Mỹ từng thảm bại với "20.000 người chết" trong cuộc chiến giả định với Iran
Một cuộc chiến mô phỏng giữa Iran và Mỹ năm 2002 cho kết quả bất ngờ khi quân đỏ đại diện cho Iran giáng đòn nặng nề vào quân xanh đại diện cho Mỹ.
Hạm đội tàu sân bay Mỹ từng hứng chịu tổn thất nặng nề trong cuộc chiến giả định năm 2002.
Theo Daily Star, thiếu tướng Qasem Soleimani mới bị Mỹ ám sát là một trong những nhân vật quyền lực nhất Iran – người được dự đoán có thể làm tổng thống Iran.
Cái chết của tướng Soleimani thổi bùng căng thẳng Mỹ - Iran với nguy cơ biến thành chiến tranh toàn diện, thậm chí là sự khởi đầu cho Thế chiến 3.
Điều này khiến người ta nhớ lại cuộc chiến mô phỏng giữa một bên là lực lượng đại diện cho Iran, một bên là lực lượng Mỹ. Cuộc chiến mô phỏng do Lầu Năm Góc tổ chức năm 2002 với tên gọi "Millennium Challenge" (Thử thách Thiên niên kỷ).
Cuộc chiến mô phỏng diễn ra cả trên máy tính và trong điều kiện tác chiến thực tế, tiêu tốn tới 250 triệu USD. Ở thời điểm năm 2002, đó là cuộc tập trận mô phỏng tốn kém nhất, diễn ra một năm trước cuộc chiến tranh Iraq.
Cả hai bên đều được giao mục tiêu và điều kiện chiến thắng khác nhau. Quân đỏ đại diện cho Iran cần phải giữ được chế độ và buộc đối phương rút khỏi khu vực.
Iran sở hữu những đội xuồng cao tốc uy lực.
Quân xanh đại diện cho Mỹ phải phá hủy được kho vũ khí chiến lược của quân đỏ, kiểm soát các tuyến đường hàng hải và đập tan tham vọng thống trị Trung Đông của quân đỏ.
Quân đỏ khi đó do Trung tướng Paul Van Riper, tư lệnh Thủy quân Lục chiến Mỹ chỉ huy. Van Riper chủ trương tung đòn tấn công trước khi nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ đi vào vùng Vịnh. Chỉ huy quân đỏ cũng áp dụng hình thức tác chiến phi đối xứng để đối phó với sức mạnh áp đảo của các tàu sân bay Mỹ.
Ngay khi nhóm tàu sân bay Mỹ vào tầm bắn, Van Riper ra lệnh tiến công. Đòn đánh bằng tên lửa hành trình và chiến đấu cơ gây quá tải hệ thống cảnh giới và phòng không trên tàu chiến Mỹ. Nhân cơ hội này, xuồng cao tốc mang thuốc nổ lao thẳng vào đội hình tàu sân bay Mỹ và gây thiệt hại nặng.
Chỉ trong chưa đầy 10 phút, quân xanh tổn thất tới 16 tàu chiến, bao gồm một tàu sân bay, 10 tuần dương hạm và 5 tàu đổ bộ. Ước tính thương vong về người trong điều kiện thực tế lên tới 20.000. Điều này cho thấy một lực lượng hải quân khiêm tốn như Iran hoàn toàn có thể đánh chìm các hạm đội tàu sân bay uy lực của Mỹ.
Iran sở hữu số lượng lớn tên lửa tầm trung có thể đe dọa tàu chiến Mỹ.
Trong môi trường tác chiến bị quân xanh có sức mạnh vượt trội hơn vô hiệu hóa trạm phát sóng và đường truyền tín hiệu, Van Riper áp dụng những biện pháp cổ điển từ thời Thế chiến II như cho người truyền tin bằng xe máy, phát thông điệp bí mật qua loa phóng thanh trong các buổi cầu nguyện của đạo Hồi, thậm chí là dùng hệ thống đèn sân bay để phát dữ liệu mã hóa.
"Tôi tính toán số lượng tên lửa hành trình mà hệ thống phòng thủ quân xanh có thể đánh chặn, sau đó tung đòn đánh với số lượng tên lửa nhiều hơn thế", Van Riper nhớ lại. Điều này khiến các hạm đội tàu sân bay Mỹ thuộc quân Xanh bị choáng ngợp trước những gì diễn ra thực tế.
Kết quả cuộc chiến mô phỏng với phần thắng giành cho quân đỏ khi đó khiến các chỉ huy Mỹ chấn động. Quân xanh cáo buộc quân đỏ “chơi bẩn” vì Iran sẽ không nghĩ ra cách chiến đấu sáng tạo như vậy trên thực tế.
Kết quả là cuộc chiến mô phỏng được khởi động lại và Van Riper buộc phải “diễn” theo kịch bản cho trước, với chiến thắng dĩ nhiên là thuộc về phe quân xanh. Giới chức Mỹ khi đó bảo vệ quyết định, nói rằng quân xanh thua cuộc không có lợi cho một chương trình mô phỏng chiến tranh tốn kém.
Nhưng có lẽ quân đội Mỹ đã rút ra được nhiều bài học trong bối cảnh căng thẳng Iran-Mỹ leo thang 18 năm sau.
Mới đây, Iran tuyên bố sẽ hủy diệt tàu chiến Mỹ bằng vũ khí bí mật nếu Washington có bất kỳ hành động nào quá khích....
Nguồn: [Link nguồn]