Mỹ tăng cường do thám vì lo Nga dùng vũ khí hạt nhân

Sự kiện: Tin tức Mỹ

Các cơ quan tình báo của Mỹ và đồng minh đang tăng cường thu nhập thông tin để tìm xem có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ đạo sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine hay không, Politico dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết.

Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: Getty)

Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: Getty)

Tuy nhiên, các quan chức đương nhiệm và nghỉ hưu cảnh báo, bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy nhà lãnh đạo Nga đã quyết định dùng đến vũ khí hạt nhân cũng sẽ là quá muộn.

Hầu hết máy bay chiến đấu của Nga đều có thể phóng vũ khí hạt nhân chiến thuật cỡ nhỏ. Những vũ khí như vậy được thiết kế để tấn công mục tiêu hẹp hơn so với vũ khí chiến lược như tên lửa đạn đạo liên lục địa. Dấu hiệu cho thấy những vũ khí này sắp được huy động là đặt các đơn vị phụ trách vào tình trạng cảnh báo hoặc triển khai diễn tập.

Điều đó có nghĩa là trừ khi ông Putin và các chỉ huy Nga muốn thế giới biết trước, nếu không Mỹ không bao giờ biết khi nào lực lượng Nga đổi từ vũ khí truyền thống sang bom nguyên tử.

Phương Tây đang lo ngại Nga có thể dùng đến vũ khí hạt nhân để thay đổi cục diện chiến trường Ukraine, nhất là sau khi Tổng thống Putin chỉ đạo triệu tập lực lượng quân dự bị từ tuần trước.

“Chúng tôi đang theo dõi sát sao”, một quan chức Mỹ nắm được các báo cáo tình báo về chiến lược và lực lượng hạt nhân của Nga nói với Politico.

Vị quan chức giấu tên này tiết lộ những nỗ lực gần đây gồm bổ sung các phương tiện tình báo của Mỹ và đồng minh trong không gian, vũ trụ và không gian mạng, và dựa nhiều hơn vào hệ thống vệ tinh thương mại để phân tích các đơn vị của Nga để xem họ có được điều động vào vị trí chuẩn bị sử dụng vũ khí hạt nhân hay không.

Một khu vực được chú ý ngoài Ukraine là vùng đất Kaliningrad thuộc Nga, nằm kẹp giữa Ba Lan và Lithuania, là nơi Điện Kremlin đã triển khai các hệ thống vũ khí lưỡng dụng và tên lửa siêu thanh.

Trong tuần qua, các trang web theo dõi chuyến bay cho thấy nhiều máy bay trinh sát điện tử RC-135 Rivet Joint của Không quân Mỹ lượn trên vùng trời Kaliningrad, rõ ràng để thu thập dữ liệu. Trong mấy năm qua, Nga đã nâng cấp các vị trí cất giữ tên lửa ở Kaliningrad, khiến phương Tây lo khả năng tích trữ vũ khí hạt nhân.

Nhiều hệ thống khác nhau

Tổng thống Putin nói rằng ông có thể dùng đến mọi vũ khí sẵn có, “bao gồm cả các loại vũ khí hủy diệt” để thay đổi tình hình hoặc nếu Nga bị đe dọa.

“Tôi không nói xạo”, ông tuyên bố.

Đáp lại, Mỹ cảnh báo “những hậu quả thảm khốc”, nhưng không nêu rõ Washington sẽ đáp trả bằng cách nào.

Đầu tuần này, Điện Kremlin cho biết đã có những trao đổi “rời rạc” với Mỹ về vấn đề hạt nhân. Thứ trưởng Ngoại giao Nga có vẻ đã có hạ thấp tính nghiêm trọng trong phát biểu của ông Putin, khẳng định rằng Nga không có kế hoạch sử dụng vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, ngày 27/9, khi 4 tỉnh Ukraine hoàn thành cuộc trưng cầu dân ý để tiến tới việc đưa 15% lãnh thổ của Ukraine sáp nhập vào Nga, thêm một tuyên bố nữa về vũ khí hạt nhân được đưa ra.

“Hãy tưởng tượng việc Nga buộc phải sử dụng loại vũ khí đáng sợ nhất với chính quyền Ukraine, khi họ có những hành động hung hăng trên diện rộng, gây đe dọa cho sự tồn tại của nhà nước chúng tôi”, Reuters dẫn đoạn đăng trên Telegram của Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dimitry Medvedev.

“Tôi tin rằng NATO sẽ không can dự trực tiếp vào cuộc xung đột ngay cả khi điều đó xảy ra”, ông Medvedev viết.

Phát ngôn viên của Bộ Tư lệnh chiến lược Mỹ cho biết lực lượng này “luôn theo dõi và sẵn sàng đáp trả nếu cần thiết”.

“Chúng tôi vẫn chưa thấy dấu hiệu nào đến thời điểm này cho thấy Nga sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân. Chúng tôi coi những mối đe dọa đó là rất nghiêm trọng, nhưng chúng tôi chưa thấy lý do gì để điều chỉnh thế trận hạt nhân của mình vào thời điểm này”, Đại úy Joshua Kelsey cho biết.

Tuy nhiên, nắm được thông tin chính xác về bất kỳ bước đi mới nào của Nga chắc chắn là việc khó. Khoảng hơn hai chục hệ thống vũ khí của Nga có thể bắn cả đầu đạn truyền thống và đầu đạn hạt nhân hiệu suất thấp, một quan chức Mỹ cho biết.

Ước tính Nga có hơn 1.900 đầu đạn hạt nhân chiến thuật, còn gọi là vũ khí hạt nhân phi chiến lược.

Số vũ khí đó bao gồm các tên lửa hành trình, ngư lôi hạt nhân, bom trọng lực, và tên lửa đạn đạo liên lục địa.

Các cơ quan tình báo Mỹ cho rằng Nga sẽ không chấp nhận rủi ro đến mức phóng một vũ khí hạt nhân lớn vào Ukraine hay thành viên của NATO. Nhưng điều khó với phương Tây là Nga có 23 hệ thống lưỡng dụng khác nhau, trong đó có nhiều hệ thống đang được dùng ở Ukraine.

Nguồn: [Link nguồn]

Các nước nói gì về lo ngại chiến tranh hạt nhân ở Ukraine?

Phương Tây liên tục cảnh báo về khả năng Nga sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine, trong khi Moscow trấn an rằng mục đích chỉ để cảnh báo phương Tây về những rủi ro khi can thiệp...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bình Giang - Politico ([Tên nguồn])
Tin tức Mỹ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN