Myanmar thả hơn 3.000 tù nhân nhân dịp năm mới
Myanmar thông báo phóng thích 3.113 tù nhân nhân dịp năm mới, vài ngày sau khi hứng chịu sự chỉ trích từ cộng đồng quốc tế về vụ không kích khiến 171 người thiệt mạng.
Chính quyền quân sự Myanmar đã phóng thích 3.113 tù nhân, trong đó có 98 người nước ngoài, nhân dịp năm mới truyền thống của nước này hôm 17-4.
Trong một tuyên bố được đăng tải trên các kênh Telegram ủng hộ quân đội Myanmar, chính quyền quân sự nước này cho biết 3.113 tù nhân được phóng thích sau Tết Thingyan (Tết té nước) của người Myanmar.
Tướng Min Aung Hlaing, người đứng đầu chính quyền quân sự Myanmar. Ảnh: REUTERS
Trung tướng Aung Lin Dwe, thư ký Hội đồng Hành chính của chính quyền quân sự, cho biết lệnh ân xá là một “hoạt động mừng năm mới của Myanmar nhằm mang lại niềm vui cho người dân và giải quyết các vấn đề nhân đạo”, hãng Reuters đưa tin.
Một phát ngôn viên của chính quyền quân sự không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters và hiện chưa rõ những người được phóng thích bao gồm những ai.
Chính quyền quân sự ân xá cho các tù nhân theo định kỳ, nhưng con số trong năm nay và năm 2022 chỉ là một phần nhỏ trong số 23.000 người được phóng thích trong dịp Tết Thingyan năm 2021.
Bà Aung San Suu Kyi, cựu Cố vấn Nhà nước và là nhân vật tiêu biểu của phe đối lập, đang thụ án 33 năm tù sau một loạt phiên tòa. Chính quyền quân sự cũng đã bắt giữ các thành viên cấp cao khác trong chính phủ dân sự của bà, vốn đã bị quân đội lật đổ trong cuộc chính biến năm 2021.
Ít nhất 17.460 người vẫn còn bị giam giữ và 3.240 người thiệt mạng liên quan hoạt động trấn áp của chính quyền quân sự, theo số liệu của Hiệp hội hỗ trợ tù nhân chính trị - một nhóm hoạt động ở Myanmar.
Các tổ chức nhân quyền và nhiều nhà lãnh đạo thế giới đã nhiều lần kêu gọi chính quyền trả tự do cho tất cả các tù nhân chính trị.
Thông báo về việc phóng thích được đưa ra sau khi Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ngày 13-4 ra tuyên bố “lên án mạnh mẽ” vụ không kích tại một ngôi làng hẻo lánh ở Myanmar khiến hàng trăm người chết.
Tuyên bố của ASEAN được đưa ra 1 ngày sau khi chính quyền quân sự Myanmar xác nhận đã thực hiện cuộc không kích vào thị trấn Kanbalu ở vùng Sagaing (tây bắc Myanmar) vào sáng 11-4. Chính quyền cho biết vụ tấn công “nhắm vào các đối thủ nổi dậy, nhằm mục đích khôi phục hòa bình và ổn định ở khu vực”.
Chính quyền quân sự Myanmar không công khai số người chết sau cuộc tấn công. Tuy nhiên, theo các phương tiện truyền thông địa phương, ít nhất 171 người thiệt mạng, trong khi Liên Hợp Quốc (LHQ) cho biết số người chết là hơn 100.
LHQ và nhiều nước đã phản ứng mạnh với vụ không kích đẫm máu này. Ngày 12-4, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đã lên án vụ tấn công và nhắc lại lời kêu gọi quân đội Myanmar chấm dứt bạo lực trên khắp đất nước.
Tham tán Bộ Ngoại giao Mỹ Derek Chollet gọi vụ việc là “đáng trách” và kêu gọi chính quyền quân sự Myanmar chấm dứt bạo lực.
Ngày 12-4, chính quyền quân sự Myanmar xác nhận đã thực hiện cuộc không kích ngày trước đó nhắm vào thị trấn Kanbalu ở vùng Sagaing (Tây Bắc đất nước), kênh Channel New Asia (CNA)...
Nguồn: [Link nguồn]