Mỹ trừng phạt mạng lưới hỗ trợ UAV và chương trình quân sự của Iran
Mỹ áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt mới đối với các công ty và nhà cung cấp TQ và Iran với cáo buộc hỗ trợ chương trình máy bay không người lái (UAV) và các chương trình quân sự khác của Iran.
Ngày 19-4, Mỹ đã áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt mới đối với một mạng lưới mua bán mà họ cáo buộc hỗ trợ chương trình máy bay không người lái (UAV) và các chương trình quân sự của Iran.
Các cá nhân và tổ chức bị Mỹ trừng phạt bao gồm các công ty và nhà cung cấp ở Trung Quốc (TQ), Iran và một vài nơi khác trong bối cảnh Mỹ muốn gia tăng áp lực lên Tehran, theo hãng tin Reuters.
Bộ Tài chính Mỹ cho biết họ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với người đứng đầu Tập đoàn Pardazan System Namad Arman (PASNA), vốn đã chịu lệnh trừng phạt của Mỹ trước đó. Ngoài ra, còn có các công ty và nhà cung cấp “bình phong” của tập đoàn này ở Iran, Malaysia, Hong Kong và TQ.
Thứ trưởng Bộ Tài chính phụ trách Khủng bố và Tình báo Tài chính Mỹ - ông Brian Nelson. Ảnh: THE WALL STREET JOURNAL
"Mạng lưới bị trừng phạt ngày hôm nay đã thực hiện nhiều thương vụ mua bán hàng hóa và công nghệ cho chính phủ Iran cũng như ngành công nghiệp quốc phòng và chương trình UAV của nước này. Bộ Tài chính sẽ tiếp tục thực thi các biện pháp trừng phạt đối với các nỗ lực mua sắm quân sự của Iran - một hành động gây mất an ninh khu vực và bất ổn toàn cầu” - ông Brian Nelson, Thứ trưởng Bộ Tài chính phụ trách Khủng bố và Tình báo Tài chính Mỹ cho biết.
Bộ Tài chính Mỹ cho biết thêm giám đốc điều hành PASNA - người đã bị trừng phạt trước đó, đã nhiều lần cố gắng lách lệnh trừng phạt. Bộ nói rằng giám đốc PASNA đã thông qua các “công ty bình phong” từ nhiều quốc gia khác nhau, chủ yếu là từ TQ để tìm kiếm nhiều loại linh kiện điện tử cần thiết cho công nghiệp quốc phòng Iran.
Ngoài ra, Bộ Tài chính Mỹ còn đóng băng tất cả tài sản có ở Mỹ của các cá nhân bị trừng phạt, đồng thời cấm cá nhân và tổ chức nào ở Mỹ giao dịch với những người này. Những người tham gia giao dịch với các đối tượng này cũng có nguy cơ bị trừng phạt.
Đây là động thái mới nhất của Mỹ nhắm vào ngành công nghiệp UAV của Iran, diễn ra trong bối cảnh các nỗ lực khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 đang bị đình trệ và mối quan hệ giữa Tehran và phương Tây ngày càng trở nên căng thẳng.
Hiện phái đoàn của Iran tại Liên Hợp Quốc ở TP New York (bang New York, Mỹ) chưa có phản ứng với các thông tin trên.
Iran đã đặt hàng 24 chiến đấu cơ đa năng Su-35 từ Nga nhằm bổ sung lực lượng cho không quan nước này. Tehran được cho là đã nhận được những chiếc Su-35 đầu tiên.
Nguồn: [Link nguồn]