Mỹ tung gói giải cứu 6 tỉ USD, bài toán năng lượng EU có đường ra?
Bộ Năng lượng Mỹ cho biết chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang khởi động một gói "giải cứu" 6 tỉ USD cho các nhà máy điện hạt nhân, thứ có thể giúp họ sở hữu năng lượng "sạch" và từ bỏ nhiên liệu hóa thạch.
Thông tin trên được Bộ Năng Lượng Mỹ tiết lộ với hãng tin AP vào ngày 19-4, ngay trước khi có thông báo chính thức về vòng "giải cứu" thứ nhất. Gói hỗ trợ này là một chương trình tín dụng hạt nhân dân sự, nhằm giúp chủ sở hữu hoặc vận hành các lò phản ứng điện hạt nhân đang gặp khó khăn về tài chính trong thời gian qua, đứng trước nguy cơ đóng cửa chủ yếu do giá điện quá rẻ.
Một bảng cảnh báo về chất phóng xạ được nhìn thấy trên hàng rào xung quanh một lò phản ứng hạt nhân ngừng hoạt động từ năm 2021 thuộc Trung tâm Năng lượng Indian Point ở Buchanan (New York - Mỹ) - Ảnh: AP
Vòng "giải cứu" thứ 2 sẽ được ưu tiên cho các cơ sở có rủi ro về kinh tế. Chương trình được thực hiện thông qua thỏa thuận trị giá 1 nghìn tỉ USD đầu tư cho cơ sở hạ tầng mà Tổng thống Joe Biden đã ký và luật hóa từ tháng 11-2021.
"Các nhà máy điện hạt nhân của Mỹ đóng góp hơn một nửa lượng điện không carbon và Tổng thống Biden cam kết duy trì hoạt động của các nhà máy này để đạt được các mục tiêu năng lượng sạch" - AP trích dẫn tuyên bố từ Bộ trưởng Bộ Năng lượng Jennifer Granholm.
Bà Granholm nói thêm rằng Mỹ hướng đến mục tiêu năm 2035 đất nước này chủ yếu sử dụng năng lượng sạch, dựa trên sản xuất điện không phát thải và ổn định kinh tế cho các nhóm đi đầu trong lĩnh vực này.
Hàng chục lò phản ứng điện hạt nhân của Mỹ đã đóng cửa trong thập kỷ qua do sự cạnh tranh từ khí đốt tự nhiên có chi phí thấp hơn. Tuy nhiên hiện tại thế giới đang cùng lúc đối đầu với khủng hoảng khí hậu lẫn khủng hoảng năng lượng. Vì vậy việc giảm phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch đang được các chính quyền chú trọng.
Thủ tướng Anh thảo thuận với người Kurd về năng lượng Theo đài CNN, ngày 19-4, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã gặp gỡ Lãnh đạo người Kurd ở miền Bắc Iraq Masrour Barzani. Ông Masrour Barzani cho biết nguyện vọng việc xuất khẩu năng lượng từ vùng Kurdistan sang các nước châu Âu; trong khi Thủ tướng Johnson ca ngợi những nỗ lực từ ông và cộng đồng người Kurd trong việc giúp giảm sự phụ thuộc của phương Tây vào dầu và khí đốt của Nga. Thủ tướng Johnson cũng bày tỏ "cam kết lâu dài đối với sự ổn định của Iraq" và tuyên bố mối quan hệ sâu sắc của Vương quốc Anh với người Kurd sẽ tạo nên những quan hệ đối tác lớn hơn trong thương mại và đầu tư. |
Những người kêu gọi Liên minh châu Âu cấm nhập khẩu dầu của Nga có thể đang bỏ qua một lỗ hổng quan trọng trong chiến lực trừng phạt Moscow: Đó chính là Ấn Độ.
Nguồn: [Link nguồn]