Myanmar bước lùi trước bẫy nợ Trung Quốc ở Nam Á
Bẫy nợ ở một số quốc gia Nam Á khiến Myanmar có những bước đi thận trọng trước dự án cảng biển nước sâu trị giá 9 tỉ USD do Trung Quốc đầu tư.
Sự cân nhắc của Myanmar bắt nguồn từ việc các dự án Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC) của Pakistan và cảng biển chiến lược Hambantota của Sri Lanka đã đẩy các nước này vào bẫy nợ.
Hiện Bắc Kinh đang cố gắng mở rộng ảnh hưởng thông qua Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Myanmar (CMEC). Đây là dự án trị giá hàng tỉ USD với các thỏa thuận liên quan tới tuyến đường sắt nối Tây Nam Trung Quốc với Ấn Độ Dương, một cảng biển nước sâu bang Rakhine (cảng Kyaukpyu), một đặc khu kinh tế ở khu vực biên giới và dự án về thành phố mới nằm trong thành phố thương mại Yangon.
Trong chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Myanmar vào tháng 1, ký kết 33 thỏa thuận thúc đẩy các dự án quan trọng vốn là một phần trong sáng kiến Vành đai và Con đường. Tuy nhiên, 2 bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung về dự án xây dựng con đập khổng lồ gây tranh cãi trị giá 3,6 tỉ USD do Trung Quốc đầu tư.
Một dự án do Trung Quốc thực hiện ở Kyaukpyu, Myanmar. Ảnh: Nikkei
Nguồn tin của báo The Economic Times cho biết Myanmar đã rút ra bài học kinh nghiệm từ Pakistan, Sri Lanka và Maldives - nơi mà các dự án do Trung Quốc tài trợ đã đẩy các nước này vào bẫy nợ và gia tăng ảnh hưởng của Bắc Kinh.
Theo điều tra của nhật báo Dawn của Pakistan vào năm 2017, Trung Quốc nỗ lực tạo dựng một mối quan hệ mới với Pakistan, điều này sẽ cho phép Bắc Kinh thực hiện ảnh hưởng áp đảo đối với Islamabad.
Dự án CPEC là cánh cửa giúp doanh nghiệp và văn hóa Trung Quốc thâm nhập sâu và rộng vào hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế Pakistan cũng như xã hội nước này, theo nhật báo Dawn.
Vấn này gần đây được nhắc lại trên tạp chí tiếng Anh hàng đầu của Myanmar là The Irrawaddy với bài viết có tiêu đề "Giải cứu Myanmar khỏi bẫy nợ Trung Quốc".
The Irrawaddy nhận định rằng "với dự án cảng biển ở Kyaukpyu thuộc bang Rakhine, người Trung Quốc đang hy vọng giảm bớt sự phụ thuộc vào eo biển Malacca, vốn là huyết mạch thương mại chính của Trung Quốc, nối Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Trong bối cảnh cuộc chiến tranh lạnh mới với Mỹ đang diễn ra, người Trung Quốc đang tuyệt vọng để giảm bớt sự phụ thuộc quá mức vào các eo biển - nơi có sự hiện diện quân sự của Mỹ".
Cảng Gwadar – một dự án đầu tư của Trung Quốc tại Pakistan. Ảnh: Reuters
Đây là cảng nước sâu mà khi hoàn thành sẽ giúp khu vực Tây Nam của Trung Quốc có được một hành lang thương mại trực tiếp nối với Ấn Độ Dương qua Myanmar, theo đó cho phép các công ty hàng hải tránh eo biển Malacca trong trường hợp cần thiết.
Chi phí ước tính hiện tại của dự án vào khoảng 7,5 tỉ USD, cộng thêm 2 tỉ USD để phát triển một khu kinh tế phụ cận. Chính phủ Myanmar lo ngại rằng quyền kiểm soát cảng Kyaukpyu sẽ rơi vào tay Trung Quốc nếu Myanmar không thể trả nợ đúng hạn.
Trung Quốc đang nhắm mục tiêu đầu tư lớn khoảng 100 tỉ USD vào nền kinh tế Myanmar - một con số lớn hơn nhiều so với 62 tỉ USD tài trợ cho Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan.
Nguồn: [Link nguồn]
Ảnh chụp vệ tinh gần đây đã ghi lại khoảnh khắc tàu ngầm Trung Quốc tiến vào hầm ngầm bí mật trên đảo Hải Nam.