Mỹ thúc giục đàm phán về xung đột Ukraine, Nga bày tỏ lập trường cứng rắn
Quan chức ngoại giao Nga nhấn mạnh các điều kiện của Tổng thống Vladimir Putin phải được đáp ứng đầy đủ trước khi xung đột Ukraine kết thúc. Tuyên bố này cho thấy Mátxcơva đang tỏ ra cứng rắn với Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Trump, từng nhiều lần tuyên bố muốn chấm dứt xung đột ở Ukraine một cách nhanh chóng, cho biết hôm 9/2 rằng quá trình đàm phán đang đạt được tiến triển. Ông xác nhận đã điện đàm với Tổng thống Nga Putin sau lễ nhậm chức, nhưng không tiết lộ chi tiết.
Điện Kremlin không xác nhận hoặc phủ nhận thông tin này.
Mátxcơva nhấn mạnh, rằng những yêu cầu tối đa của Nga - như Tổng thống Putin nêu ra vào tháng 6 năm ngoái - vẫn phải là nền tảng trong các cuộc đàm phán.
"Giải pháp chính trị mà chúng tôi vạch ra sẽ không thể đạt được nếu không thực hiện đầy đủ những gì Tổng thống Putin đề ra khi ông phát biểu trước Bộ Ngoại giao Nga vào tháng 6/2024", Thứ trưởng Ngoại giao Sergei Ryabkov cho biết trong một cuộc họp báo.
"Đây là tình hình hiện tại của chúng tôi. Mỹ, Anh và các nước khác hiểu được điều này càng sớm càng tốt. Khi ấy, giải pháp chính trị này sẽ càng gần gũi hơn với tất cả mọi người".,
Trong bài phát biểu ngày 14/6/2024, ông Putin đã nêu ra các điều khoản của Nga: Ukraine phải từ bỏ tham vọng gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và rút quân khỏi bốn khu vực đã sáp nhập Nga mà Ukraine không công nhận.
Bộ trưởng Ngoại giao Sergei Lavrov, trong bài phát biểu Ngày Ngoại giao Nga, tái khẳng định Mátxcơva sẵn sàng cho các cuộc đàm phán "mà trong đó, lợi ích quốc gia hợp pháp của chúng tôi được bảo vệ".
Nhưng ông cho biết, bất kỳ giải pháp nào cũng phụ thuộc vào "việc loại bỏ hoàn toàn và không thể đảo ngược các nguyên do dẫn đến cuộc xung đột", bao gồm cả mong muốn gia nhập NATO của Ukraine.
Theo Thứ trưởng Ryabkov, Nga không thấy có sự thay đổi lớn nào trong cách tiếp cận của Mỹ đối với Ukraine. Ông cảnh báo rằng không thể nói chuyện với Nga bằng ngôn ngữ của tối hậu thư.
"Nếu không giải quyết được nguyên nhân gốc rễ của những gì đang xảy ra, sẽ không thể đạt được thỏa thuận", ông Ryabkov nói. "Vì vậy, chúng tôi không muốn áp dụng các biến thể và biện pháp nửa vời".
Khả năng triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tới Ukraine
Trong cuộc phỏng vấn với RIA Novosti hôm 10/2, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzia đã bình luận về những tin đồn "kỳ lạ" liên quan đến khả năng triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tới Ukraine.
"Lực lượng gìn giữ hòa bình không thể hoạt động mà không có lệnh của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Nếu không, bất kỳ lực lượng quân sự nước ngoài nào được cử đến vùng chiến sự đều sẽ bị coi là những chiến binh bình thường theo luật pháp quốc tế, và là mục tiêu hợp pháp đối với lực lượng vũ trang của chúng tôi", ông Nebenzia nhấn mạnh.
Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzia. (Ảnh: Sputnik)
Nga là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an, nghĩa là nước này có thể phủ quyết bất kỳ nghị quyết nào về việc gửi quân đội nước ngoài tới Ukraine.
Tháng trước, tờ Daily Telegraph đưa tin Thủ tướng Anh Keir Starmer và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang đàm phán về khả năng triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tới Ukraine, điều này chỉ có thể diễn ra sau khi đạt được lệnh ngừng bắn.
Tuy nhiên, Thủ tướng Đức Olaf Scholz lưu ý rằng bất kỳ cuộc thảo luận nào về việc gửi lực lượng gìn giữ hòa bình Đức tới Ukraine đều là "quá sớm và không phù hợp".
Nga hoan nghênh các tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump liên quan đến tham vọng gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Ukraine,...
Nguồn: [Link nguồn]
-11/02/2025 11:44 AM (GMT+7)