Mỹ xả 180 triệu thùng dầu sau khi "cắt" nhập khẩu từ Nga: Như muối bỏ biển?
Hôm 31.3, Tổng thống Mỹ Biden đã tuyên bố nước này sẽ xả 180 triệu thùng dầu ra thị trường nhằm “hạ nhiệt” giá xăng dầu. Tuy nhiên, một số chuyên gia cảnh báo, động thái này của Mỹ không chỉ không giải quyết được vấn đề mà còn có thể phản tác dụng.
Ông Biden hy vọng việc xả 180 triệu thùng dầu từ kho dự trữ có thể giúp giảm giá nhiên liệu Mỹ (ảnh AP)
Theo kế hoạch của ông Biden, Mỹ sẽ bán ra thị trường 1 triệu dùng dầu/ngày, liên tục trong vòng 6 tháng nhằm “hãm phanh” đà tăng của giá nhiên liệu. Hiện giá dầu ở Mỹ là khoảng 4,2 USD/gallon (gần 3,8 lít). Cùng kỳ năm ngoái, giá dầu ở Mỹ là 2,8 USD/gallon.
“Nếu chúng ta muốn giá xăng giảm, điều quan trọng là phải có thêm nguồn cung lúc này”, ông Biden phát biểu về kế hoạch xả 180 triệu thùng dầu.
Tình trạng giá năng lượng ở Mỹ và thế giới tăng vọt hiện nay được cho là do những lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga.
Hôm 8.3, Mỹ tuyên bố cấm nhập khẩu dầu từ Nga. Năm 2021, Mỹ nhập khẩu khoảng 672.000 thùng dầu mỗi ngày từ Nga, đáp ứng 8% nhu cầu tiêu thụ. Theo ông Biden, lệnh cấm nhập khẩu dầu từ Nga sẽ không có nhiều tác động đến Mỹ. Tuy nhiên, thực tế dường như không phải vậy.
Bộ Năng lượng Mỹ cho biết, phải mất khoảng 13 ngày kể từ ngày 31.3 để nước này hút những thùng dầu từ kho dự trữ lên. Sau khi tổ chức đấu giá, một công ty trúng thầu sẽ bán số dầu này ra thị trường.
Theo New York Times, giá nhiên liệu tăng đang là mối quan tâm hàng đầu của người dân Mỹ và khiến tỷ lệ ủng hộ ông Biden giảm xuống mức kỷ lục. Ông Biden không có nhiều công cụ để giảm giá nhiên liệu ở Mỹ và hút dầu từ kho dự trữ có thể là phương sách cuối cùng.
Mỹ có lượng dầu dự trữ trong kho chiến lược nhiều nhất thế giới (ảnh AP)
Một số chuyên gia Mỹ không cảm thấy yên tâm trước quyết định của ông Biden. Họ cho rằng, ngay cả khi tất cả 180 triệu thùng được bán ra thị trường, nỗ lực này cũng chỉ như “muối bỏ biển”.
Stewart Glickman – chuyên gia tại công ty phân tích kinh tế CFRA Research (Mỹ) – cho rằng, việc bán dầu từ kho dự trữ chiến lược chẳng khác nào bị đau đầu mà chỉ uống thuốc giảm đau.
“Nguyên nhân gốc rễ không được giải quyết. Cơn đau đầu vẫn sẽ còn đó sau khi thuốc hết tác dụng”, ông Stewart Glickman nói.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Nga xuất khẩu khoảng 5 triệu thùng dầu thô mỗi ngày, chiếm gần 12% lượng tiêu thụ của thế giới.
“Vì vậy, lệnh xả kho dầu của ông Biden không đủ lớn để bù đắp tổn thất từ việc cắt nhập khẩu dầu Nga khi xung đột và các lệnh trừng phạt vẫn tiếp tục”, Bob McNally – cựu cố vấn năng lượng cho Nhà Trắng dưới thời Tổng thống George W. Bush – nhận xét.
1 triệu thùng dầu hút ra từ kho dự trữ mỗi ngày chỉ đủ đáp ứng 5% nhu cầu tiêu thụ của người Mỹ, theo New York Times.
Patrick De Han – chuyên gia phân tích xăng dầu của công ty GasBuddy – cho rằng, lệnh hút dầu của ông Biden có thể gây ra tác động tiêu cực khi làm giảm kho dự trữ dầu của Mỹ xuống mức thấp nhất kể từ năm 1984.
“Mỹ có thể mất từ 4 – 10 năm để lấp đầy kho dự trữ sau quyết định này”, ông Patrick De Han nhận xét.
Theo ông Patrick De Han, việc Mỹ hút 180 triệu thùng dầu cũng có thể khiến Ả Rập Saudi và nhiều nhà cung cấp năng lượng khác trên thế giới mất động lực để đẩy nhanh tốc độ “bơm” dầu ra thị trường.
Trong hội nghị thượng đỉnh trực tuyến hôm 1.4, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cảnh báo, Liên minh châu Âu (EU) không nên kéo thế giới vào cuộc xung đột Nga – Ukraine.
Nguồn: [Link nguồn]