Mỹ viện trợ 60 tỉ USD, Ukraine đủ sức xoay chuyển thế trận?
Gói viện trợ hơn 60 tỉ USD của Mỹ phần nào giúp Ukraine bớt lo nhưng liệu có thể giúp Kiev xoay chuyển cục diện trong cuộc chiến với Nga?
Hạ viện Mỹ hôm 20-4 đã thông qua khoản viện trợ trị giá hơn 60 tỉ USD cho Ukraine. Nếu được Thượng viện thông qua, mà gần như đó là điều chắc chắn, thì dự luật sẽ được Tổng thống Mỹ Joe Biden ký thành luật ngay sau ngày 23-4 (giờ Mỹ), mở đường cho “dòng chảy” trang thiết bị quân sự Mỹ vào Ukraine.
Có viện trợ 60 tỉ USD, Ukraine vẫn chưa bớt lo
Chính quyền Kiev vui mừng khi gói viện trợ đang đến gần với mình hơn sau khoảng thời gian dài lãnh đạo nước này khẩn thiết xin viện trợ để phá thế bế tắc trên chiến trường khi nguồn đạn dược, vũ khí đã cạn kiệt.
Gói viện trợ còn có thể giúp Ukraine ngăn chặn các cuộc tấn công không ngừng nghỉ của Nga và xây thêm phòng tuyến giữ lãnh thổ, cho phép Kiev tiến đến thắng lợi vào năm tới khi các đồng minh châu Âu có thể hỗ trợ thêm cho nước này. Cạnh đó, điều ít rõ ràng hơn nhưng không kém phần quan trọng là gói viện trợ có thể nâng cao tinh thần chiến đấu của Ukraine, theo tờ The Wall Street Journal.
Lính Ukraine khai hỏa vào mục tiêu Nga gần TP Lyman (tỉnh Donetsk). Ảnh: THE WALL STREET JOURNAL
Tuy nhiên, xét đến thế đứng của Ukraine trên chiến trường khốc liệt và những tiến bộ mà lực lượng Nga đã đạt được trong những tháng gần đây, khi trong thời gian chiến sự, Nga đã củng cố khoảng 20% lãnh thổ Ukraine mà họ nắm giữ, gói viện trợ mới khó có thể đảo chiều vị thế của Kiev, The Wall Street Journal đánh giá.
Cạnh đó, việc tăng cường cung cấp quân sự không thể giúp Ukraine giải quyết các vấn đề khác, đặc biệt là thiếu nhân lực.
Hiện tại, khoảng 1 triệu người phục vụ trong quân đội Ukraine đang dần xuống sức vì cuộc chiến dai dẳng. Nhiều người lính nghĩa vụ đã chiến đấu được hơn 2 năm và hàng chục ngàn lính đã thiệt mạng hoặc bị thương nặng, theo tờ The New York Times.
Gần đây, quốc hội Ukraine đã thông qua dự luật huy động binh sĩ nhằm tuyển thêm hàng nghìn quân và nước này cũng hạ tuổi nhập ngũ từ 27 xuống 25. Tuy nhiên, Ukraine vẫn gặp khó khăn trong quá trình tuyển dụng và một trong những lý do là về mặt nhân khẩu học, nước này có rất ít nam thanh niên trong độ tuổi 18 đến 30.
Số lượng nam giới Ukraine trong các độ tuổi. Nguồn: THE NEW YORK TIMES
Ukraine và đồng minh nên hiệp lực ra sao?
Ông Max Bergmann, Giám đốc Chương trình châu Âu, Nga và Âu-Á và Trung tâm Stuart của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho rằng được gói viện trợ 60 tỉ USD tiếp sức, Ukraine và đồng minh nên đặt mục tiêu phá vỡ ý chí tiếp tục chiến đấu của Nga.
Theo ông Bergmann, Ukraine nên tận dụng năm 2024 để giữ phòng tuyến, làm cạn kiệt và tiêu hao các lực lượng Nga, đồng thời xây dựng lại và bổ sung lực lượng cũng như khả năng phòng thủ dân sự, bao gồm hệ thống phòng không. Bước chuẩn bị này sẽ tạo cơ hội để năm 2025, Ukraine, với nhiều kinh nghiệm hơn trong chiến tranh vũ trang tổng hợp, phản công Nga mà khi đó lực lượng Nga có khả năng đã suy kiệt và mất tinh thần.
Lính Ukraine ở chiến trường tỉnh Donetsk. Ảnh: THE WALL STREET JOURNAL
Chuyên gia này cũng nhấn mạnh việc Ukraine cần thiết phải xây dựng lại lực lượng. Do thiếu quân và lượng lớn lính ở chiến trường đã kiệt sức, Ukraine không chỉ cần phải “tiến hành một đợt nhập ngũ lớn mà còn phải làm điều đó một cách bền vững, trong đó việc thay phiên quân phải được diễn ra thường xuyên”.
Về lời khuyên đối với đồng minh của Ukraine, ông Bergmann cho rằng các nước châu Âu cần tăng cường sản xuất quốc phòng. Hiện châu Âu không có nguồn dự trữ và sản lượng công nghiệp quốc phòng tuy đang tăng lên nhưng vẫn chưa đạt đến mức cần thiết để hỗ trợ hiệu quả cho Ukraine, đặc biệt là trong trường hợp Mỹ không hỗ trợ nữa.
Một điểm nữa mà chuyên gia này lưu ý là Mỹ và châu Âu cần có kế hoạch tấn công kinh tế quy mô lớn vào ngành dầu mỏ của Nga vào năm 2025 để cắt đứt nguồn tiền Nga rót vào cuộc chiến ở Ukraine.
Việc phương Tây áp giá trần với dầu Nga đã có thể đã tước đi một phần doanh thu của Nga và gây ra một số vấn đề hậu cần cho nước này. Tuy nhiên, Nga cũng đã phần nào khắc phục được và vẫn bán được dầu ra thế giới, tạo ra nguồn tài chính hỗ trợ cuộc chiến. Do đó, phương Tây cần phải chặn nguồn tiếp tế này.
Các chuyên gia ở Mỹ cho rằng Nga có thể sẽ tận dụng khoảng thời gian trước khi vũ khí bổ sung của Mỹ xuất hiện trên chiến trường ở Ukraine.
Nguồn: [Link nguồn]