Mỹ, Trung Quốc trước mối đe dọa BA.2

Sự kiện: Tin tức COVID-19

Biến chủng phụ BA.2 của Omicron đang gây ra phần lớn ca nhiễm mới ở Mỹ, cũng như bị xem là nguyên nhân của đợt bùng phát Covid-19 tồi tệ nhất tại Trung Quốc hiện nay

Một số vùng ở Mỹ đang chứng kiến số ca Covid-19 gia tăng trong bối cảnh nỗ lực xét nghiệm không còn mạnh mẽ như trước, làm dấy lên nỗi lo làn sóng lây nhiễm nghiêm trọng tiếp theo có thể khó bị phát hiện. Theo trang Bloomberg, một đợt bùng phát dịch Covid-19 mới có thể đang xảy ra ở Mỹ mà chẳng ai hay biết.

Khi nền kinh tế hàng đầu thế giới này thúc đẩy phục hồi từ đại dịch, nhu cầu xét nghiệm tại phòng thí nghiệm không còn cao như trước trong lúc chính quyền liên bang cũng chuyển hướng ưu tiên tài trợ sang những lĩnh vực khác. Người dân ngày càng dựa vào xét nghiệm ở nhà nếu muốn nhưng kết quả hiếm khi được báo cáo, khiến giới chức y tế công không còn có nhiều thông tin về mức độ lây lan thật sự của dịch bệnh.

Vào cuối tháng 2-2022, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật (CDC) Mỹ bắt đầu dựa vào số ca nhập viện và ca nặng để xác định mức độ rủi ro tại cộng đồng, thay vì dựa vào số ca Covid-19 và tỉ lệ trường hợp xét nghiệm dương tính. Một số bang, trong đó có Arizona, Hawaii, Nevada, Ohio…, hiện không còn cung cấp cho CDC dữ liệu về số ca Covid-19 hằng ngày, khiến việc đánh giá tình hình dịch bệnh tại các bang này thêm khó khăn.

Ông Ashish Jha, người vừa được bổ nhiệm làm điều phối viên ứng phó Covid-19 của Nhà Trắng, ngày 11-4 cho biết số ca Covid-19 có tăng lên gần đây nhưng khẳng định ông không quá lo lắng, nhất là khi số ca nhập viện vẫn ở mức thấp khắp nước. Ông Jha bắt đầu công việc mới giữa lúc biến chủng phụ BA.2 của Omicron gây ra phần lớn ca nhiễm mới ở Mỹ.

Theo báo The New York Times, Mỹ ghi nhận trung bình hơn 31.000 ca/ngày trong tuần lễ khép lại hôm 10-4, tăng 3% so với 2 tuần trước. Dù vậy, TP New York và thủ đô Washington thuộc số những địa phương có số ca mới cao hơn con số trung bình vừa nêu.

Một người dân được lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại TP New York - Mỹ hôm 11-4. Ảnh: Reuters

Một người dân được lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại TP New York - Mỹ hôm 11-4. Ảnh: Reuters

Nhiều trường học đã khôi phục quy định bắt buộc đeo khẩu trang giữa lúc số ca nhiễm tăng. Tương tự, TP Philadelphia, bang Pennsylvania hôm 11-4 trở thành thành phố lớn đầu tiên ở Mỹ quay lại với yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang trong nhà sau khi số ca nhiễm tại đó tăng hơn 50% trong vòng 10 ngày. Giới chức y tế địa phương nhấn mạnh đang nỗ lực ngăn chặn nguy cơ xảy ra đợt bùng phát mới do BA.2 gây ra.

Bên ngoài nước Mỹ, một nỗi lo khác của Washington là diễn biến dịch Covid-19 ở TP Thượng Hải - Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Mỹ cuối ngày 11-4 ra lệnh nhân viên ngoại giao không thiết yếu rời khỏi thành phố đang bị phong tỏa này. Chính quyền Thượng Hải ngày 12-4 thông báo có thêm 23.342 ca Covid-19, nâng tổng số ca trong đợt bùng phát mới nhất lên hơn 200.000 dù không có trường hợp tử vong nào được công bố.

Nhiều người dân tại thành phố 26 triệu dân kể trên buộc phải ở nhà nhiều ngày qua khi nhà chức trách xử lý các ổ dịch theo chiến lược "không khoan nhượng với Covid-19". Đến ngày 12-4, theo Reuters, một số người được rời nhà lần đầu tiên trong hơn 2 tuần sau khi chính quyền có bước đi nới lỏng phong tỏa tại những khu vực được đánh giá là có nguy cơ thấp.

Trong khi đó, chính quyền TP Quảng Châu (dân số 18 triệu), tỉnh Quảng Đông ngày 11-4 bắt đầu chiến dịch xét nghiệm Covid-19 trên diện rộng sau khi thông báo phát hiện hàng chục ca mới kể từ cuối tuần rồi. Các trường học đã chuyển sang dạy học trực tuyến từ đầu tuần này. Ngoài ra, mọi người dân được yêu cầu không rời thành phố trừ khi có lý do đặc biệt.

Theo đài CNBC, Trung Quốc đang vật lộn với đợt bùng phát Covid-19 tồi tệ nhất kể từ khi đại dịch nổ ra. Giới chức địa phương cho rằng biến chủng phụ BA.2 là nguyên nhân. 

WHO theo dõi sát

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 11-4 cho biết vẫn đang theo dõi sự gia tăng của số ca Covid-19 ở Trung Quốc đại lục. Đài CNBC dẫn lời bà Kate O’Biren, Giám đốc Chương trình Tiêm chủng và Vắc-xin của WHO, cho biết cơ quan này đang liên hệ với các cơ quan y tế công cộng Trung Quốc về đợt bùng phát mới nhất. Giới chức WHO nhấn mạnh họ cần theo dõi hiệu quả của các đợt phong tỏa và vắc-xin của nước này nhưng cho rằng hiện chưa có đủ thông tin để đưa ra đánh giá.

Trong khi đó, ông Alejandro Cravioto, Chủ tịch Nhóm cố vấn chiến lược về tiêm chủng của WHO, nhấn mạnh điều rất quan trọng là xem xét liệu các biện pháp phong tỏa như vậy có mang lại hiệu quả toàn diện trong việc khống chế đợt bùng phát mới nhất hay không, đặc biệt với sự lây lan nhanh chóng của biến chủng phụ BA.2 tại nước này. "Chừng nào thực sự có được đầy đủ dữ liệu, chúng tôi sẽ không thể đưa ra bình luận nào thêm" - ông Cravioto nói khi đề cập hiệu quả của các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt tại Trung Quốc.

Theo ông Cravioto, WHO đang thiếu thông tin về những vắc-xin Covid-19 được sử dụng tại Trung Quốc. Nhóm của ông gần đây đã xem xét dữ liệu về vắc-xin mRNA của Công ty CanSino Biologic (Trung Quốc). Theo Bloomberg, các quan chức Trung Quốc vào tháng rồi cho biết vắc-xin của nước này đã được cập nhật để chống lại Omicron và các biến chủng khác. Tính đến ngày 5-4, 88,5% dân số Trung Quốc đã được tiêm ít nhất 1 liều vắc-xin Covid-19, theo trang Our World In Data.

Anh Thư

Thượng Hải: Hàng xóm hỗ trợ nhau kiểu đặc biệt trong dịch Covid-19, dân mạng giục ”cưới ngay”

Người đàn ông được cư dân mạng Trung Quốc đặt biệt danh là “anh hàng xóm tốt bụng” khi liên tục gửi đồ ăn cho cô gái nhà bên bằng “đường hàng không”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Phương ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN