Mỹ và Israel ngày càng bất đồng về Gaza, lý do có thể là gì?

Bất đồng giữa Mỹ và Israel ngày càng rõ, xoay quanh giải pháp hai nhà nước sau xung đột tại Dải Gaza. 

Những bất đồng giữa Mỹ và Israel về giải pháp hai nhà nước sau xung đột giữa Israel với phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas (kiểm soát Dải Gaza, Palestine) là chủ đề chính trong quan hệ hai nước những ngày gần đây.

Những bất đồng này có khả năng tạo ra rạn nứt sâu hơn giữa Israel và Mỹ – đồng minh lớn nhất của Israel, theo tờ The Wall Street Journal.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (phải) và Tổng thống Mỹ Joe Biden trong cuộc gặp hồi tháng 10-2023 tại Israel. Ảnh: REUTERS

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (phải) và Tổng thống Mỹ Joe Biden trong cuộc gặp hồi tháng 10-2023 tại Israel. Ảnh: REUTERS

Bất đồng ngày càng lớn

Theo tờ The Guardian, giải pháp hai nhà nước là ý tưởng ủng hộ thành lập nhà nước Palestine bên cạnh nhà nước Israel. Theo đó, hai nhà nước sẽ cùng nằm trên vùng đất nằm giữa sông Jordan và biển Địa Trung Hải.

Giải pháp hai nhà nước đã trở thành chính sách được quốc tế ủng hộ rộng rãi nhằm giải quyết các vấn đề giữa Israel với Palestine. Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng nhiều lần nhắc đến việc thực hiện giải pháp hai nhà nước sau khi xung đột Israel-Hamas kết thúc.

Hồi tháng 10 năm ngoái, ông Biden nói: “Sẽ không có chuyện quay trở lại hiện trạng như trước ngày 7-10-2023. Điều đó cũng có nghĩa là khi cuộc khủng hoảng này kết thúc, cần phải có tầm nhìn về những gì sẽ xảy ra tiếp theo và theo quan điểm của chúng tôi, đó phải là giải pháp hai nhà nước”.

Hôm 19-1, phát biểu sau cuộc điện đàm Thủ tướng Israel – ông Benjamin Netanyahu, ông Biden cho rằng giải pháp hai nhà nước là điều có thể thực hiện được trong khi ông Netanyahu vẫn còn nắm quyền.

Tuy nhiên, ông Netanyahu cho biết trong cuộc điện đàm hôm 19-1 ông đã nói với ông Biden rằng Israel sẽ không chấp nhận gì ngoài “chiến thắng toàn diện” ở Gaza.

“Tôi đánh giá rất cao việc Mỹ ủng hộ Israel và tôi cũng đã nói điều này với Tổng thống Biden. Nhưng tôi cũng kiên quyết bảo vệ lợi ích sống còn của chúng tôi” – ông Netanyahu nói.

Văn phòng Thủ tướng Israel cũng cho biết: “Trong cuộc trò chuyện với Tổng thống Biden, Thủ tướng Netanyahu đã nhắc lại chính sách của mình rằng sau khi Hamas bị đánh bại thì Israel phải duy trì quyền kiểm soát an ninh đối với Gaza để đảm bảo rằng Gaza sẽ không còn đặt ra mối đe dọa đối với Israel nữa”.

Trong bài phát biểu hôm 21-1, ông Netanyahu nhấn mạnh rằng Israel sẽ phải tiếp tục duy trì quyền kiểm soát an ninh đối với các khu vực phía tây sông Jordan, bao gồm Israel, Bờ Tây và Dải Gaza.

“Tôi muốn nhấn mạnh về việc ngăn cản thành lập một nhà nước Palestine. Thành lập nhà nước Palestine có thể gây ra mối nguy hiểm hiện hữu cho Israel” – ông Netanyahu nói. Ông Netanyahu cũng cho biết ông đang chịu đựng “áp lực lớn trong nước và quốc tế” về vấn đề này.

Xe quân sự của Israel gần khu vực tiếp giáp Dải Gaza. Ảnh: AFP

Xe quân sự của Israel gần khu vực tiếp giáp Dải Gaza. Ảnh: AFP

Quan điểm của ông Netanyahu đang tạo ra bất đồng với chính quyền ông Biden khi phía Mỹ xem việc thành lập nhà nước Palestine, tồn tại cùng với Israel, là một bước cần thiết để chấm dứt xung đột Israel-Hamas và ổn định Trung Đông.

Theo The Wall Street Journal, những gì đang diễn ra cho thấy Mỹ và Israel đang bất đồng trong việc tìm ra khuôn khổ quản lý Gaza hậu xung đột.

Trong khi đó, một số quan chức Mỹ cho biết chính quyền ông Biden đang tập trung cao độ vào kế hoạch hậu chiến ở Gaza. Do đó, việc ông Netanyahu không ủng hộ giải pháp hai nhà nước đã khiến chính quyền ông Biden thất vọng.

Nguyên nhân bất đồng

Theo hãng tin AFP, Mỹ và Israel là đồng minh thân thiết. Tuy nhiên, quan hệ hai nước cũng có nhiều giai đoạn căng thẳng, như trong nhiệm kỳ của các tổng thống Mỹ Dwight Eisenhower, Lyndon Johnson, Jimmy Carter và Barack Obama.

Ngay cả cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump - người được ông Netanyahu mô tả là "người bạn thân nhất của Israel" - cũng từng không ngần ngại gọi Bộ trưởng Quốc phòng Israel – ông Yoav Gallant là "kẻ ngốc". Ông Trump cũng từng chỉ trích thủ tướng Israel sau vụ tấn công của Hamas vào lãnh thổ Israel hôm 7-10-2023.

Những lần căng thẳng kể trên bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, bao gồm tình hình khu vực Trung Đông và quốc tế lúc bấy giờ. Tuy nhiên, đối với những bất đồng hiện tại về giải pháp hai nhà nước, theo The Wall Street Journal, quan điểm của Mỹ và Israel bị tình hình chính trị trong nước chi phối.

Trên thực tế, ông Netanyahu có đầy đủ lý do để bày tỏ quan điểm cứng rắn về giải pháp hai nhà nước.

Theo đó, hầu hết các đồng minh bảo thủ và cực hữu của ông đều kiên quyết phản đối nhà nước Palestine. Do đó, việc ủng hộ giải pháp hai nhà nước có thể khiến ông mất sự ủng hộ của các đồng minh chính trị.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (giữa) trong cuộc họp nội các hồi tháng 12-2023. Ảnh: THE TIMES OF ISRAEL

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (giữa) trong cuộc họp nội các hồi tháng 12-2023. Ảnh: THE TIMES OF ISRAEL

Ngoài ra, các nhà phân tích cho rằng sự phản đối công khai của ông Netanyahu đối với nhà nước Palestine là nhằm mục đích giành lại sự ủng hộ của cánh hữu, sau sự kiện Hamas tấn công vào lãnh thổ Israel.

Theo cựu thủ tướng Israel – ông Yair Lapi, đối với Israel, quan hệ với Mỹ rất quan trọng. Do đó, việc chính phủ Israel tranh cãi công khai với Mỹ có thể là nhằm mục đích chính trị.

Trong khi đó, về phía Mỹ, việc ông Biden quan tâm đến giải pháp hai nhà nước cho thấy ông vẫn quan tâm đến mối quan hệ với Israel và các vấn đề xung quanh nước này.

Theo The Wall Street Journal, điều này có lợi cho Tổng thống Biden, vì việc giảm quan tâm Israel có thể khiến nhiều cử tri không ủng hộ ông Biden trong cuộc bầu cử sắp tới và tạo cơ hội cho đảng Cộng hòa chỉ trích các chính sách của chính quyền đương nhiệm.

Ngoài ra, ông Biden cũng đối mặt với các câu hỏi từ nhiều nhà lập pháp đảng Dân chủ về chiến lược của Mỹ tại Trung Đông. Trong những ngày gần đây, một nhóm đảng viên Dân chủ cho rằng Mỹ cần đặt ra điều kiện khi viện trợ cho Israel và thúc ép chính quyền ông Biden xem xét kỹ lưỡng các hành vi vi phạm luật pháp quốc tế trong xung đột Israel-Hamas.

Trong khi đó, nhiều cử tri trẻ và người Mỹ gốc Ả Rập bày tỏ sự không đồng tình trước cách xử lý cuộc xung đột của chính quyền ông Biden. Điều này càng thúc đẩy ông Biden đưa ra giải pháp hai nhà nước – vốn được ủng hộ rộng rãi.

24 binh sĩ thiệt mạng trong một ngày là tổn thất lớn nhất đối với quân đội Israel kể từ khi mở chiến dịch quân sự ở Dải Gaza.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo KHOA ĐIỀM ([Tên nguồn])
Tin tức Mỹ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN