Mỹ tấn công Syria: “Giỡn mặt” Nga bằng tên lửa hành trình bậc nhất
Mỹ một lần nữa sử dụng tên lửa hành trình hiện đại bậc nhất thế giới để giáng đòn không kích Syria, khẳng định vị thế vượt trội quân sự trước Nga trên chiến trường.
Mỹ và đồng minh đã phóng 105 quả tên lửa, đa phần là tên lửa hành trình Tomahawk vào các mục tiêu ở Syria.
Đợt tấn công bằng tên lửa hành trình của Mỹ, Anh và Pháp vào Syria ngày 14.4 đánh dấu mức độ leo thang căng thẳng mới ở Syria. Mỹ và đồng minh chứng minh năng lực của các tên lửa hành trình hiện đại bậc nhất thế giới như Tomahawk, Storm Shadow hay AGM-158B JASSM-ER. |
Sáng sớm ngày 14.4, Mỹ, Anh và Pháp đồng loạt tấn công vào các mục tiêu Syria. Tổng cộng có 105 quả tên lửa nhằm vào 3 mục tiêu liên quan đến vũ khí hóa học ở Syria. Mỹ phóng 85 tên lửa, Anh phóng 8 tên lửa và Pháp là 12 tên lửa.
Đáng chú ý trong đợt không kích mới nhất này của Mỹ là sự xuất hiện của tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia. Tàu USS John Warner phóng tên lửa hành trình từ Địa Trung Hải, giúp giảm sức ép cho các tàu khu trục tên lửa.
Đây cũng là lần hiếm hoi Mỹ chứng minh sức mạnh của tên lửa hành trình Tomahawk phóng từ tàu ngầm. Trong những năm qua, tên lửa Tomahawk có phần lép vế khi Nga đưa tên lửa hành trình Kalibr vào thực chiến chống khủng bố IS. Giới quan sát từng rất ấn tượng với các tên lửa Kalibr phóng từ tàu ngầm và tàu nổi.
Tên lửa hành trình bậc nhất thế giới
Tên lửa hành trình Tomahawk được coi là niềm tự hào của hải quân Mỹ trong suốt hàng chục năm qua.
Tomahawk lần đầu tiên được thực chiến trong Chiến tranh Vùng Vịnh vào năm 1991, giúp Mỹ chiếm ưu thế trên chiến trường. Trải qua nhiều lần nâng cấp, Tomahawk đã có bản phiên thế hệ thứ 4 (Block IV) với nhiều tính năng được cải thiện, giúp cải thiện hiệu suất đánh trúng mục tiêu.
Tên lửa Tomahawk phóng từ tàu ngầm.
Tomahawk được thiết kế theo mẫu máy bay cánh đơn, thân tên lửa là ống trụ tròn, hai cánh chính có thể gấp lại và được lắp ở trọng tâm tên lửa và bốn cánh ổn định đuôi hình chữ thập.
Tên lửa dài 5,56 mét và nặng 1.300 kg, có thể mang theo đầu đạn thông thường nặng 450kg hoặc đầu đạn hạt nhân. Tomahawk Block IV hiện nay có tầm bắn lên tới 2.500km.
Tên lửa Tomahawk đạt tốc độ cận âm (khoảng 800 km/giờ), chỉ bay ở độ cao thấp và hết sức linh hoạt nên được Mỹ tin dùng để vượt qua hệ thống phòng không đối phương.
Có thể nói, Tomahawk là một trong những tên lửa đa nhiệm bậc nhất thế giới với 3 phiên bản phóng từ mặt đất, trên tàu chiến hay tàu ngầm.
Ngay sau khi rời bệ phóng, các chuyên gia vũ khí Mỹ vẫn tiếp tục điều khiển được tên lửa thông qua hệ thống định vị toàn cầu. Tomahawk cũng có khả năng thay đổi mục tiêu ngay trên không hay trong trường hợp cần phải thay đổi hành trình bay để né tránh hệ thống phòng không đối phương.
Sức công phá của Tomahawk không bằng một số loại bom cỡ lớn trang bị trên oanh tạc cơ chiến lược, nhưng rất phù hợp nếu muốn phá hủy một cách chính xác các mục tiêu quan trọng.
Mưa tên lửa dằn mặt Nga
Các tổ hợp phòng không S-400 của Nga ở Syria hoàn toàn án binh bất động.
Đây là lần thứ hai Mỹ phóng mưa tên lửa hành trình Tomahawk nhằm vào Syria. Trong lần đầu tiên năm 2017, 60 tên lửa Tomhawk đã giáng đòn mạnh mẽ vào căn cứ không quân Shayrat của Syria.
Phía Nga nói 71 tên lửa đã bị các hệ thống phòng không Syria như Pantsir-S1, S-200, S-125 ngăn chặn thành công. Tuy vậy, Mỹ và đồng minh đã bác bỏ tuyên bố này. Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định toàn bộ các tên lửa đã đánh trúng mục tiêu.
Giống như lần đầu tiên, các hệ thống phòng không tối tân như S-300, S-400 của Nga ở Syria đều không can thiệp.
Bộ Quốc phòng Nga đưa ra lý do rằng, “không một quả tên lửa hành trình Tomahawk nào của Mỹ và đồng minh đe dọa đến hai căn cứ quân sự của Nga bao gồm Tartus và Hmeymim.
Điều này khiến giới quan sát phần nào thất vọng. Bởi Mỹ và đồng mình phát động cuộc tấn công quy mô lớn bằng tên lửa hành trình nhằm vào Syria nhưng Nga lại án binh bất động.
Với tư cách là đồng minh thân cận nhất của Syria, Nga hoàn toàn có thể can thiệp mạnh hơn, đánh chặn tên lửa mà không thể khiến Mỹ có lý do phản ứng.
Trước đợt không kích của Mỹ, Đại sứ Nga tại Liban, Alexander Zasypkin ảnh báo quân đội Nga có quyền bắn hạ bất cứ tên lửa nào và phá hủy nguồn phóng, trong trường hợp Mỹ phóng tên lửa vào Syria.
Hãng tin NBC News trích lời Đại sứ Zasypkin trong buổi phỏng vấn với kênh truyền hình al-Manar: “Các lực lượng Nga sẽ chống lại bất cứ cuộc tấn công nào của Mỹ vào lãnh thổ Syria, bằng cách đánh chặn tên lửa và nơi phóng chúng.”
Trung tướng Alexander Gorkov, nguyên Tư lệnh quân chủng Phòng không Nga từng nói: “Trong chiến đấu phòng không, việc tiêu diệt được nhiều hay ít mục tiêu không quan trọng bằng việc bảo vệ được mục tiêu”.
Trung tâm nghiên cứu khoa học của Syria gần Damascus bị phá hủy hoàn toàn.
“Nếu 100 tên lửa hành trình bị bắn hạ, nhưng chỉ để lọt 1 thì đã coi là thất bại”. ông Gorkov nhấn mạnh.
Vasily Kashin, chuyên gia của Trung tâm phân tích Chiến lược và Công nghệ Nga tỏ ra thận trọng, nói rằng “rồng lửa” S-400 chỉ có tỷ lệ tiêu diệt 50-60% với các tên lửa hành trình như loại Tomahawk của Mỹ.
Với việc Mỹ và đồng minh tăng số lượng tên lửa tấn công Syria, lên tới 105 tên lửa, các tổ hợp phòng không S-400 của Nga ở Syria hoàn toàn lép vế.
Theo nguyên tắc phòng không của Nga, để đánh chặn một mục tiêu thì ít nhất cũng phóng hai đạn tên lửa. Một tiểu đoàn S-400 với 8 bệ phóng được trang bị 32 tên lửa chỉ phóng được 16 lượt. Với xác xuất lý tưởng 90%, Nga cũng cần phải có hơn 200 đạn tên lửa.
Đó là lý do vì sao Nga chỉ thông báo rằng quân đội Syria đánh chặn được 71 tên lửa bằng các hệ thống phòng không lỗi thời. Bởi không thể kiểm chứng được rằng các hệ thống phòng không Syria thực sự có thể ngăn chặn được tên lửa hay không và liệu đánh chặn được bao nhiêu tên lửa.
Có thể nói, ngoài mục đích tin tưởng vào tên lửa hành trình bậc nhất thế giới, Mỹ đang muốn “giỡn mặt” Nga khi phóng loạt tên lửa với số lượng lớn, khiến các hệ thống phòng không vốn là niềm tự hào của Nga như S-400 hoàn toàn im lặng trên đất Syria.
______________________
Đợt không kích Syria ngày 14.4 còn có sự góp mặt của các tên lửa hành trình Storm Shadow/SCALP, đây là vũ khí chủ lực của Anh và Pháp. Bài viết tiếp theo sẽ khai thác sức mạnh của loại tên lửa này.
Anh, Pháp và Mỹ đã huy động nhiều khí tài chiến lược để thực hiện vụ không kích vào Syria vào rạng sáng 14-4 (theo giờ...