Mỹ xây dựng mạng lưới quân sự khắp châu Á

Mỹ từ lâu vẫn coi họ là một cường quốc ở Thái Bình Dương, nên đã duy trì lực lượng và kho vũ khí ở một số căn cứ tại khu vực này từ sau Thế chiến thứ hai.

Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Ảnh: NYT)

Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Ảnh: NYT)

Tuy nhiên, chính quyền của Tổng thống Joe Biden tin rằng điều đó chưa đủ để ngăn chặn điều mà họ coi là mối đe dọa lớn nhất từ Trung Quốc.

Ngay từ khi mới nhậm chức, Tổng thống Biden đã bắt tay thực hiện chiến lược mở rộng quyền tiếp cận của quân đội Mỹ ở căn cứ quân sự các quốc gia đồng minh trên khắp châu Á - Thái Bình Dương và đưa một loạt hệ thống vũ khí mới ở đó.

Ngày 24/4 vừa qua, ông Biden ký dự luật trị giá 95 tỷ USD sau khi Quốc hội thông qua, trong đó dành 8,1 tỷ USD để đối phó với Trung Quốc. Tháng trước, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tới Thượng Hải và Bắc Kinh để gặp Chủ tịch Tập Cận Bình và các quan chức khác, trong đó ông nhấn mạnh hoạt động quân sự của Trung Quốc ở eo biển Đài Loan và Biển Đông đang “gây bất ổn”.

Đầu tháng 4 vừa qua, lãnh đạo Philippines và Nhật Bản gặp Tổng thống Biden tại Nhà Trắng để tuyên bố tăng cường hợp tác quốc phòng, bao gồm huấn luyện và tập trận hải quân. Năm ngoái, chính quyền Tổng thống Biden ký kết hiệp ước quốc phòng ba bên với Nhật Bản và Hàn Quốc. Trong khi đó Úc sẽ sớm tiếp nhận các tàu ngầm tấn công tiên tiến do Mỹ sản xuất.

Ông Ely S. Ratner, trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về các vấn đề an ninh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, cho biết trong một tuyên bố: “Năm 2023, chúng ta đánh dấu một năm có nhiều biến đổi nhất về thế trận lực lượng của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trong một thế hệ”.

Quan chức này cho biết, thay đổi quan trọng nhất là lực lượng Mỹ được chia thành các đơn vị nhỏ hơn, cơ động hơn trên phạm vi rộng, thay vì tập trung tại một số căn cứ lớn ở Đông Bắc Á. Điều này được tính toán nhằm chống lại nỗ lực của Trung Quốc để nhắm vào các tàu sân bay hoặc tiền đồn quân sự của Mỹ ở Okinawa hoặc Guam.

Các lực lượng trên bộ, bao gồm trung đoàn thủy quân lục chiến ven biển của Mỹ được huấn luyện lại và tái trang bị ở Okinawa, sẽ có khả năng tấn công các tàu chiến trên biển.

Lần đầu tiên, quân đội Nhật Bản sẽ nhận được tới 400 tên lửa hành trình Tomahawk - phiên bản mới nhất có thể tấn công tàu trên biển cũng như các mục tiêu trên đất liền từ khoảng cách hơn 1.800km.

Lầu Năm Góc cũng được phép tiếp cận thêm 4 căn cứ quân sự nữa ở Philippines, những nơi có thể sẽ tiếp nhận các máy bay chiến đấu và bệ phóng tên lửa di động tiên tiến của Mỹ nếu Manila đồng ý.

Nếu điều đó diễn ra, Mỹ sẽ không cần sử dụng nhiều tàu sân bay, để tránh trở thành mục tiêu của tên lửa tầm xa và tàu ngầm Trung Quốc nếu chiến sự nổ ra. Ngoài ra, Mỹ tiếp tục gửi vũ khí và huấn luyện viên đến Đài Loan (Trung Quốc).

Ông Kurt Campbell, tân thứ trưởng ngoại giao, phát biểu với các phóng viên khi ông còn là quan chức hàng đầu về chính sách châu Á tại Nhà Trắng: “Chúng tôi đã tăng cường các quan hệ liên minh và quan hệ đối tác theo những cách mà chỉ vài năm trước đây cũng không thể tưởng tượng ra”.

Lực lượng Mỹ tham gia cuộc tập trận ở Philippines. (Ảnh: Reuters)

Lực lượng Mỹ tham gia cuộc tập trận ở Philippines. (Ảnh: Reuters)

Hai chuỗi đảo

Bắc Kinh đang theo dõi các động thái của Mỹ với tâm lý cảnh giác, cho rằng đó là kiểu bao vây Trung Quốc.

Một số nhà chiến lược quân sự Trung Quốc cho rằng những hành động trên của Mỹ là nhằm khoá Hải quân Trung Quốc trong chuỗi đảo thứ nhất, tức chuỗi đảo chạy từ Okinawa ở Nhật Bản xuống Philippines.

Tài sản quân sự của Mỹ dọc theo những hòn đảo này có thể ngăn tàu chiến Trung Quốc tiến ra Thái Bình Dương nếu xung đột nổ ra.

Các lãnh đạo quân đội Trung Quốc cũng bàn về sự thống trị quân sự dọc “chuỗi đảo thứ hai” – nằm xa hơn ở Thái Bình Dương, bao gồm Guam, Palau và Tây Papua.

Một số chỉ huy Mỹ thừa nhận Washington cần tăng tốc độ sản xuất tàu chiến, nhưng tin rằng khả năng tác chiến của quân đội Mỹ ở khu vực vẫn vượt trội so với Trung Quốc và có thể cải thiện nhanh chóng với các cam kết chính trị và ngân sách đúng đắn ở Washington.

Sau khi chính quyền Trump rút khỏi Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung, Mỹ có thể phát triển bệ phóng nhỏ cơ động hơn cho các loại tên lửa bị cấm trước đây trên khắp châu Á.

Dù triển khai thêm nhiều hệ thống mới, Mỹ vẫn sẽ tiếp tục sử dụng các tài sản của họ đã có ở căn cứ tại Guam, Nhật Bản và Hàn Quốc nếu chiến tranh nổ ra.

Các quan chức cấp cao của Mỹ nói rằng chiến tranh với Trung Quốc là điều không mong muốn nhưng cũng không phải là không có khả năng. Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã công khai thể hiện quan điểm này.

Tiếp người đồng cấp Blinken tại Bắc Kinh trong tháng trước, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói rằng “các yếu tố tiêu cực trong mối quan hệ (giữa hai nước) vẫn đang gia tăng và hình thành, và phải đối mặt với đủ kiểu gián đoạn”.

Ông cảnh báo Mỹ “chớ can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc, không cản trở sự phát triển của Trung Quốc và không bước qua lằn ranh đỏ của Trung Quốc, cũng như chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của Trung Quốc”.

Nguồn: [Link nguồn]

Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov cảnh báo Mỹ 'không mở hộp Pandora' ở châu Á với việc đưa tên lửa Tomahawk và SM-6 đến châu Á-TBD.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bình Giang - New York Times ([Tên nguồn])
Tin tức Mỹ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN