Mỹ: Vụ rơi máy bay khiến 132 người chết, 5 năm sau mới phát hiện nguyên nhân
Cách đây 28 năm, vào ngày 8/9/1994, chiếc Boeing 737 mang số hiệu 427 của hãng USAir lao xuống đất tạo nên thảm kịch khiến 132 người chết. Vụ tai nạn có tác động lớn đến ngành hàng không và nhiều thay đổi trên dòng máy bay Boeing 737.
Máy bay lao xuống đất vỡ tan thành vô số mảnh nhỏ.
Chiều tối ngày 8/9/1994 ở tây Pennsylvania, chuyến bay USAir 427 bắt đầu hạ dần độ cao để đáp xuống sân bay quốc tế Pittsburgh.
Chiếc Boeing 737, chở 127 hành khách và 5 thành viên phi hành đoàn, khởi hành từ sân bay quốc tế O'Hare, Chicago, dự kiến hạ cánh ở Pittsburgh vào lúc 19 giờ 15.
Trước khi hạ cánh 15 phút, cơ phó Charles Emmett và Cơ trưởng Peter Germanao vẫn còn đang trò chuyện một cách thoải mái trong buồng lái.
Chiếc máy bay bất ngờ chệch hướng sang bên trái, lật ngửa và bắt đầu lao từ trên trời xuống theo hình xoắn ốc. Trong 28 giây, chiếc Boeing 737 đồ sộ lao thẳng xuống đất từ độ cao hơn 1.800m với tốc độ lên tới 500km/giờ.
Máy bay đâm xuống một khu vực cách sân bay vài km và vỡ tan thành nhiều mảnh, khiến toàn bộ 132 người trên máy bay thiệt mạng.
Nguyên nhân được xác định là do lỗi trục bánh lái.
Các mảnh thi thể nạn nhân rải rác ở khắp nơi khiến nhà chức trách Mỹ ban hành cảnh báo nguy cơ sinh học và huy động tới 2.000 túi đựng thi thể.
Các nhân chứng cho hay họ đã chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng tại hiện trường máy bay gặp nạn. Các mảnh thi thể treo trên cây hay các vệt máu ở khắp nơi.
Tất cả những người tới hiện trường máy bay gặp nạn trong tối hôm đó và sáng hôm sau đều phải tiêm chủng bệnh viêm gan để đề phòng.
"Đó là cảnh tượng vô cùng khủng khiếp. Các mảnh thi thể, các mẩu ghế, hành lý văng xa tới 200 mét. Mảnh vỡ lớn nhất của máy bay mà tôi thấy chỉ bé như cánh cửa ô tô", Freedy David, cảnh sát trưởng thị trấn Hopewell, nơi máy bay rơi, nói với New York Times.
Vụ tai nạn gây chấn động nước Mỹ khi đó khởi đầu cho một cuộc điều tra dài nhất trong lịch sử Ủy ban An toàn Giao thông Vận tải Quốc gia Mỹ (NTSB).
Vụ tai nạn khiến hãng Boeing phải thiết kế lại bánh lái cho chiếc Boeing 737.
Cuộc điều tra khi đó đã dẫn đến những thay đổi cơ bản trong ngành hàng không và giúp cứu sống vô số người kể từ đó.
"Tôi không nghĩ có một vụ tai nạn nào có tác động lớn đến NTSB, đối với ngành hàng không như vụ tai nạn máy bay Pittsburgh", Jim Hall, chủ tịch NTSB khi đó, nói.
"Hi vọng những người thân của các nạn nhân có thể nhìn lại thảm kịch đó và biết rằng, kết quả của sự kiện đó đã giúp cứu sống hàng trăm hoặc hàng nghìn sinh mạng trong suốt thời gian tồn tại của chiếc Boeing 737, loại máy bay phổ biến nhất thế giới", ông Hall nói thêm.
NTSB đưa ra kết luận vào tháng 3/1999, nói rằng nguyên nhân vụ tai nạn là do trục trặc trong hệ thống bánh lái, gây ra tình trạng đánh lái sai hướng và khiến máy bay mất lực nâng, rơi khỏi bầu trời một cách không kiểm soát.
Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) ban đầu không đồng ý với báo cáo của NTSB và đổ lỗi cho phi công. Tuy nhiên, FAA đã thay đổi quan điểm sau khi một nhóm chuyên gia của Ban Kiểm tra và Đánh giá Kỹ thuật phát hiện ra 46 lỗi tiềm ẩn trong hệ thống bánh lái của mẫu máy bay Boeing 737.
Cách xử lý của hãng USAir khi đó gây tranh cãi.
FAA sau đó đã yêu cầu hãng Boeing thiết kế lại và thay thế toàn bộ bánh lái trên các máy bay Boeing 737, cũng như xây dựng hệ thống điều khiển bánh lái dự phòng và đào tạo cho các phi công về cách xử lý các trục trặc của bánh lái.
"Kể từ vụ tai nạn máy bay USAir 427, FAA đã làm việc cùng Boeing, NTSB và cả ngành hàng không để giúp cho hệ thống bánh lái của chiếc Boeing 737 an toàn hơn", ông Hall nói.
Theo ông Hall, Boeing ban đầu phủ nhận sai sót nhưng sau đó đã chấp nhận chi một tỉ USD để khắc phục vấn đề kỹ thuật tồn tại.
Vụ tai nạn cũng làm thay đổi cách đối xử với người thân của các nạn nhân trong thảm kịch hàng không. Những gia đình có người thân trên chuyến bay USAir 427 bị giữ lại ở phòng chờ sân bay và chỉ được biết những gì xảy ra đối với máy bay sau 6 giờ.
Cách xử lý của USAir gây tranh cãi đến mức Tổng thống Mỹ khi đó là Bill Clinton đã ký Đạo luật Hỗ trợ Thảm họa Gia đình vào năm 1996 và đạo luật sau dó được Quốc hội Mỹ thông qua.
Nguồn: [Link nguồn]
Một sai sót trong cuộc diễn tập quân sự ở Ukraine dẫn đến cái chết của 78 người vào ngày 4.10.2001, khi chiếc máy bay Tupolev TU-154 của hãng hàng không Nga, bị bắn rơi cách đây...