Mỹ: Thượng viện thông qua dự luật viện trợ 61 tỷ USD cho Ukraine
Thượng viện Mỹ (với đa số nghị sĩ là thành viên đảng Dân chủ) đã thông qua gói viện trợ trị giá 95,34 tỷ USD, trong đó có 61 tỷ USD cho Ukraine.
Trụ sở Quốc hội Mỹ (ảnh: Reuters)
Dự luật viện trợ được Thượng viện Mỹ thông qua với 70 phiếu thuận và 29 phiếu chống (mức tối thiểu để dự luật được thông qua là 60 phiếu thuận), Reuters hôm 13/2 đưa tin.
Theo Reuters, gói 95,34 tỷ USD bao gồm viện trợ cho Ukraine, Israel và các đối tác khác của Mỹ.
Cụ thể, viện trợ cho Ukraine chiếm 61 tỷ USD, Israel nhận được 14 tỷ USD, các đồng minh của Mỹ ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (bao gồm cả đảo Đài Loan thuộc Trung Quốc) nhận được 4,83 tỷ USD.
Dự luật cũng bao gồm 15 tỷ USD viện trợ nhân đạo cho dân thường ở Gaza, Bờ Tây và một số khu vực khác trên thế giới.
Mặc dù được Thượng viện Mỹ thông qua, nhưng dự luật viện trợ vẫn có thể bị chặn lạ tại Hạ viện Mỹ (do thành viên đảng Cộng hòa chiếm đa số).
Ông Chuck Schumer – lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mỹ – cho hay, dự luật được thông qua hôm 13/2 “có tác động lớn không chỉ đến an ninh Mỹ, an ninh của các đồng minh mà còn là an ninh của cả phương Tây”.
Ông Schumer bày tỏ niềm tin rằng Hạ viện sẽ thông qua dự luật này.
Tổng thống Ukraine Zelensky đã nhanh chóng ca ngợi việc Thượng viện Mỹ thông qua dự luật viện trợ mới.
“Hỗ trợ của Mỹ mang hòa bình đến gần hơn với Ukraine và khôi phục ổn định toàn cầu. Điều này mang lại an ninh và thịnh vượng cho tất cả”, ông Zelensky bình luận trên mạng xã hội X.
Dự luật viện trợ hôm 13/2 được Thượng viện Mỹ thông qua trong bối cảnh Ukraine đang đối mặt với thiếu hụt vũ khí, đạn dược và tài chính. Chính quyền Kiev đã nhiều lần thúc giục Mỹ gửi thêm viện trợ.
Chưa rõ Chủ tịch Hạ viện Mỹ – ông Mike Johnson – có đồng ý đưa dự luật viện trợ mới ra bỏ phiếu tại Hạ viện hay không, theo Reuters.
Dự luật viện trợ mới chỉ có thể được Tổng thống Mỹ Biden ký thành luật sau khi được cả Thượng viện và Hạ viện thông qua.
Phát biểu hôm 12/2, ông Johnson cho rằng, dự luật Thượng viện Mỹ sắp thông qua thiếu các điều khoản để ngăn chặn dòng người di cư trái phép qua biên giới Mỹ - Mexico.
“Trong trường hợp không nhận được bất kỳ thay đổi chính sách biên giới nào từ Thượng viện, Hạ viện sẽ phải tiếp tục thực hiện theo ý mình về những vấn đề quan trọng này”, ông Johnson nói.
Hungary tiếp tục chịu áp lực phê chuẩn Thụy Điển gia nhập NATO, dù vừa “nhượng bộ” trong gói hỗ trợ 50 tỉ euro cho Ukraine.
Nguồn: [Link nguồn]