Mỹ - Trung sưởi ấm quan hệ sau chuyến thăm cấp cao

Quan hệ Mỹ - Trung sẽ ấm lại với loạt động thái đối thoại từ hai nước, đặc biệt sau chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đến Bắc Kinh?

Sau chuyến công du của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đến Bắc Kinh, đã có hàng loạt tín hiệu tăng cường đối thoại từ phía Mỹ và Trung Quốc (TQ) nhằm ổn định quan hệ hai cường quốc.

Loạt động thái từ cả hai bên

Từ sau chuyến đi của ông Blinken, Mỹ liên tục bày tỏ mong muốn cải thiện quan hệ với TQ. Ngày 28-6, tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại (tổ chức tham vấn uy tín ở Mỹ), ông Blinken cho biết Mỹ đang nỗ lực để sự cạnh tranh giữa hai nước - mà ông mô tả là “căng thẳng”, “dài hạn” và không có “kết thúc rõ ràng” - không dẫn đến xung đột. Muốn thế, Mỹ phải thiết lập lại các đường dây liên lạc bền vững với Bắc Kinh, quan chức cấp cao hai bên phải tương tác nhiều hơn.

Chuyến thăm của Ngoại trưởng Blinken đến Bắc Kinh “là một bước tiến tốt” và Mỹ “sẽ tiếp tục thực hiện các bước cải thiện đối thoại, thảo luận với TQ như một phần trong chiến lược lớn hơn của chúng tôi ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”.

Điều phối viên Nhà Trắng phụ trách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương KURT CAMPBELL

Ngày 28-6, đài MSNBC đăng nội dung phỏng vấn Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, trong đó bà hy vọng sẽ sớm tới TQ để thiết lập lại liên lạc với Bắc Kinh. Bà Yellen không nêu cụ thể thời gian, song hãng tin Bloomberg dẫn một số nguồn tin tiết lộ khả năng vị bộ trưởng Tài chính Mỹ sẽ tới Bắc Kinh vào đầu tháng 7 để tham dự các cuộc đàm phán kinh tế cấp cao với TQ.

Ngày 27-6, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman có cuộc điện đàm với Đại sứ TQ tại Mỹ Tạ Phong, nhắc lại tầm quan trọng phải duy trì các kênh liên lạc. Ông Tạ Phong nhấn mạnh mối quan hệ Mỹ - Trung ổn định và lành mạnh, có lợi cho cả hai nước và cũng là kỳ vọng chung của cộng đồng quốc tế, theo đài CGTN. Một nội dung nữa được bàn đến là về kế hoạch thăm Mỹ của Bộ trưởng Ngoại giao TQ Tần Cương. Hiện chuyến thăm chưa được lên lịch cụ thể.

Trước đó, tại buổi thảo luận do Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) tổ chức ngày 26-6, Điều phối viên Nhà Trắng phụ trách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Kurt Campbell tin rằng điều quan trọng là Mỹ và TQ phải thực hiện các bước thực tế cần thiết để có thể giao tiếp hiệu quả nhằm đối phó với một loạt tình huống ngoài ý muốn, với sự cố hoặc rủi ro.

Về phía TQ, hôm 26-6 tại Bắc Kinh, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản TQ Vương Nghị có buổi tiếp phái đoàn Ủy ban quốc gia về quan hệ Mỹ - Trung có sự tham gia của cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew. Nhà ngoại giao hàng đầu TQ kêu gọi phía Mỹ thực hiện đồng thuận đạt được giữa Chủ tịch TQ Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden ở Bali (Indonesia), cũng như thực hiện những lời hứa mà Mỹ nhiều lần cam kết với TQ.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (trái) và người đồng cấp Trung Quốc Tần Cương tại Bắc Kinh hôm 18-6. Ảnh: XINHUA

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (trái) và người đồng cấp Trung Quốc Tần Cương tại Bắc Kinh hôm 18-6. Ảnh: XINHUA

Đường còn dài

Từ các diễn biến trên, có thể thấy cả hai nước đều thể hiện thiện chí sưởi ấm quan hệ. Song cũng có thể nhận ra trong khi phía Mỹ thể hiện sự nhiệt tình thì phía TQ vẫn cứng rắn.

Trong buổi tiếp phái đoàn Ủy ban quốc gia về quan hệ Mỹ - Trung ngày 26-6, ông Vương Nghị nhấn mạnh căn nguyên của sự căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Trung là do “sự tính toán sai lầm nghiêm trọng” trong nhận thức, lập trường của Washington về Bắc Kinh và một loạt “biện pháp sai lầm” sau đó.

Điện đàm với Thứ trưởng Sherman, Đại sứ Tạ Phong kêu gọi Mỹ xử lý thỏa đáng các vấn đề quan trọng và nhạy cảm như Đài Loan theo các nguyên tắc được nêu trong ba tuyên bố chung Mỹ - Trung, cũng như tăng cường đối thoại, quản lý sự khác biệt và tiến hành hợp tác nhằm từng bước đưa quan hệ song phương Mỹ - Trung trở lại đúng quỹ đạo.

Chuyên gia Ryan Hass tại Viện chính sách Brookings (Mỹ) nhận định chuyến thăm của ông Blinken đến TQ sẽ chưa dẫn đến các đột phá lớn trong quan hệ Mỹ - Trung những tháng tới. Tuy thế, tờ National Interest nhận định việc quan chức hai nước nối lại đối thoại sẽ cho phép Mỹ và TQ truyền tải ý định của mỗi bên một cách rõ ràng hơn. Hơn hết, thời điểm này Bắc Kinh đặc biệt quan tâm đến các cuộc gặp với các quan chức Mỹ phụ trách chính sách kinh tế, trong bối cảnh kinh tế nước này đang chậm lại và TQ lo lắng việc Mỹ hạn chế đầu tư nước ngoài cũng như xuất khẩu công nghệ cao sang TQ.

Theo ông Hass, lúc này hai cường quốc đang trong giai đoạn “cần phát triển liên lạc và làm rõ ý định của nhau, với nhận thức rằng những nỗ lực này sẽ giúp cả hai quản lý căng thẳng hiệu quả hơn, cũng như tìm kiếm các cơ hội cho các mục tiêu chung”.

Đánh giá mối quan hệ Mỹ - Trung hiện tại “không cải thiện và cũng không xấu đi mà đang ở giai đoạn thăm dò”, ông Hass cho rằng ông Biden và ông Tập có thể tận dụng các cơ hội tiếp xúc để định hướng quan hệ trong tương lai. Hai nhà lãnh đạo sẽ có dịp gặp nhau vào mùa thu này khi cùng dự Hội nghị thượng đỉnh G20 tại New Delhi (Ấn Độ) vào tháng 9 và Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) ở San Francisco (Mỹ) vào tháng 11.

Mỹ - Trung cần chương trình hành động chung

Trong bài viết trên tạp chí Foreign Affairs, chuyên gia Ryan Hass tại Viện chính sách Brookings (Mỹ) đề xuất những cách thức mà Mỹ và TQ có thể áp dụng để lèo lái mối quan hệ cạnh tranh gay gắt giữa hai cường quốc.

Đầu tiên, Washington và Bắc Kinh cần phát triển một chương trình hành động chung có thể định hướng cho mối quan hệ. Việc xác định và hành động dựa trên những lợi ích chung sẽ giúp mở rộng quan hệ hai nước, ngoài việc tập trung hẹp vào các lĩnh vực tranh chấp hiện tại. Đơn cử, cả hai quốc gia đều hưởng lợi từ sự hòa bình và ổn định ở khu vực Trung Đông, cũng như có lợi ích chung trong việc ngăn chặn Iran đạt được năng lực phát triển vũ khí hạt nhân.

Thứ hai, Washington và Bắc Kinh cũng có những động cơ chung để phối hợp với nhau trên lĩnh vực kinh tế vĩ mô toàn cầu và giải quyết vấn đề nợ của các nước đang phát triển. Một kế hoạch giảm nợ cho các nước đang phát triển trở nên đáng tin cậy đều cần phải có sự tham gia của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Kết quả cuộc gặp kéo dài gần 6 giờ giữa hai Ngoại trưởng Mỹ - Trung

Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 18/6 đã có cuộc đối thoại "thẳng thắn, sâu sắc và mang tính xây dựng" kéo dài gần 6 giờ liên...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo VĨNH KHANG ([Tên nguồn])
Quan hệ Mỹ - Trung Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN