Mỹ trình dự thảo phạt Triều Tiên nặng nhất trong 20 năm
Với sự đồng ý của phía Trung Quốc, Mỹ đưa ra bản dự thảo nghị quyết trừng phạt Triều Tiên “mạnh mẽ nhất 20 năm qua” lên Hội đồng Bảo an ngày 25.2.
Kim Jong-un thị sát một buổi diễn tập quân sự hôm 21.2 tại Bình Nhưỡng.
Lệnh trừng phạt nhất trí siết chặt các quy định nhằm vào Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân và tên lửa tầm xa liên tiếp trong chưa đầy 1 tháng. Nội dung cụ thể, tất cả các nước thành viên LHQ sẽ phải kiểm tra hàng hóa đến và đi từ Triều Tiên nhằm tìm kiếm các sản phẩm nghi ngờ vi phạm. Trước đây, việc kiểm tra chỉ thực hiện khi có cơ sở hoặc bằng chứng cụ thể.
Mỹ đã thảo luận với Trung Quốc trong gần 2 tháng để đạt được sự nhất trí này. Đôi lúc Tổng thống Obama và người đồng cấp Trung Quốc phải đối thoại trực tiếp với nhau nhằm đi tới sự thỏa thuận chung. Trung Quốc đồng ý áp đặt các biện pháp mạnh tay hơn nhằm yêu cầu Triều Tiên từ bỏ tham vọng hạt nhân của mình.
Dự thảo sẽ cấm mọi hoạt động xuất khẩu hoặc nhập khẩu vũ khí liên quan tới chính quyền Bình Nhưỡng. Ngoài ra, bất kì sản phẩm nào có thể được Triều Tiên sử dụng để chế tạo thành vũ khí cũng bị ngăn cấm, chẳng hạn như xe tải được cải tiến thành thiết bị chở tên lửa.
Một nội dung khác của dự thảo nghị quyết là tất cả các nguồn nhiên liệu tên lửa, hàng không tới Triều Tiên sẽ bị cấm và trục xuất mọi công dân, nhà ngoại giao Triều Tiên tham gia vào các hoạt động mờ ám. 17 cá nhân và 12 tổ chức Triều Tiên đã bị liệt vào danh sách đen, theo Cơ quan Phát triển Hàng không quốc gia Mỹ (NADA) công bố.
Đại sứ Mỹ ở LHQ Samantha Power cho biết dự thảo này nếu được thông qua sẽ là “bộ quy tắc trừng phạt mạnh tay nhất nhằm vào Triều Tiên trong 2 thập kỷ qua”.
Vệ tinh Quang Minh Tinh 4 được Triều Tiên phóng lên quỹ đạo ngày 7.2.
Ban đầu, kế hoạch thông qua dự thảo sẽ là Chủ nhật (28.2) tuy nhiên phó đại sứ Nga tại LHQ Petr Ilichec trả lời Reuters rằng ông cần thời gian để nghiên cứu kĩ càng nội dung dự thảo. Việc bỏ phiếu sẽ thực hiện vào tuần sau. Sau 7 tuần đàm phán căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, cuối cùng mọi chuyện đã đi tới hồi kết.
“Đây là nghị quyết rất mạnh mẽ”, một quan chức Mỹ giấu tên nói. “Đây là một tiến trình dài hơi và rất khó khăn để đạt được”.