Mỹ trừng phạt kỷ lục Nga nhân 2 năm chiến sự, Moscow và Bắc Kinh lên tiếng
Mỹ trừng phạt Nga quy mô khủng đúng thời điểm đánh dấu 2 năm chiến sự Nga-Ukraine, nhấn mạnh rằng động thái này nhằm buộc Moscow chịu trách nhiệm cho cuộc chiến ở Ukraine và cả cái chết của ông Navalny.
Ngày 23-2, Mỹ áp gói trừng phạt kỷ lục lên Nga, theo hãng tin Reuters.
Động thái trừng phạt từ Mỹ diễn ra đúng thời điểm đánh dấu 2 năm chiến sự Nga-Ukraine và một tuần sau khi có thông tin nhân vật đối lập Nga Alexei Navalny chết trong tù.
Phía Mỹ nhấn mạnh rằng động thái trừng phạt này nhằm buộc Nga chịu trách nhiệm cho cuộc chiến ở Ukraine và cả cái chết của ông Navalny.
Theo Reuters, gói trừng phạt kỷ lục này gồm một loạt lệnh trừng phạt sâu rộng nhắm mục tiêu hơn 500 cá nhân và thực thể của Moscow.
Cụ thể trong danh sách trừng phạt, Bộ Tài chính Mỹ chỉ định gần 300 cá nhân và tổ chức, Bộ Ngoại giao Mỹ nhắm mục tiêu hơn 250 cá nhân và tổ chức, và Bộ Thương mại Mỹ chỉ định hơn 90 công ty.
Các lệnh trừng phạt nhằm vào hệ thống thanh toán Mir, các tổ chức tài chính, ngân hàng, quỹ đầu tư, công ty công nghệ tài chính (fintech), các cơ sở công nghiệp quân sự, cũng như các cơ sở sản xuất năng lượng của Moscow,...
Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh rằng việc Mỹ trừng phạt Nga nhằm buộc Moscow chịu trách nhiệm cho cuộc chiến ở Ukraine và cái chết của ông Navalny. Ảnh: AFP
Bộ Ngoại giao Mỹ nhắm mục tiêu vào công ty đóng tàu Zvezda của Nga. Công ty này được cho là có liên quan việc đóng 15 tàu chở khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) chuyên dụng cao dùng cho dự án Arctic LNG 2 của Nga (còn gọi là LNG 2 Bắc Cực).
Phía Mỹ cũng trừng phạt các các quan chức nhà tù “Sói Bắc Cực" mà Washington cho rằng có liên quan cái chết của nhân vật đối lập Nga Navalny hồi tuần trước.
Ngoài ra, Mỹ cũng áp đặt các lệnh trừng phạt đối với các thực thể có trụ sở tại Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Kazakhstan và Liechtenstein mà Washington cho rằng những thực thể này đã tìm cách “lách" các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết hành động Mỹ trừng phạt Nga lần này là đòn trừng phạt lớn nhất của riêng Washington đối với Nga.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nhấn mạnh rằng: "Chúng ta phải duy trì sự ủng hộ của mình dành cho Ukraine trong khi vừa làm suy yếu sức mạnh của Nga. Điều quan trọng là quốc hội Mỹ phải tăng cường hợp tác với các đồng minh của Washington trên khắp thế giới trong việc cung cấp cho Ukraine các phương tiện để tự vệ".
Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby nhấn mạnh rằng gói trừng phạt “chỉ là bước khởi đầu” cho phản ứng của Mỹ trước cái chết của ông Navalny. Theo ông Kirby, Washington sẽ có nhiều hành động hơn nữa về vấn đề này, theo đài CNN.
Đáp lại việc Mỹ trừng phạt Nga, Đại sứ Nga tại Mỹ - ông Anatoly Antonov nói rằng: “Washington không nhận ra rằng các lệnh trừng phạt sẽ không hạ gục được chúng tôi hay sao?”.
Ông Antonov cũng nhấn mạnh rằng việc Mỹ trừng phạt Nga là một nỗ lực nhằm can thiệp vào công việc nội bộ của Nga và ép buộc Nga từ bỏ việc bảo vệ lợi ích quốc gia, theo TASS.
Trong khi đó, phát ngôn viên đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ Lưu Bằng Vũ gọi các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với các công ty Trung Quốc là “một động thái điển hình của sự ép buộc kinh tế, chủ nghĩa đơn phương và bắt nạt” của Washington.
Nhiều quốc gia nhất quyết không đứng về bên nào trong cuộc xung đột Nga - Ukraine, trong khi Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil giúp Nga duy trì nguồn thu quan trọng. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden và các đồng minh châu Âu dùng nhiều ngôn từ gay gắt khi nói về Tổng thống Vladimir V. Putin, nhưng ông vẫn được chào đón ở Brazil.
Nguồn: [Link nguồn]