Mỹ - Úc dùng chiến thuật "cớm tốt cớm xấu", dồn ép TQ về nguồn gốc dịch Covid-19?
Một liên minh giữa Mỹ và Úc được hình thành và đang dồn ép Trung Quốc về những vấn đề liên quan đến nguồn gốc của Covid-19 cùng cách xử lý dịch bệnh. Trong khi Mỹ thể hiện sự gay gắt bằng những cáo buộc và chỉ trích nhằm vào Trung Quốc, thì Úc lại sử dụng một cách thức tiếp cận ôn hòa hơn nhưng cũng không kém phần hiệu quả, theo các chuyên gia phân tích.
Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã dừng hỗ trợ tài chính cho WHO và liên tục cáo buộc Trung Quốc che giấu thông tin về dịch Covid-19. Trong những ngày gần đây, những lời lẽ từ phía Mỹ ngày càng gay gắt khi ông Trump và Ngoại Trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định có bằng chứng cho thấy Covid-19 xuất phát từ phòng thí nghiệm virus Vũ Hán.
Mỹ cho rằng, Trung Quốc cần phải “chịu trách nhiệm” về đại dịch và đang lên các phương án trừng phạt, bất chấp việc Bắc Kinh liên tục phủ nhận các cáo buộc và khẳng định minh bạch trong chia sẻ thông tin.
“Tôi nghĩ họ đã phạm một sai lầm rất khủng khiếp và không muốn thừa nhận điều này. Quan điểm của tôi là họ đã phạm sai lầm. Họ cố che đậy, cố lừa dối. Nó giống như một đám lửa. Thực sự giống như họ đang cố gắng dập lửa nhưng không thể”, Tổng thống Mỹ Donald Trump thẳng thừng đổ lỗi cho Trung Quốc hôm 3.5.
Hôm 7.5, ông Trump nói rằng, Covid-19 là thảm họa tồi tệ nhất tấn công nước Mỹ kể từ sau trận Trân Châu Cảng và vụ khủng bố ngày 11.9. Tổng thống Mỹ dường như muốn nhấn mạnh vào thiệt hại do dịch bệnh gây ra và việc ông tung đòn trừng phạt đối với Trung Quốc trong thời gian sắp tới là hoàn toàn hợp lý.
Thủ tướng Úc Scott Morrison và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong một buổi gặp mặt (ảnh: Reuters)
Ngược lại với Mỹ, Úc lại thể hiện một thái độ ôn hòa hơn nhưng cũng không kém phần “phiền phức” khi kiên trì kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc Covid-19 tại Vũ Hán. Úc cũng lên tiếng yêu cầu WHO tiến hành cải cách nội bộ để ngừng việc “thiên vị” Trung Quốc.
Theo giới phân tích, Mỹ và Úc đang phối hợp khá ăn ý trong chiến thuật “cớm tốt cớm xấu”. Mục đích cuối cùng vẫn là dồn ép, buộc Trung Quốc thừa nhận trách nhiệm đối với đại dịch và xây dựng liên minh, tiếp tục gây sức ép cho Bắc Kinh trong giai đoạn sau của dịch bệnh.
“Cớm tốt cớm xấu” là một chiến thuật tâm lý thường dùng trong đàm phán hoặc thẩm vấn ở các nước phương Tây. Theo đó, hai người trong một nhóm sẽ sử dụng phương pháp trái ngược nhau. Một người gay gắt, cứng rắn, thậm chí đe dọa “đụng tay đụng chân” để gây căng thẳng, trong khi người kia lại dùng lời lẽ mềm mỏng thuyết phục, và có thể còn tỏ ra thông cảm khiến đối tượng cần đàm phán hoặc thẩm vấn dễ lung lay.
Kết quả đạt được là thay vì phản ứng gay gắt, không chấp nhận điều tra về nguồn gốc của Covid-19 như ở thời điểm ban đầu, những ngày gần đây, Trung Quốc dường như đã “dịu giọng” hơn, thể hiện bằng việc Bắc Kinh tuyên bố sẵn sàng ủng hộ điều tra nguồn gốc virus nhưng “tiến hành tại một thời điểm thích hợp”.
“Trung Quốc sẽ liên lạc chặt chẽ với WHO trên tinh thần cởi mở, minh bạch và có trách nhiệm. Trung Quốc sẽ hỗ trợ Tổ chức Y tế Thế giới tiến hành điều tra về nguồn gốc của Covid-19”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc - Hoa Xuân Oánh, phát biểu hôm 7.5.
Trung Quốc mới đây đã bất ngờ tuyên bố ủng hộ điều tra về nguồn gốc Covid-19 (ảnh: Reuters)
Khi mới bắt đầu kêu gọi điều tra về nguồn gốc Covid-19, Úc vấp phải phản ứng quyết liệt từ phía Trung Quốc. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc – Cảnh Sảng, khi đó cho rằng, hành động của Úc là “chiêu trò chính trị”. Đại sứ Trung Quốc tại Úc – ông Jingye Cheng, cũng cảnh báo hậu quả kinh tế nếu Úc tiếp tục kêu gọi điều tra về Covid-19.
Theo một số chuyên gia, thế hệ những nhà ngoại giao mới của Bắc Kinh dường như đang theo đuổi chiến lược ngoại giao kiểu “chiến binh sói”. Họ trở nên gay gắt hơn trong lời lẽ và thiếu sự bình tĩnh khi ứng xử với các tình huống nhạy cảm.
“Trung Quốc đang có một thương hiệu ngoại giao mới. Những thế hệ các nhà ngoại giao trẻ tuổi của nước này dường như cạnh tranh lẫn nhau để trở nên “cực đoan” hơn. Họ sẵn sàng đe dọa hay thậm chí là xúc phạm những quốc gia nơi họ được điều tới”, Francois Godement, cố vấn cấp cao cho viện Montaigne có trụ sở tại Paris (Pháp), nhận xét.
Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc còn tiếp tục leo thang trong bối cảnh Washington không ngừng chỉ trích Bắc Kinh lợi dụng tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp để “bắt nạt” các nước khu vực Đông Nam Á về vấn đề chủ quyền Biển Đông.
Tại Đông Nam Á, lãnh đạo một số nước như Thái Lan, Philippines và Indonesia, đã gửi lời cảm ơn Trung Quốc về những hỗ trợ trong dịch Covid-19. Tuy nhiên, không quốc gia nào ở khu vực này lên tiếng ủng hộ quan điểm Bắc Kinh trong cuộc chiến ngôn từ với Mỹ - Úc.
Đại sứ Trung Quốc tại Úc đe dọa hậu quả kinh tế nếu Úc kêu gọi điều tra về dịch bệnh nhưng phản tác dụng (ảnh: Daily Mail)
Ngoại trưởng Úc Marise Payne nhấn mạnh rằng, Canberra sẽ luôn kiên định với lập trường của mình trong việc kêu gọi điều tra về nguồn gốc của Covid-19.
Thực tế, ngay từ thời điểm khi Mỹ mới bắt đầu đưa ra những cáo buộc nhằm vào Trung Quốc và WHO, Thủ tướng Úc Scott Morrison đã bày tỏ “sự thông cảm”, trong khi lãnh đạo một số nước châu Âu khác cho rằng, đó không phải thời điểm thích hợp cho những chỉ trích hay cắt giảm viện trợ cho Tổ chức Y tế Thế giới.
Kinh tế Úc phụ thuộc khá nhiều vào Trung Quốc. Tuy nhiên, việc đại sứ Jingye Cheng có những lời lẽ thiếu tôn trọng khi ngầm đe họa hậu quả về kinh tế dường như đã gây phản tác dụng, khiến người dân Úc trở nên đoàn kết hơn và cho rằng Bắc Kinh đang sắm vai “kẻ bắt nạt”.
Michael Fullilove - Giám đốc Viện nghiên cứu chính sách Lowy (Úc), cáo buộc đại sứ Cheng của Trung Quốc đang thể hiện phong cách ngoại giao “cửa trên”, kiểu “chiến binh sói” với Úc.
Trong khi đó, Thủ tướng Úc Scott Morrison vẫn luôn tỏ ra bình tĩnh. Ông Scott Morrison không đi sâu vào những cáo buộc, tranh cãi hay chỉ trích nhằm vào Bắc Kinh.
Những bài phát biểu của Thủ tướng Úc chủ yếu tập trung vào việc kêu gọi Trung Quốc hãy minh bạch và việc tổ chức điều tra về nguồn gốc của Covid-19 là hoàn toàn hợp lý, mang lại lợi ích cho toàn thể nhân loại. Riêng điều này thôi cũng đủ khiến Trung Quốc “đau đầu”.
Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19: - Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi. - Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác. - Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế. - Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 19003228 và 19009095. |
Lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Phi (CDC), cho biết, những bộ xét nghiệm Covid-19 được sử dụng...
Nguồn: [Link nguồn]