Mỹ và đồng minh rút ra bài học đắt giá từ kiểu tấn công của Ukraine
Việc Ukraine tìm ra và tấn công thành công một số sở chỉ huy quân đội Nga không chỉ khiến Mátxcơva mà nhiều quân đội khác trên thế giới lo ngại.
Một chiếc xe tải HX77 của Úc di chuyển các bộ phận của sở chỉ huy trong cuộc tập trận Talisman ngày 21/7. (Ảnh: Quân đội Úc)
Quân đội Nga thích nghi bằng cách thay đổi vị trí và cách thức lập sở chỉ huy. Mỹ và các đồng minh cũng đang tính cách bảo vệ sở chỉ huy trước những cuộc tấn công tương tự.
Trong chiến dịch tập trận Talisman Sabre tại Úc tháng trước, binh lính Mỹ và Úc tập các phương pháp ngụy trang sở chỉ huy và di chuyển nhanh chóng nếu bị phát hiện.
“Những ví dụ từ cuộc xung đột ở Ukraine cho thấy dấu vết lớn dễ bị phát hiện và tấn công nhanh chóng sau khi lộ”, Đại tá Benjamin McLennan nói trong thông cáo báo chí.
Sở chỉ huy là nơi dành cho các sĩ quan quân đội, chuyên gia tình báo và thông tin liên lạc, cùng với những người chỉ huy trực tiếp chiến dịch trên chiến trường. Sở chỉ huy thường có nhiều thiết bị điện tử, xung quanh là nhiều xe cộ, nên dễ để lại dấu vết thực tế và điện tử.
“Nếu tôi thấy rất nhiều trạm radio ở cùng một chỗ, tôi hiểu rằng đó là một sở chỉ huy”, Đại tá Ivan Pavlenko, Cục trưởng Cục tác chiến điện tử và không gian mạng của Bộ Tổng tham mưu Ukraine, nói với BBC gần đây.
Việc tập trung tài sản thu thập thông tin tình báo và vũ khí dẫn đường chính xác khiến các sở chỉ huy dễ bị phát hiện. Sở chỉ huy mà binh lính Úc lập nên tháng trước được đặt dưới tán cây, phủ bằng lớp vật liệu ngụy trang và nằm sâu dưới mặt đất gần 3m, cho thấy tư duy mới về cách đối phó với các mối đe dọa tương tự.
Thiết kế hình thập tự giúp các trạm làm việc được bố trí dễ dàng và di chuyển nhanh chóng, Hạ sĩ Greg McKenzie, một kỹ sư của quân đội Úc, cho biết trong thông cáo. Theo kỹ sư này, chỗ làm việc hay mồi nhử có thể sắp xếp xong trong 1 ngày và di chuyển hết trong vòng 5 phút, nếu đội hậu cần luôn ở trạng thái sẵn sàng.
McLennan, chỉ huy Trung tâm Huấn luyện chiến đấu của quân đội Úc, cho biết những gì quan sát được từ Ukraine đã được áp dụng ngay vào cuộc tập trận. “Bằng cách giám sát các thiết bị trinh sát, chúng tôi có thể liên tục hỗ trợ và đưa ra phản hồi về những gì đối phương coi là dấu hiệu của lữ đoàn”, ông nói.
Sư đoàn bộ binh 28 của Quân đội Mỹ diễn tập trong chiến dịch năm 2016. (Ảnh: Quân đội Mỹ)
McLennan cho biết Talisman Sabre là cơ hội tuyệt vời để hợp tác với Mỹ trong thử nghiệm cấu trúc lữ đoàn gọn nhẹ, để tránh bị phát hiện dễ dàng và di chuyển nhanh chóng khi bị khóa mục tiêu. “Chúng tôi đã thấy một số kết quả tuyệt vời", ông nói.
Ukraine dùng vũ khí chính xác để tấn công hàng loạt các mục tiêu của Nga, nhưng tấn công vào mạng lưới chỉ huy và kiểm soát là đáng kể hơn cả, làm giảm khả năng tính toán và phản ứng.
Tác động của kiểu tấn công này thể hiện ở Chornobaivka, một ngôi làng gần Kherson, nơi lực lượng Ukraine đã nhắm vào trụ sở các lực lượng và đơn vị của Nga hơn 22 lần, trong đó có vụ khiến chỉ huy của Quân đoàn vũ trang liên hợp số 49 thiệt mạng, 3 sĩ quan quân đội Mỹ viết trong bài đăng trên tạp chí Military Review gần đây.
Các tác giả, bao gồm Trung tướng Milford Beagle Jr. - chỉ huy Trung tâm vũ khí kết hợp của quân đội Mỹ, viết: "Ngoài Kherson, mô hình này cũng tương tự nhưng ít tập trung hơn. Các cuộc tấn công của Ukraine vào nhiều sở chỉ huy trên khắp đất nước dẫn đến sự tiêu hao đáng kinh ngạc trong đội ngũ lãnh đạo quân sự cấp cao của Nga", nhóm tác giả viết.
Các cuộc tấn công bằng lựu pháo HIMARS bắt đầu từ mùa hè năm 2022 buộc quân đội Nga phải di chuyển sở chỉ huy về phía sau tiền tuyến hơn 120 km, "đặt ra những thách thức chiến thuật đáng kể đối với lực lượng Nga", báo cáo của Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia Anh đánh giá.
Tuy nhiên, đến mùa đông, lực lượng Nga vượt qua thách thức đó bằng cách bố trí các sở chỉ huy của họ phân tán hơn, được bảo vệ tốt hơn và kết nối chúng với các sở chỉ huy khác qua mạng viễn thông.
Quân đội Mỹ giờ đã bỏ mô hình sở chỉ huy mà họ đã quen thiết lập trong chiến tranh ở Trung Đông, nơi nhiệm vụ mở rộng và không nhiều mối đe dọa khiến các sở chỉ huy trở nên “quá tải và quá sức”, các tác giả viết.
Theo bài viết, để hoạt động hiệu quả và có thể sống sót trong những hoạt động chiến đấu quy mô lớn với đối phương năng lực tốt, các sở chỉ huy trong tương lai sẽ phải sử dụng dữ liệu tốt hơn, tích hợp chặt chẽ hơn với các lực lượng thân thiện, được bảo vệ nhiều hơn và linh động hơn.
Một công cụ có thể hỗ trợ nhiệm vụ đó được trưng bày ở Talisman Sabre. Quân đội Úc ra mắt những chiếc xe Bushmaster tích hợp khả năng liên lạc vệ tinh. Những chiếc xe này được gọi là “sở chỉ huy di động”.
Ngày 8/8, Nga tuyên bố họ vừa tấn công một sở chỉ huy của Ukraine ở Pokrovsk, một thị trấn ở miền đông, nhưng Kiev khẳng định đó là mục tiêu dân sự. Bộ Quốc phòng Nga cho biết, mục tiêu của đợt tấn công tên lửa là một sở chỉ huy của lực lượng vũ trang Ukraine. Cuộc tấn được gọi là “hai lần chạm”, nghĩa là cuộc thứ hai diễn ra ngay sau cuộc tấn công đầu tiên, làm tăng khả năng sát thương cho lực lượng đến phản ứng với đợt tấn công ban đầu. Ông Pavlo Kyrylenko, người đứng đầu chính quyền quân sự vùng Donetsk cho biết, hai tên lửa được phóng cách nhau 40 phút, phá hỏng các tòa nhà dân cư, một khách sạn, quán cà phê, cửa hàng và các tòa nhà hành chính trong tối 6/8, khiến 7 người đã thiệt mạng và 82 người bị thương trong cuộc tấn công. Bộ trưởng Nội vụ Ukraine Igor Klymenko cho biết, trong số những người thiệt mạng có một quan chức cấp cao của khu vực Donetsk. |
Nguồn: [Link nguồn]
Quân đội Nga từng bị phương Tây chê cách dụng binh ở Ukraine, nhưng hiện nay họ áp dụng thành công nhiều bài học được rút ra từ những sai lầm trước đây, để có thể giữ...