Mỹ-Trung 'đấu' nhau trên biển Đông như thế nào?
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, nhiều chuyên gia an ninh châu Á-Thái Bình Dương nhận định, Trung Quốc sẽ không từ bỏ tham vọng “đường lưỡi bò” nên sẽ tiếp tục có hành vi vi phạm quốc tế trên biển Đông, buộc Mỹ và các đồng minh, đối tác phải có biện pháp đối phó.
Tàu cảnh sát biển Philippines (phải) đang diễn tập tìm kiếm, cứu nạn với tàu cảnh sát biển Mỹ gần bãi cạn Scarborogh ở biển Đông, trong khi tàu hải cảnh Trung Quốc (trái) đang dòm ngó (ảnh chụp ngày 14/5/2019)Ảnh: Getty
Một mặt, Trung Quốc thúc đẩy cùng thăm dò, khai thác khí tự nhiên với Philippines, trước tiên ở bãi Cỏ Rong; mặt khác, Trung Quốc cho tàu hải cảnh, tàu dân quân biển, tàu cá quấy nhiễu hoạt động thăm dò, khai thác tài nguyên biển của Việt Nam, Philippines, Malaysia với sự tham gia của nước ngoài, GS Carlyle Thayer (Ðại học New South Wales, Học viện Quốc phòng Úc) nhận định.
Trung Quốc sẵn sàng đưa tàu hải cảnh và tàu cá lớn ra quanh 7 đảo nhân tạo ở Trường Sa thường xuyên hơn, sẵn sàng phun vòi rồng, chạy cắt mặt tàu Việt Nam để dọa dẫm hoặc tạo chứng cứ giả tàu Việt Nam đâm tàu Trung Quốc, nhà báo Philippines Jaime Laude nhận định. Trung Quốc cũng đang hoàn thiện cơ sở hạ tầng trên 7 đảo nhân tạo, nâng cao chất lượng hệ thống vũ khí trên đảo. Trung Quốc sẽ nâng cao năng lực quân sự nói chung, đặc biệt là triển khai tên lửa diệt hạm, tên lửa đạn đạo chống tàu sân bay để ngăn Mỹ tăng cường tuần tra tự do hàng hải, tập trận song phương, đa phương ở biển Ðông. Cụ thể, Hải quân Trung Quốc sẽ tăng cường tập trận bắn đạn thật, trong đó có phóng tên lửa đạn đạo chống tàu.
Theo GS Thayer, trong năm 2020, Trung Quốc sẽ đẩy mạnh đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở biển Ðông với nội dung chỉ các doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc và ASEAN hợp tác với nhau để thăm dò dầu khí trên biển Ðông, không bắt tay với bên ngoài và khi các nước trong khu vực tập trận chung với các siêu cường bên ngoài thì phải thông báo trước để Trung Quốc có thể phản đối. Vì thế, Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Anh... có thể nêu vấn đề biển Ðông, chỉ trích Trung Quốc tại các sự kiện đa phương như hội nghị ASEAN với các đối tác đối thoại, Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), các hội nghị ARF mở rộng, hội nghị bộ trưởng quốc phòng ASEAN mở rộng, thượng đỉnh Ðông Á..., ông Thayer dự đoán.
Các nước sẽ bày tỏ quan ngại về hành động đơn phương của Trung Quốc trên biển Ðông, phê phán Bắc Kinh không tuân thủ phán quyết của Toà trọng tài thường trực, kêu gọi tuân thủ phán quyết mang tính chung thẩm và ràng buộc pháp lý này. Các siêu cường bên ngoài có thể trừng phạt thương mại Cục Khảo sát địa chất Trung Quốc và các tàu thuyền của cơ quan này xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của các nước Ðông Nam Á, GS Thayer nhận định. Trong khi đó, Mỹ, Nhật Bản... có thể đề nghị giúp một số nước Ðông Nam Á phát triển lực lượng cảnh sát biển thông qua chuyển giao tàu tuần tra cao tốc, mở khoá huấn luyện, xây dựng năng lực, tiến hành các hoạt động nâng cao nhận thức khu vực biển…
“Mỹ đang tạo mạng lưới đồng minh và đối tác chiến lược chống chính sách kinh tế săn mồi, sự đe dọa các nước láng giềng, quân sự hoá biển Ðông của Trung Quốc… Mỹ sẽ tăng cường tuần tra tự do hàng hải ở biển Ðông, điều thêm máy bay ném bom B-52 từ Guam, Diego Garcia và Nebraska, điều thêm tàu chiến”, ông Thayer dự đoán.
Trung Quốc hôm 17.12 đã biên chế tàu sân bay Sơn Đông với những tham vọng lớn, nhưng giới chuyên gia cho rằng tàu sân bay...
Nguồn: [Link nguồn]