Mỹ, Trung Quốc căng thẳng trước cuộc điện đàm Biden - Tập
Cuộc điện đàm giữa lãnh đạo Mỹ - Trung bị phủ bóng vì một căng thẳng: Chuyến thăm dự kiến đến Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc (TQ) Tập Cận Bình có lịch điện đàm vào ngày 28-7, đài CNN dẫn lời một quan chức Nhà Trắng. Đây là kết quả từ hàng loạt cuộc gặp cấp cao Mỹ - Trung diễn ra sôi động trong hai tháng 6 và 7.
Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) trong một cuộc gặp trực tuyến với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, hồi tháng 11-2021. Ảnh: REUTERS
Mỹ - Trung căng thẳng vụ bà Pelosi định đi Đài Loan
Với cuộc điện đàm này, cả ông Biden và ông Tập hy vọng sẽ tháo gỡ được bất đồng ở nhiều vấn đề như cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung, Đài Loan, Ukraine. Theo người phát ngôn an ninh quốc gia Nhà Trắng John Kirby ngày 26-7, cuộc điện đàm đã được lên lịch từ lâu và lãnh đạo Mỹ - Trung sẽ bàn “mọi thứ, từ căng thẳng về Đài Loan, đến cuộc chiến ở Ukraine, cũng như cách chúng ta quản lý tốt hơn sự cạnh tranh giữa hai quốc gia, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế”.
Tuy nhiên, chưa rõ cuộc điện đàm sẽ mang lại kết quả thế nào khi ngay trước sự kiện này, giữa hai nước xuất hiện một sự việc căng thẳng nghiêm trọng. Đó là việc Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi thông báo lịch thăm Đài Loan vào tháng 8, như một phần của chuyến công du tới châu Á và đã mời cả đảng viên Dân chủ và đảng Cộng hòa đi cùng, CNN dẫn thông tin từ các nguồn tin biết về kế hoạch của bà. Bà Pelosi đã định thăm Đài Loan hồi tháng 4 nhưng hoãn lại vì bị nhiễm COVID-19. Nếu bà Pelosi thăm Đài Loan thì đây sẽ là chuyến đi đầu tiên của một chủ tịch Hạ viện Mỹ đến lãnh thổ này kể từ năm 1997.
Ngày 26-7, TQ cảnh cáo rằng nước này có thể có phản ứng quân sự nếu bà Pelosi sang Đài Loan. Bộ Quốc phòng TQ nói rõ rằng việc bà Pelosi thăm Đài Loan “vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc một TQ” và “gây tổn hại nghiêm trọng đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của TQ, đồng thời gây tổn hại nghiêm trọng đến nền tảng chính trị của quan hệ Trung - Mỹ”. TQ kêu gọi Mỹ có “các hành động thiết thực” để duy trì cam kết tránh ủng hộ Đài Loan độc lập và “không được sắp xếp để bà Pelosi đến thăm Đài Loan”. Trường hợp “nếu Mỹ kiên quyết đi theo hướng riêng của mình, quân đội TQ sẽ không bao giờ đứng yên và chắc chắn sẽ có những hành động mạnh mẽ để ngăn chặn bất kỳ sự can thiệp nào của thế lực bên ngoài”.
Trước thái độ cứng rắn của TQ, ngày 26-7, ông Kirby nhanh chóng khẳng định lại rằng lập trường của Mỹ không thay đổi, bất chấp thông tin về chuyến đi có thể diễn ra của bà Pelosi. Ông Kirby thừa nhận việc bà Pelosi công du nước ngoài là vấn đề an ninh quốc gia của Mỹ vì bà là một trong những nhân vật có khả năng kế nhiệm tổng thống. Song ông Kirby cũng cho rằng việc TQ đưa ra lời đe dọa với một chuyến đi chưa diễn ra là “vô ích và chắc chắn không cần thiết”, chỉ làm leo thang căng thẳng.
Theo CNN, các quan chức an ninh quốc gia Mỹ đang âm thầm thuyết phục bà Pelosi từ bỏ ý định thăm Đài Loan vì những rủi ro mà chuyến đi của bà có thể gây ra trong thời điểm rất nhạy cảm này.
Mỹ chưa biết ông Tập sẽ phản ứng ra sao
Ông Biden chủ trương tìm cách ổn định quan hệ với TQ bằng các cuộc điện đàm thường xuyên với người đồng cấp. Chưa biết mục tiêu này của ông sẽ như thế nào với kế hoạch thăm Đài Loan của bà Pelosi vốn đang làm dấy lên tranh luận ở Mỹ.
Theo CNN, các quan chức Mỹ lo ngại chuyến đi của bà Pelosi diễn ra vào thời điểm đặc biệt căng thẳng, trong lúc ông Tập chuẩn bị cho đại hội đảng sắp tới. Họ cho rằng giới lãnh đạo TQ không hoàn toàn nắm bắt được các động lực chính trị ở Mỹ, dẫn đến hiểu lầm về tầm quan trọng của chuyến thăm. Theo họ, TQ có thể nhầm lẫn chuyến thăm của bà Pelosi với chuyến thăm chính thức của chính quyền Mỹ, vì bà và ông Biden đều là đảng viên Dân chủ.
Sự hỗ trợ và ủng hộ liên tục của chính phủ Mỹ đối với Đài Loan là điều thường xuyên gây căng thẳng với TQ. Căng thẳng càng tăng cao khi ông Biden hồi tháng 5 đưa ra thông điệp “sự mơ hồ chiến lược” trong chính sách với Đài Loan. Nếu chuyến thăm của bà Pelosi diễn ra thì chưa biết tình hình sẽ thế nào.
Không chỉ lo lắng về phản ứng của TQ, các quan chức Mỹ còn lo ngại về an ninh của bà Pelosi trong chuyến đi. Một số quan chức Mỹ lo rằng TQ có thể tuyên bố vùng cấm bay đối với Đài Loan trong nỗ lực ngăn chặn chuyến thăm của bà Pelosi và điều này có thể làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.
Theo CNN, các trợ lý của ông Biden đã có những ý tưởng về cách ông có thể phản ứng khi điện đàm với ông Tập nhưng họ không chắc nhà lãnh đạo TQ sẽ chọn hướng ứng xử nào. Ông Daniel Russel, người từng là nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ về châu Á dưới thời Tổng thống Barack Obama, dự đoán trong cuộc điện đàm sắp tới, ông Tập khả năng sẽ gây áp lực về chuyện bà Pelosi dự định thăm Đài Loan với ông Biden.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến khác. Ông Craig Singleton, thành viên cấp cao về TQ tại Tổ chức Bảo vệ các nền dân chủ có trụ sở tại Washington, cho rằng ông Tập khả năng sẽ “rõ ràng và trực tiếp” khi phản đối kế hoạch đi Đài Loan của bà Pelosi nhưng “sẽ không cho phép vấn đề đó làm chệch hướng toàn bộ cuộc trò chuyện” để không gây bất lợi cho nền kinh tế đang chậm lại dưới áp lực từ các biện pháp kiềm chế COVID-19. TQ gần đây báo cáo kết quả kinh tế tồi tệ nhất trong hai năm và theo lời nhiều quan chức Mỹ nói với CNN, đây có thể là điều nhạy cảm chính trị với ông Tập.
Mỹ cáo buộc TQ gia tăng “các hành động khiêu khích” ở Biển Đông Ngày 26-7, tại một hội thảo do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS, Mỹ) tổ chức, hai quan chức cấp cao về ngoại giao và quốc phòng Mỹ cáo buộc TQ gia tăng hành động “khiêu khích” chống lại các bên tranh chấp ở Biển Đông, cảnh báo rằng chuyện “hành vi gây hấn và vô trách nhiệm” của Bắc Kinh dẫn tới tai nạn chỉ là vấn đề thời gian, theo Reuters. Theo bà Jung Pak - phó trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á, rõ ràng TQ đang có xu hướng gia tăng hành động khiêu khích đối với các bên tranh chấp Biển Đông và các quốc gia hoạt động hợp pháp trong khu vực. Bà Pak chỉ ra những lần TQ đưa máy bay can thiệp không an toàn hoạt động của máy bay Úc trong không phận quốc tế trên Biển Đông, cũng như nhiều lần TQ có hành động thách thức các hoạt động nghiên cứu biển và thăm dò năng lượng trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Ông Ely Ratner, trợ lý bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách các vấn đề an ninh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, chỉ ra rằng TQ đã có “hàng tá hành vi hung hăng và vô trách nhiệm” trong nửa đầu năm nay ở Biển Đông, số lượng tăng mạnh trong năm năm qua. Ông Ratner chỉ trích rằng đây là “một trong những mối đe dọa đáng kể nhất đối với hòa bình và ổn định trong khu vực” và “nếu TQ tiếp tục các hành vi này, đó chỉ là vấn đề thời gian trước khi một sự cố hoặc tai nạn lớn xảy ra trong khu vực”. |
Mỹ có bước thay đổi chủ động hơn trong cách tiếp cận Đài Loan và khiến Bắc Kinh phải liên tiếp phát đi thông điệp cảnh báo.
Nguồn: [Link nguồn]