Biden xác nhận Washington cho phép Ukraine dùng vũ khí Mỹ tập kích các mục tiêu gần biên giới của Nga nhưng không được tấn công thủ đô Moscow.
Nguồn: [Link nguồn]