Mỹ và Trung Quốc chạy đua do thám

Mỹ và Trung Quốc được cho là đang nỗ lực do thám khắp mặt trận và điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro khiến quan hệ song phương thêm rạn nứt.

Trong năm nay, Mỹ và Trung Quốc (TQ) có những bước đi táo bạo trong hoạt động do thám. Điều này càng làm phức tạp thêm mối quan hệ song phương vốn đã căng thẳng do tranh chấp thương mại và cạnh tranh công nghệ, theo tờ Nikkei Asia.

Trung Quốc do thám trên khắp các mặt trận

Các quan chức Mỹ cho biết các hoạt động xâm nhập trên không gian mạng là phương pháp thu thập thông tin tình báo thường xuyên và quan trọng nhất của TQ. Theo báo cáo về hoạt động gián điệp của TQ từ năm 2000 đến tháng 3-2023 của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (Mỹ), trong khoảng thời gian này đã có 104 trường hợp tấn công mạng nhắm vào Mỹ do TQ gây ra.

Ông Lyle Morris, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Chính sách xã hội châu Á (ASPI), cho rằng liên lạc Mỹ - Trung đang ở mức tồi tệ nhất kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1979. Điều này khiến hai nước ưu tiên thu thập thông tin tình báo để hiểu rõ khả năng, hành động và ý định chiến lược của nhau. Ông cho rằng việc thu thập thông tin tình báo đang trở thành một “yếu tố làm phức tạp mối quan hệ Mỹ - Trung”.

Gần đây nhất, hồi tháng 7, Washington và Tập đoàn phần mềm Microsoft cáo buộc TQ tấn công vào nền tảng của hãng nhằm truy cập email của các nhà ngoại giao cấp cao Mỹ, bao gồm Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo, Đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh Nicholas Burns, theo hãng tin Reuters.

Chính phủ Mỹ cũng cảnh báo các nước rằng khả năng do thám điện tử của TQ có thể mạnh hơn nếu các quốc gia sử dụng công nghệ từ các công ty truyền thông TQ. Đó là lý do Mỹ đi đầu trong việc ra các lệnh cấm với Công ty Huawei (TQ) và hạn chế mạng xã hội TikTok.

Về mặt con người, Washington lo ngại trước việc cơ quan tình báo của TQ - Bộ An ninh quốc gia thu thập thông tin tình báo bằng cách cài cắm điệp viên hoặc tuyển dụng người trong chính phủ Mỹ cũng như các công ty công nghệ và ngành công nghiệp quốc phòng, theo tờ Nikkei Asia.

Cạnh đó, Mỹ cáo buộc TQ mở nhiều “đồn cảnh sát mật” núp bóng các cơ sở giúp đỡ công dân TQ tại Mỹ để thu thập thông tin tình báo, mặc dù TQ đã bác bỏ cáo buộc này. Hồi tháng 4, Mỹ đã bắt hai người Mỹ gốc Hoa với cáo buộc điều hành “đồn cảnh sát mật” TQ ở TP New York.

Hoạt động của TQ khá mạnh khiến các cơ quan liên bang Mỹ âm thầm tiến hành và mở rộng hoạt động truy bắt gián điệp. Giám đốc Cục Điều tra Liên bang (FBI) Christopher A. Wray gần đây cho biết FBI hiện có hàng ngàn cuộc điều tra tình báo TQ và mỗi văn phòng trong số 56 văn phòng hiện tại của FBI đều có các vụ án đang điều tra.

Ở trên không, các quan chức Mỹ cho biết khả năng trinh sát bằng vệ tinh của TQ được cải tiến rất nhiều. Cạnh đó, ở những “điểm mù” mà vệ tinh không với tới được, TQ sử dụng cái mà Mỹ gọi là “khinh khí cầu do thám” để thu thập thông tin. Hồi tháng 2, Mỹ đã bắn hạ khinh khí cầu của TQ với cáo buộc khinh khí cầu do thám các địa điểm chiến lược ở Mỹ, trong khi TQ phủ nhận cáo buộc này.

Ở trên biển, TQ cũng đang thực hiện chương trình “Vạn Lý Trường Thành dưới nước”, Reuters dẫn hai nguồn tin của hải quân Mỹ cho hay. Hệ thống do thám này đang được xây dựng, bao gồm các dây cáp được trang bị cảm biến nghe sóng siêu âm đặt dọc đáy biển ở Biển Đông. TQ cũng xây dựng một đội thuyền không người lái trên và dưới biển để truy tìm tàu ​​ngầm của đối phương.

Tòa nhà sáu tầng (ở giữa) được cho là “đồn cảnh sát mật” Trung Quốc ở quận Manhattan, TP New York (Mỹ) hồi tháng 4. Ảnh: AP

Tòa nhà sáu tầng (ở giữa) được cho là “đồn cảnh sát mật” Trung Quốc ở quận Manhattan, TP New York (Mỹ) hồi tháng 4. Ảnh: AP

Mỹ cũng đa dạng cách do thám

Theo đài CGTN, trong nhiều thập niên, Washington đã không ngừng nỗ lực theo dõi TQ. Vào tháng 6-2022, Bộ Ngoại giao TQ nói rằng các máy bay trinh sát của nước này đã nhiều lần mạo danh máy bay dân dụng của các nước khác để bay ở khu vực Biển Đông. Trích dẫn số liệu thống kê từ các tổ chức chuyên môn, bộ này cho biết số lượng các nhiệm vụ trinh sát quân sự tầm gần của Mỹ chống lại TQ đã tăng hơn gấp đôi so với một thập niên trước, theo đài CGTN.

TQ luôn cứng rắn với những hoạt động này của Mỹ. Hồi cuối tháng 5, chiến đấu cơ J-16 của TQ bay tạt ngang phía mũi của máy bay do thám RC-135 của Mỹ. Bắc Kinh giải thích lý do mà Washington cho là “áp sát nguy hiểm” này là vì Mỹ đã điều tàu chiến, máy bay “để giám sát ở phạm vi gần TQ, gây tổn hại nghiêm trọng an ninh quốc gia TQ”. Giữa tháng 7, lực lượng TQ cũng đã phát hiện và gửi cảnh báo nghiêm khắc tới máy bay tuần tra chống ngầm P-8A của Mỹ mà TQ cho rằng đang trinh sát ở eo biển Đài Loan, theo tờ Global Times.

Mỹ cũng cài cắm điệp viên vào các cơ quan, công ty nhà nước TQ, bao gồm chiến thuật tuyển mộ gián điệp TQ ở nước thứ ba. Gần đây nhất, vào tháng 8, chỉ trong vòng nửa tháng, cơ quan an ninh nước này đã triệt phá được hai vụ gián điệp Mỹ, theo tờ Global Times.

Hai nghi phạm bị bắt, một người là quan chức của một bộ trong chính phủ TQ, người kia là nhân viên cấp cao của một tập đoàn công nghiệp quân sự TQ. Điểm chung là hai người này đều được cấp trên cử đi học tập ở nước ngoài, một người đi Nhật, một người đi Ý và được nhân viên CIA ở nước sở tại tuyển dụng. Khi về nước, họ sẽ được cài vào những bộ phận quan trọng của TQ, đánh cắp thông tin và nhận thưởng từ CIA.

Tương tự chương trình “Vạn Lý Trường Thành dưới nước” của TQ, hải quân Mỹ cũng đang tiến hành tái thiết chương trình do thám chống tàu ngầm lớn nhất của nước này kể từ khi kết thúc chiến tranh lạnh. Đây được gọi là dự án “Hệ thống giám sát tích hợp dưới biển” (IUSS) trị giá hàng tỉ USD.

Dự án IUSS sẽ bao gồm việc hiện đại hóa mạng lưới cáp thăm dò âm thanh dưới nước hiện có và trang bị thêm cho đội tàu giám sát những cảm biến tiên tiến, máy thu âm dưới biển. Mục đích của các nỗ lực này đều nhằm tăng cường khả năng do thám của quân đội Mỹ trước đối thủ.

Cuộc đua đầy rủi ro

Ông Christopher Johnson, cựu chuyên gia phân tích TQ của CIA, khẳng định đã có sự gia tăng hoạt động do thám từ cả hai nước và hai nước đã theo dõi nhau ở nhiều mức độ trong thời gian dài. “Nhưng có lẽ phía TQ đang làm nhiều hơn, đơn giản vì họ ngày càng lớn mạnh hơn, có ảnh hưởng hơn, giàu có hơn và do đó có nhiều nguồn lực hơn để thực hiện (do thám) so với trước đây” - ông Johnson bình luận.

Trong khi đó, nhà nghiên cứu Chen Xiangmiao, thuộc Viện Nghiên cứu Biển Đông quốc gia TQ, lại cho rằng vì Mỹ là quốc gia số 1 về hoạt động do thám nên “TQ đang cố gắng xây dựng lợi thế so sánh tuyệt đối trong cạnh tranh thông tin và tình báo trong các lĩnh vực không gian, hàng không, hàng hải và không gian mạng”.

Hoạt động gián điệp có thể ngăn chặn việc rơi vào chiến tranh hoặc tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đàm phán tế nhị. Tuy nhiên, nó cũng có thể đẩy các quốc gia tới xung đột vũ trang hoặc gây ra rạn nứt ngoại giao, tờ The New York Times đánh giá.

Chẳng hạn, sau vụ Mỹ bắn hạ khinh khí cầu của TQ, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hủy chuyến thăm TQ và hai bên xảy ra tranh cãi ngoại giao nảy lửa. Mỹ cũng nhiều lần cáo buộc và chất vấn TQ về việc thông tin tình báo cho rằng TQ cung cấp vũ khí cho Nga, dù TQ phủ nhận khiến bất đồng giữa hai nước gia tăng.

Ông John Delury, nhà nghiên cứu về TQ học của ĐH Yonsei Delury (Hàn Quốc), nói: “Khi có ít giao tiếp hơn, cộng đồng tình báo của hai chính phủ ngày càng phải phỏng đoán nhiều hơn. Sau đó, sẽ có nhiều chỗ hơn cho những giả định sai lầm”.

Mỹ hồi sinh hệ thống do thám tuyệt mật để đối phó Trung Quốc

Trên một hòn đảo lộng gió cách Seattle khoảng 80 km về phía bắc có một trạm giám sát của Hải quân Mỹ. Trong nhiều năm, nhiệm vụ của nơi này là theo dõi di chuyển của cá voi...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo ĐỨC HIỀN ([Tên nguồn])
Tin tức Mỹ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN