Mỹ và châu Âu đã hiểu sai bài học chống dịch Covid-19 của Trung Quốc?
Giới chức Mỹ, châu Âu tuyên bố, đã xem xét và rút ra kinh nghiệm chống dịch Covid-19 từ Trung Quốc để áp dụng cho cuộc chiến với dịch bệnh của chính nước mình. Tuy nhiên, bài học có thể đã bị hiểu sai, các chuyên gia y tế nhận xét.
Theo các chuyên gia, lệnh phong tỏa tại Vũ Hán, Trung Quốc từ ngày 23.1 chỉ giúp làm chậm chứ không thể ngăn chặn được sự lây lan của dịch bệnh, Covid-19 lúc này vẫn có thể lây lan giữa những người thân trong gia đình.
Điều thực sự đã làm thay đổi tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc là các biện pháp kiểm dịch mạnh mẽ và có hệ thống được áp dụng từ ngày 2.2. Theo đó, các trường hợp nghi nhiễm sẽ được cách ly và những người có triệu chứng hoặc có liên quan đến người bệnh đều được làm xét nghiệm.
Chiến thuật mới của Trung Quốc đã biến hàng trăm khách sạn, trường học cùng các cơ sở khác thành trung tâm cách ly, các bệnh viện dã chiến, bệnh viện tạm được xây dựng chỉ trong thời gian ngắn. Xét nghiệm virus cũng được mở rộng từ 200 lần/ngày (cuối tháng 1), lên 7.000 lần/ngày (giữa tháng 2).
Các biện pháp của Trung Quốc đã đi xa hơn những hành động mà nhiều nước phương Tây đang thực hiện.
Một người ngất xỉu trên đường phố tại Italia trong dịch Covid-19 (ảnh: The Sun)
Các chuyên gia y tế nhấn mạnh rằng, những lệnh phong tỏa, hạn chế đi lại mà một số nước phương Tây đang tiến hành chỉ có thể kìm hãm sự lây lan trong một khoảng thời gian nhất định chứ không đủ để ngăn chặn dịch bệnh. Đây là hiểu lầm lớn nhất trong việc áp dụng kinh nghiệm chống dịch từ Trung Quốc của Mỹ hay một số nước châu Âu đang thực hiện.
“Nhiều bài học chống dịch (từ Trung Quốc) đã bị bỏ quên. Lệnh phong tỏa có thể kéo dài thêm thời gian, nhưng cách duy nhất để chống lại dịch bệnh này là phải truy tìm xem ai là người mang virus”, Devi Sridhar, giáo sư y tế cộng đồng tại Đại học Edinburgh (Anh), cho biết.
Bà Devi Sridhar cho rằng, Mỹ, Anh và các nước châu Âu phải thành lập thêm nhiều bệnh viện và các trung tâm cách ly nếu muốn kiểm soát được dịch bệnh.
“Trừ khi có thần thánh can thiệp, ngoài ra tôi nghĩ không có cách nào khác để ngăn chặn Covid-19 lây lan nếu chúng ta cứ giữ nguyên các biện pháp như hiện nay”, bà Devi Sridhar cho biết.
Zhang Jinnong, trưởng khoa cấp cứu tại bệnh viện Xiehe ở Vũ Hán, cho biết, điều quan trọng nhất là tách người nhiễm bệnh ra khỏi những người khỏe mạnh. Ông cũng khuyên các nước phương Tây nên sử dụng khách sạn làm cơ sở cách ly, vì tại đây mỗi người có các phòng riêng biệt.
Các bác sĩ đang điều trị cho người nhiễm Covid-19 tại Trung Quốc (ảnh: AP)
Theo Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, tính đến ngày 24.3, Vũ Hán có khoảng 50.000 ca nhiễm Covid-19 với 2.524 người tử vong, chiếm 77% số ca tử vong ở Trung Quốc. Từ cuối tháng 2, số ca nhiễm ở Vũ Hán đã giảm dần. Trong 6 ngày gần đây Vũ Hán chỉ thông báo có 1 ca nhiễm mới.
Hôm 25.3, chính quyền Hồ Bắc đã nới dần lệnh phong tỏa. Theo đó, những người khỏe mạnh sẽ được ra khỏi tỉnh Hồ Bắc. Lệnh phong tỏa Vũ Hán vẫn được giữ nguyên cho tới ngày 8.4.
Nhiều chính phủ phương Tây bác bỏ biện pháp phong tỏa và chỉ ra lệnh hạn chế đi lại, yêu cầu người dân ở trong nhà. So với Vũ Hán, các nước phương Tây chưa có nỗ lực tương xứng để xác định và cách ly các ca nhiễm hoặc nghi nhiễm Covid-19.
Nhiều chuyên gia quốc tế ban đầu đã tỏ ra nghi ngờ về mô hình chống dịch của Vũ Hán, một số ý kiến khác lại cho rằng, các biện pháp của Trung Quốc quá tốn kém và vẫn tồn tại nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại khi hết phong tỏa.
Tuy nhiên, hiện tại các nước châu Âu đang phải đối mặt với thiệt hại kinh tế còn nghiêm trọng hơn khi vượt Trung Quốc cả về số ca nhiễm và tử vong vì Covid-19. Trong khi đó, mô hình chống dịch kiểu Trung Quốc đã được áp dụng tại Hàn Quốc, Singapore và cho kết quả khả quan dù có tốn kém ban đầu.
Phun thuốc khử trùng tại Hàn Quốc (ảnh: Yonhap)
Hôm 22.3, Giám đốc điều hành chương trình y tế khẩn cấp của WHO – ông Mike Ryan cảnh báo rằng, chỉ phong tỏa thôi là chưa đủ để kiểm soát dịch Covid-19. Ông cũng Mike Ryan kêu gọi các chính phủ các nước Mỹ, châu Âu tập trung vào việc xác định và cách ly người nhiễm, nghi nhiễm virus.
Ông Ian Lipkin, chuyên gia bệnh truyền nhiễm từ Đại học Columbia, người từng tới và cố vấn cho Trung Quốc về phương pháp chống dịch, cho biết, Mỹ nên ngay lập tức ra lệnh hạn chế đi lại trên toàn quốc và lập ra hệ thống cách ly theo từng nhóm cho đến khi có vắc xin ngừa Covid-19.
“Chúng ta phải cách ly riêng rẽ những người nhiễm virus đang cần chăm sóc y tế khẩn cấp, những người bị nhiễm nhưng có triệu chứng nhẹ hoặc không biểu hiện triệu chứng và những người khỏe mạnh, chưa từng tiếp xúc với người nhiễm virus”, ông Ian Lipkin phân tích.
Ban đầu, những ca nhiễm và nghi nhiễm Covid-19 tại Vũ Hán được cách ly các bệnh viện. Tuy nhiên, vì có 4.000 giường, các bệnh viện tại Vũ Hán nhanh chóng quá tải. Từ ngày 27.1, mỗi ngày có khoảng 15.000 người tại Vũ Hán phải đến bệnh viện vì có triệu chứng sốt .
Dọn dẹp tại một bệnh viện tạm tại Vũ Hán (ảnh: AP)
Thay đổi quan trọng đến vào ngày 2.2, khi Vũ Hán giao cho các tổ dân phố chia các ca nhiễm virus thành các nhóm, đưa các ca xác nhận nhiễm virus vào bệnh viện, những trường hợp còn sẽ được đưa vào bệnh viện tạm hay cơ sở cách ly.
“Tách các ca nghi nhiễm Covid-19 và những người tiếp xúc gần là bước ngoặt trong chống dịch ở Vũ Hán”, Du Bin, Trưởng khoa điều trị tích cực tại Bệnh viện Công đoàn Bắc Kinh, cho biết.
Ở Mỹ và đa số các nước châu Âu hiện không áp dụng phương pháp tách nhóm cách ly này mà chủ yếu chỉ áp dụng các lệnh hạn chế đi lại, yêu cầu người dân ở nguyên tại nhà. Điều này có thể làm tăng nguy cơ lây lan virus giữa các thành viên trong gia đình và các cụm dân cư nhỏ.
Việc xét nghiệm cũng không được mở rộng, thậm chí là còn bị hạn chế tại Mỹ - một trong những quốc gia có nguồn lực y tế mạnh nhất thế giới, trong khi tại Trung Quốc, từ đầu cho tới cuối cuộc chiến chống Covid-19, xét nghiệm và cách ly luôn là 2 biện pháp được đặt lên hàng đầu.
Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19: - Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi. - Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác. - Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế. - Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 19003228 và 19009095. |
Nguồn: [Link nguồn]
Covid-19 đang ảnh hưởng lớn tới nguồn cung thực phẩm cao cấp, đặc biệt là thực phẩm nhập khẩu từ nước ngoài vào...