Mỹ tiếp tục làm căng với Trung Quốc

Sự kiện: Tin tức Mỹ

Một ủy ban thuộc Hạ viện Mỹ hôm qua thông qua dự luật nhằm trừng phạt Trung Quốc trên hàng loạt mặt trận, tiến thêm một bước đến việc cấm nhập tất cả hàng hoá từ vùng Tân Cương vào Mỹ và tẩy chay Olympic Bắc Kinh 2022.

Máy bay vận tải quân sự C-146 của quân đội Mỹ hạ cánh xuống sân bay Đài Bắc sáng 15/7. Ảnh: Taiwan News

Máy bay vận tải quân sự C-146 của quân đội Mỹ hạ cánh xuống sân bay Đài Bắc sáng 15/7. Ảnh: Taiwan News

Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ thông qua Đạo luật Chim ưng với nhiều nội dung, bao gồm kêu gọi tẩy chay về ngoại giao đối với Olympic Bắc Kinh 2022, tăng cường quan hệ của Mỹ với Đài Loan (Trung Quốc) và kiểm soát các nhà nghiên cứu ở Mỹ có quan hệ với chính phủ, quân đội Trung Quốc, AP đưa tin.

Trước đó, tối 14/7, Thượng viện Mỹ thông qua Đạo luật Ngăn chặn lao động cưỡng ép Duy Ngô Nhĩ. Dự luật này sẽ thay đổi chính sách của Mỹ theo hướng mặc định rằng bất kỳ hàng hóa nào từ Tân Cương cũng đều do lao động cưỡng ép làm ra, do đó bị cấm đưa vào Mỹ, trừ khi các nhà nhập khẩu Mỹ có thể chứng minh điều ngược lại. Theo các chuyên gia, chứng minh điều đó là bất khả thi đối với khu tự trị Tân Cương, nơi Mỹ cáo buộc Trung Quốc đối xử bất công với người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm Hồi giáo thiểu số khác. Chính phủ Trung Quốc phủ nhận tất cả những cáo buộc đó.

Hạ viện Mỹ thông qua dự luật chỉ 2 ngày sau khi chính quyền Tổng thống Joe Biden phát cảnh báo đối với các doanh nghiệp Mỹ rằng họ có nguy cơ vi phạm luật Mỹ nếu không cắt đứt quan hệ với Tân Cương.

Đạo luật Chim ưng là đạo luật có phạm vi rộng nhất nhằm vào Trung Quốc, là dấu hiệu mới nhất cho thấy “các nhà lập pháp ở Washington coi chính phủ Trung Quốc dưới thời nhà lãnh đạo Tập Cận Bình là mối đe dọa đối với ổn định toàn cầu và quyền lực của Mỹ”, theo AP. Tháng trước, Hạ viện Mỹ thông qua 2 dự luật cho phép đầu tư mạnh vào nghiên cứu khoa học và công nghệ, với mục tiêu cạnh tranh với Trung Quốc.

Chưa thấy triển vọng thượng đỉnh

Ngày 15/7, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo Thứ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman tuần sau sẽ có chuyến thăm Nhật Bản, Hàn Quốc và Mông Cổ, nhưng không đề cập đến chặng dừng chân ở Trung Quốc. Trước đó, một số cơ quan báo chí đưa tin, bà Sherman sẽ thăm thành phố Thiên Tân của Trung Quốc để thu xếp chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhằm xúc tiến cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình. Sau thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ, các nguồn tin nói với Reuters rằng, Washington đang chuẩn bị trừng phạt nhiều quan chức Trung Quốc vì siết chặt quản lý ở Hong Kong và cảnh báo các doanh nghiệp quốc tế về tình hình ở đặc khu này.

Trong cuộc đón Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 15/7, ông Biden nói rằng, tình hình Hong Kong “đang xấu đi”. Hai nhà lãnh đạo khẳng định hai bên sẽ bảo vệ các nguyên tắc dân chủ và quyền phổ quát khi Trung Quốc hay bất kỳ nước nào làm suy yếu xã hội tự do và cởi mở. Mâu thuẫn giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng nghiêm trọng và ít có cuộc tiếp xúc cấp cao hay trực tiếp diễn ra từ khi phái đoàn ngoại giao hai nước có cuộc trao đổi nảy lửa ở bang Alaska của Mỹ hồi tháng 3.

Đây sẽ là chuyến đi thứ hai của bà Sherman đến châu Á trong vòng chưa đầy 2 tháng. Trong chuyến đi lần trước, bà thăm Indonesia, Campuchia và Thái Lan vào cuối tháng 5 và đầu tháng 6. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, trong chuyến thăm sắp tới, bà Sherman sẽ thảo luận về hàng loạt vấn đề với các quan chức Nhật Bản, bao gồm khủng hoảng khí hậu và tăng cường an ninh y tế toàn cầu. Bà cũng sẽ cùng các quan chức Hàn Quốc thảo luận về Triều Tiên và những vấn đề khác như y tế toàn cầu. Sau đó, bà sẽ đến Ulaanbaatar để củng cố quan hệ Đối tác chiến lược với Mông Cổ. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Thứ trưởng Sherman sẽ “tái khẳng định cam kết của Mỹ về việc phối hợp với các đồng minh và đối tác để thúc đẩy hoà bình, an ninh và thịnh vượng ở Ấn Độ - Thái Bình Dương, và duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”.

Tối qua, ông Biden tham dự cuộc họp trực tuyến của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) do New Zealand chủ trì. Nhà Trắng cho biết đây là lần tiếp xúc đầu tiên của ông Biden với lãnh đạo nhiều nền kinh tế thành viên APEC, và ông “nhấn mạnh tầm quan trọng của khu vực cũng như tầm nhìn của ông về khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương rộng mở và tự do”.

Trong cuộc họp trực tuyến với các ngoại trưởng ASEAN tuần này, Ngoại trưởng Blinken tuyên bố Mỹ bác bỏ những yêu sách trái pháp luật của Trung Quốc trên Biển Đông và sát cánh cùng các nước Đông Nam Á trước sự chèn ép của Bắc Kinh. Cuộc họp diễn ra sau khi có những quan ngại trong giới ngoại giao rằng Washington dưới thời chính quyền mới chưa chú ý đúng mức đến khu vực có tầm quan trọng lớn đối với chiến lược của Mỹ trong việc kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Ngày 15/7, một máy bay quân sự Mỹ bất ngờ hạ cánh xuống sân bay Đài Loan (Trung Quốc). Trước động thái này, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc cảnh báo Mỹ “chớ đùa với lửa” và “ngay lập tức dừng những hành động rủi ro và khiêu khích”. Ông nói rằng bất kỳ máy bay quân sự nào hạ cánh xuống lãnh thổ Trung Quốc cũng phải xin phép chính phủ Trung Quốc.

Máy bay quân sự Mỹ hạ cánh xuống Đài Loan, Trung Quốc cảnh báo ‘chớ đùa với lửa’

Một máy bay của Không quân Mỹ vừa có chuyến hạ cánh bất ngờ xuống sân bay Đài Loan (Trung Quốc), khiến Bắc Kinh phản...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo THU LOAN ([Tên nguồn])
Tin tức Mỹ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN