Mỹ thận trọng trong tiếp cận xung đột Israel - Hamas

Ông Biden sẽ hỗ trợ quân sự cho Israel dưới nhiều hình thức nhưng sẽ tính toán không để xung đột lan rộng và không trực tiếp tung binh sĩ Mỹ tham chiến.

Ngày 12-10 (giờ địa phương), Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Tel Aviv trong chặng đầu tiên của chuyến công du Trung Đông nhằm kiềm chế xung đột giữa Israel và phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas.

“Bản thân các bạn có thể đủ mạnh mẽ để tự bảo vệ mình. Nhưng chừng nào nước Mỹ còn tồn tại, các bạn sẽ không bao giờ phải làm vậy. Chúng tôi sẽ luôn ở cạnh các bạn” - ông Blinken tuyên bố trong họp báo chung với ông Netanyahu. Ngoại trưởng Blinken cũng cho biết Mỹ sẽ phối hợp với các đồng minh tìm cách giải cứu hơn 100 con tin mà Israel cho rằng đang nằm trong tay Hamas, trong đó có nhiều công dân Mỹ.

Theo giới chuyên gia, tình hình căng thẳng hiện tại đang đặt ra bài toán khó cho chính quyền Tổng thống Joe Biden trong bối cảnh Mỹ đã giảm đáng kể hiện diện quân sự ở Trung Đông sau đợt rút quân khỏi Afghanistan năm 2021.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) hội đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hồi tháng 9 tại TP New York, Mỹ bên lề kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc. Ảnh: AP

Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) hội đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hồi tháng 9 tại TP New York, Mỹ bên lề kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc. Ảnh: AP

Mỹ sẽ hỗ trợ Israel ra sao trong thời gian tới?

Theo tờ The Wall Street Journal, mối quan hệ đồng minh lâu năm giữa Mỹ và Israel cùng phản ứng của dư luận Mỹ với đợt tấn công của Hamas sẽ thúc đẩy mạnh mẽ bất kỳ động thái hỗ trợ nào cho Israel trong thời gian tới, khi giao tranh giữa hai bên leo thang ở quy mô lớn hơn.

Ông Biden trên thực tế đã lên tiếng mạnh mẽ chỉ trích cuộc tấn công của Hamas là “tận cùng tội ác” và nhấn mạnh sự ủng hộ dành cho Israel: “Trong thời điểm này, điều rõ ràng là chúng tôi sát cánh bên Israel”.

Ông Ian Bremmer, Chủ tịch Công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group (Mỹ), cho rằng phản ứng mạnh mẽ của ông Biden với cuộc tấn công của Hamas là hợp lý. “Sự ủng hộ của Mỹ cho Israel cần diễn ra ngay lập tức và không mang động cơ chính trị vào thời điểm mà mọi thứ đều đang bị chính trị hóa ở Mỹ. Đây cần phải là ủng hộ nhân đạo, không vì mục đích nào khác” - ông Bremmer nói.

Tổng thống Biden sau đó đã ba lần điện đàm với ông Netanyahu và cam kết sẽ tăng hiện diện quân sự Mỹ trong khu vực. Mỹ ngày 10-10 đã thông báo điều nhóm tác chiến tàu sân bay thứ hai USS Dwight D. Eisenhower tới Địa Trung Hải, đồng thời phát cảnh báo nhóm Hezbollah và Iran không can dự vào xung đột và làm phức tạp thêm tình hình. Lầu Năm Góc trước đó vốn không có kế hoạch điều nhóm tác chiến tàu sân bay thứ hai USS Dwight D. Eisenhower do nơi đây đã có sự hiện diện thường trực của nhóm tác chiến tàu sân bay USS Gerald R. Ford.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin hồi đầu tuần này cũng đã thảo luận với người đồng cấp Israel Yoav Gallant và đề nghị hỗ trợ tình báo để giúp Israel giải quyết cuộc khủng hoảng con tin với Hamas.

Hiện Washington chưa có kế hoạch đổ quân tham chiến trực tiếp, theo một nguồn tin nội bộ của tờ The Wall Street Journal. Người này cho biết thêm Washington cũng không có kế hoạch tung đặc nhiệm vào Dải Gaza để giải cứu con tin nhưng sẽ cung cấp các hỗ trợ khác cho quân đội Israel.

Không quân Israel (IAF) ngày 12-10 cho biết lực lượng này đã thả khoảng 6.000 quả bom xuống các mục tiêu Hamas ở Dải Gaza chỉ trong sáu ngày kể từ khi xung đột bùng phát vào cuối tuần trước. Số bom này gần bằng số bom Mỹ sử dụng ở Afghanistan trong một năm.

Ông Natan Sachs, Giám đốc Trung tâm chính sách Trung Đông thuộc Viện Brookings (Mỹ), nhận định nhiều khả năng ông Biden sẽ cố gắng tránh gửi quân Mỹ đến khu vực nhưng sẽ cung cấp, hỗ trợ không quân và hải quân cho Israel nếu nhóm Hezbollah tham chiến. “Nếu có gửi quân thì đó sẽ là một bước ngoặt lớn. Nó sẽ thay đổi hoàn toàn cục diện cuộc chiến và khiến mọi thứ thêm phức tạp với Mỹ” - ông Sachs nói.

Đây không phải chuyện chưa có tiền lệ. Khi còn là phó tổng thống Mỹ, ông Biden đã góp phần thúc đẩy Tổng thống Barack Obama ra lệnh không kích Syria và Iraq, hỗ trợ lực lượng Iraq trước chiến dịch tấn công của các tay súng thuộc tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng vào năm 2014. Trước thời điểm đó, Mỹ đã giảm phần lớn hiện diện quân sự ở Iraq và tập trung cho chiến lược xoay trục sang châu Á.

Xung đột Israel - Hamas thách thức năng lực của ông Biden

Cuộc tấn công của Hamas nhằm vào Israel được đánh giá là thêm một khó khăn mới cho nỗ lực tái tranh cử của ông Biden trong bối cảnh ông vẫn đang đấu tranh cho gói viện trợ hàng tỉ USD cho Ukraine trước làn sóng phản đối ngày càng tăng từ phía đảng Cộng hòa.

Xung đột Israel - Hamas cũng có khả năng trở thành vấn đề gây chia rẽ trong nội bộ đảng Dân chủ với ngày càng ít thành viên có cùng quan điểm như ông Biden. Một cuộc thăm dò do Công ty khảo sát Gallup (Mỹ) thực hiện hồi tháng 3 đã chỉ ra 49% thành viên đảng Dân chủ cảm thông nhiều hơn với người Palestine, 38% cảm thông với người Israel, trái ngược với xu hướng trong các khảo sát trước đó. Trong khi đó, có tới 78% thành viên đảng Cộng hòa và 49% cử tri độc lập ủng hộ Israel.

Giới quan sát nhận định ông Biden dường như duy trì chính sách đối ngoại với Israel dựa trên quan hệ cá nhân. Trong bài phát biểu ở Nhà Trắng ngày 10-10, ông Biden nói ông từng gặp cựu Thủ tướng Israel Golda Meir vào năm 1973 khi còn là thượng nghị sĩ và bà Meir nói với ông rằng “vũ khí bí mật” của Israel chính là họ “không còn đường lui”.

Mối quan hệ giữa Tổng thống Biden và Thủ tướng Netanyahu được hình thành từ những năm 1980, khi ông Netanyahu còn làm việc ở Đại sứ quán Israel tại Washington. Dù đôi khi có những mâu thuẫn, song mối quan hệ cá nhân giữa hai người đã giúp ổn định quan hệ Mỹ - Israel suốt thời gian qua. 

Ai Cập, Mỹ và Israel bàn kế hoạch sơ tán công dân nước ngoài

Trang tin Axios ngày 12-10 cho biết Ai Cập, Mỹ và Israel đang thảo luận khả năng thiết lập một hành lang an toàn cho việc sơ tán công dân nước ngoài khỏi Dải Gaza. Hiện hơn 500 người Mỹ và công dân các nước khác, bao gồm nhân viên Liên hợp quốc, nhân viên của các tổ chức phi chính phủ và nhà báo đang bị mắc kẹt ở Dải Gaza do các cửa khẩu biên giới giữa Gaza với Israel và Ai Cập đều bị đóng.

Axios cho hay các quan chức Mỹ và Israel cho hay Israel và Ai Cập đã tạm thời thống nhất trên nguyên tắc về việc tạo ra một hành lang an toàn từ Gaza cho các công dân Mỹ và người nước ngoài.

Tuy nhiên, hai bên đều nhấn mạnh rằng điều này sẽ cực kỳ phức tạp, bởi nó đòi hỏi một hình thức ngừng bắn nào đó. Israel đã tuyên bố tình trạng chiến tranh hôm 7-10 và không ngừng tấn công Dải Gaza.

Vì sao Ai Cập quyết không mở lối thoát hiểm cho người dân Dải Gaza?

Khi các máy bay chiến đấu của Israel tấn công Dải Gaza, giết chết hơn 1.500 người và phá hủy các tòa nhà để đáp trả cuộc tấn công chưa từng có vào cuối tuần trước của...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo VĨ CƯỜNG ([Tên nguồn])
Xung đột Israel - Hamas Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN