Myanmar: Ngày nhiều người tử vong nhất sau vụ đảo chính quân sự
Con số thương vong liên tục tăng lên sau nhiều vụ biểu tình phản đối đảo chính nổ ra ở các thành phố lớn khắp Myanmar hôm 28.2. Đây cũng là ngày ghi nhận nhiều người thiệt mạng nhất kể từ sau khi quân đội nước này tước quyền lực của chính quyền dân sự.
Người biểu tình tự trang bị lá chắn ở Myanmar (ảnh: Reuters)
Chỉ vài giờ sau khi tờ Irrawaddy đưa tin ít nhất có 13 người chết trong các cuộc biểu tình ở nhiều thành phố lớn của Myanmar, Reuters dẫn nguồn tin từ Văn phòng Nhân quyền Liên Hợp Quốc cho biết, có ít nhất có 18 người tử vong.
Hôm 28.2, tình hình tại nhiều thành phố lớn ở Myanmar đã trở nên hỗn loạn từ sáng sớm. Cảnh sát chống bạo động có mặt trên khắp các đường phố Myanmar sau khi có thông tin cho rằng người dân đang chuẩn bị tổ chức biểu tình quy mô lớn.
Ở Yangon, cảnh sát đã phải sử dụng hơi cay, đạn cao su để giải tán đám đông gồm hàng nghìn y bác sĩ, sinh viên. Cuộc biểu tình nhanh chóng trở nên hỗn loạn khi tiếng súng vang lên. Đám đông bỏ chạy tán loạn và 4 xác chết bị bỏ lại trên đường phố.
Theo Reuters, những người này đều bị trúng đạn của cảnh sát.
Từ sáng sớm, người biểu tình đã xuống đường ở nhiều thành phố lớn của Myanmar (ảnh: Irrawaddy)
Giữa trưa ngày 28.2, một người bị cảnh sát bắn trúng đầu và tử vong khi đang đi xe máy ở Mandalay. Theo Irrawaddy, người này không phải người biểu tình.
Hãng tin Myanmar Now cho hay, có 3 người thiệt mạng ở thành phố Mandalay trong cuộc biểu tình ngày 28.2.
Ở các thành phố khác của Myanmar như Bago, Pakokku, Dawei, người biểu tình cũng đụng độ với cảnh sát và dẫn đến nhiều thương vong.
“Tôi thấy một người phụ nữ chảy rất nhiều máu đang nằm gục trên đường. Khi các bác sĩ đến, họ nói cô ấy chết vì đạn bắn trúng đầu”, Sai Tun – một cư dân Mandalay nói với Reuters.
Phía quân đội Myanmar cho biết, một cảnh sát đã thiệt mạng khi đụng độ với người biểu tình.
Một người biểu tình bỏ chạy khi bị cảnh sát truy đuổi (ảnh: Reuters)
Trong bối cảnh hỗn loạn ở quê nhà, Kyaw Moe Tun – Đại sứ Liên Hợp Quốc của Myanmar – tuyên bố sẽ “chiến đấu đến cùng” để phản đối chính quyền quân sự. Trước đó, chính quyền quân sự Myanmar tuyên bố sa thải ông Kyaw Moe Tun vì có hành vi “phản quốc”.
“Tôi quyết định sẽ chiến đấu đến khi nào tôi còn có thể”, ông Kyaw Moe Tun tuyên bố.
Hôm 27.2, ông Kyaw Moe Tun kêu gọi cộng đồng quốc tế sử dụng “bất cứ biện pháp nào” để lật đổ chính quyền quân sự Myanmar.
Liên Hợp Quốc cho biết, tổ chức này không công nhận chính quyền quân sự Myanmar là chính phủ mới. Vì vậy, ông Kyaw Moe Tun vẫn được coi là Đại sứ Myanmar ở Liên Hợp Quốc.
Christine Schraner Burgener – đặc phái viên của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres – cho rằng, không quốc gia nào trên thế giới nên công nhận sự hợp pháp của chính quyền quân sự Myanmar.
Cảnh sát chống bạo động Myanmar ngày 28.2 đã nổ súng, sử dụng lựu đạn gây choáng nhằm vào đám đông người biểu tình,...
Nguồn: https://danviet.vn/myanmar-ngay-nhieu-nguoi-tu-vong-nhat-sau-vu-dao-chinh-q...