Mỹ toan tính gì khi sắp tổ chức cuộc gặp quan trọng với Trung Quốc?
Quan chức ngoại giao hàng đầu của Mỹ và Trung Quốc chuẩn bị gặp mặt.
Ông Antony Blinken bắt tay cùng Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị vào năm 2015 khi còn là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ
Thông điệp của Mỹ tới Bắc Kinh
Ngày 11/3, hãng tin Reuters dẫn thông báo từ thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ có cuộc gặp chính thức với các quan chức cấp cao của Trung Quốc vào ngày 18/3 tới tại Alaska, Mỹ.
Sự kiện đánh dấu cuộc gặp mặt trực tiếp giữa những nhà ngoại giao cấp cao Mỹ - Trung Quốc đầu tiên dưới thời Tổng thống Joe Biden trong bối cảnh Mỹ tăng cường ngoại giao nhằm củng cố quan hệ đồng minh tại Châu Á và Châu Âu, để đối đầu với Trung Quốc.
Trong sự kiện, phía Mỹ sẽ có Ngoại trưởng Blinken và Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan. Phía Trung Quốc có Uỷ viên Quốc vụ phụ trách Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị.
Trong thông báo, thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nhấn mạnh: “Điều quan trọng đó là cuộc gặp đầu tiên của quan chức ngoại giao Mỹ với người đồng cấp Trung Quốc dưới thời Tổng thống Joe Biden, được tổ chức trên lãnh thổ Hoa Kỳ, sẽ diễn ra sau các cuộc gặp gỡ, tham vấn chặt chẽ của chúng tôi với các đối tác, đồng minh tại Châu Á, Châu Âu”.
Cuộc gặp cấp cao Washington-Bắc Kinh sẽ được thực hiện sau chuyến công du của Ngoại trưởng Mỹ Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tới Nhật Bản, Hàn Quốc và một Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến giữa ông Biden và các lãnh đạo Nhật Bản, Ấn Độ và Australia.
Hội nghị Thượng đỉnh này là sự kiện cấp lãnh đạo đầu tiên giữa nhóm 4 nước (hay còn gọi là Quad) dưới thời ông Biden, góp phần thúc đẩy chính sách ngoại giao của Mỹ nhằm cân bằng sức mạnh kinh tế và quân sự gia tăng từ Trung Quốc.
Bà Psaki khẳng định, đây sẽ là cơ hội để giải quyết một loạt vấn đề trong đó có những vướng mắc mà cả hai bên đang bất đồng sâu sắc.
Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ chưa bình luận về thông tin cuộc gặp tại bang Alaska sắp tới.
Nhận định về sự kiện, chuyên gia Châu Á đến từ Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế, bà Bonnie Glaser cho biết, việc tính toán sắp xếp thời gian cuộc gặp mặt giữa Mỹ và Trung Quốc như trên đã gửi đi thông điệp tới Bắc Kinh rằng các mối quan hệ liên minh của Mỹ tại Châu Á rất chắc chắn.
Khó có kết quả tích cực
Chuyên gia Bonnie Glaser dự đoán, nội dung sự kiện chủ yếu xoay quanh những chính sách của Trung Quốc về Hong Kong, áp lực của Bắc Kinh với Đài Loan, tình hình người Duy Ngô Nhĩ,...
Từ đầu nhiệm kỳ tới nay, các cấp trong Nhà Trắng đều nhấn mạnh Trung Quốc là “mối đe doạ lớn nhất”, “đối thủ cạnh tranh hàng đầu”.
Mới đây nhất, Ngoại trưởng Mỹ Blinken khẳng định, Washington coi Bắc Kinh “phép thử địa chính trị lớn nhất” trong thế kỷ 21. Vì ông Blinken cho rằng nước này là quốc gia duy nhất có thể gây ra “thách thức nghiêm trọng cho sự ổn định và cởi mở của hệ thống quốc tế”.
Tổng thống Biden từng gọi Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh đáng gờm nhất” của Mỹ. Ông Biden khẳng định Washington sẽ đối đầu với Bắc Kinh trên nhiều vấn đề như sở hữu trí tuệ, chính sách kinh tế. Chính quyền của ông Biden thể hiện rõ những tín hiệu cho thấy, sẽ tiếp tục cách tiếp cận cứng rắn với Trung Quốc như dưới thời Tổng thống Donald Trump.
Trong khi đó, Bắc Kinh luôn kêu gọi đàm phán và hợp tác với Mỹ nhưng phản ứng gay gắt với Washington trên nhiều vấn đề. Điển hình như vấn đề Biển Đông, Trung Quốc chỉ trích Mỹ can thiệp vào công việc nội bộ, khuấy động sự ổn định tại khu vực này.
Các chuyên gia cho rằng, nếu cả 2 bên tiếp tục giữ nguyên thái độ trong các tuyên bố gần đây về nhau thì cuộc gặp cấp cao sẽ kết thúc mà không đạt được kết quả tích cực.
Lầu Năm Góc vừa đệ trình lên Quốc hội một kế hoạch chi tiêu khổng lồ nhằm ngăn chặn Trung Quốc ở khu vực Thái Bình...
Nguồn: [Link nguồn]