Mỹ tiếp tục cứng rắn với Trung Quốc sau bầu cử?
Cử tri Mỹ hôm 6-11 bỏ phiếu bầu chọn toàn bộ 435 hạ nghị sĩ, 35/100 thượng nghị sĩ và 36 thống đốc các bang trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ được xem là phép thử cho chương trình nghị sự của Tổng thống Donald Trump.
Giới phân tích cho rằng nhiều chính sách của ông chủ Nhà Trắng có thể đối mặt sự chống đối mạnh mẽ tại hạ viện trong trường hợp Đảng Dân chủ giành quyền kiểm soát cơ quan này. Tuy nhiên, dù kết quả ra sao, lập trường cứng rắn của ông Trump đối với Trung Quốc có lẽ không bị ảnh hưởng gì.
"Hai bên đều chờ đợi cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ nhưng nó sẽ không làm thay đổi quỹ đạo mối quan hệ Mỹ - Trung. Tôi nghe nhiều người Trung Quốc nói rằng mọi thứ sẽ thay đổi sau bầu cử nhưng điều này có lẽ không đúng" - ông Christopher Johnson, chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), nhận định.
Một số học giả Trung Quốc kỳ vọng chiến thắng của Đảng Dân chủ sẽ buộc Tổng thống Donald Trump - một nhân vật Cộng hòa - điều chỉnh lập trường cứng rắn với Bắc Kinh. Thêm vào đó, hồi tháng 8, tờ Nhân dân Nhật báo nêu khả năng các nghị sĩ Cộng hòa ủng hộ thương mại tự do có thể làm việc với Đảng Dân chủ sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ để đẩy lùi chính sách thuế quan của ông chủ Nhà Trắng.
Bà Nancy Pelosi và ông Charles Schumer thuộc số những nghị sĩ đảng Dân chủ ủng hộ lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc. Ảnh: BLOOMBERG
Tuy nhiên, không có nhiều dấu hiệu cho thấy Đảng Dân chủ sẽ mềm mỏng hơn. Một số nghị sĩ Dân chủ có ảnh hưởng ngay từ đầu đã đồng ý đánh thuế lên hàng nhập khẩu Trung Quốc và ủng hộ lập trường cứng rắn của ông Trump đối với Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực khác. Chẳng hạn, sau khi Nhà Trắng công bố kế hoạch tiến hành một cuộc chiến thương mại hồi tháng 3, bà Nancy Pelosi, thủ lĩnh phe thiểu số của Đảng Dân chủ tại Hạ viện, kêu gọi Washington "bảo vệ hơn nữa người lao động và hàng hóa Mỹ".
Một số thượng nghị sĩ Dân chủ, trong đó có ông Charles Schumer (thủ lĩnh phe thiểu số của Đảng Dân chủ tại Thượng viện), cũng hoan nghênh cuộc chiến thuế quan hiện nay và kêu gọi một "chiến lược toàn diện và dài hạn hơn" trong quan hệ thương mại với Trung Quốc. "Trung Quốc lần đầu tiên trở thành vấn đề bầu cử ở Mỹ trong nhiều thập kỷ và sẽ vẫn như vậy cho đến cuộc bầu cử tổng thống năm 2020" - nhà kinh tế học tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, Derek Scissors, đánh giá.
Ông Ryan Hass, cựu quan chức Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ thời cựu Tổng thống Barack Obama, cho rằng quan hệ song phương Mỹ - Trung đã leo thang thành vấn đề chính trị dưới thời Tổng thống Donald Trump. Nhà lãnh đạo này nhiều lần công kích chính sách về Trung Quốc của các chính quyền trước đây, trong đó phàn nàn việc Washington không làm gì khi Bắc Kinh áp thuế 25% đối với ngành công nghiệp ôtô Mỹ thời ông Obama.
Tỷ phú Jack Ma vừa tuyên bố cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung là “điều ngu ngốc nhất trên thế giới“, tờ SCMP đưa tin.