Mỹ: Ca nhiễm Covid-19 vượt mốc 210.000, số người tử vong cao nhất trong ngày

Mỹ có thêm nhiều bang yêu cầu người dân ở yên trong nhà khi số tổng số ca nhiễm Covid-19 ở nước này vượt con số 210.000. Riêng ngày 1/4, Mỹ ghi nhận số ca tử vong kỷ lục.

Theo CNN, tính tới chiều 1/4 (giờ địa phương), Mỹ có hơn 210.000 người nhiễm Covi-19, trong số này có 4.745 ca tử vong. Ngày 1/4, Mỹ cũng ghi nhận số ca tử vong mới cao kỷ lục với ít nhất 928 ca, trong đó có một bé gái 6 tuần tuổi ở bang Connecticut.

Trong khi đó theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, tổng số ca nhiễm và tử vong do Covid-19 ở Mỹ lần lượt là 216.515 và 5.119. 

Dữ liệu cho thấy người nhiễm Covid-19 không biểu hiện triệu chứng đang làm gia tăng sự lây an khiến các quan chức hàng đầu của Mỹ đang cân nhắc lại về việc có nên khuyến cáo người dân đeo khẩu trang hay không. Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn khuyên mọi người nếu không phải bệnh nhân hay y bác sĩ thì không nên đeo khẩu trang.

Thi thể bệnh nhân Covid-19 được chuyển xuống từ xe đông lạnh ở Bệnh viện trung tâm Brooklyn, thành phố New York, bang New York, Mỹ. Ảnh: AP

Thi thể bệnh nhân Covid-19 được chuyển xuống từ xe đông lạnh ở Bệnh viện trung tâm Brooklyn, thành phố New York, bang New York, Mỹ. Ảnh: AP

1/4 số người nhiễm Covid-19 ở Mỹ không biểu hiện triệu chứng

Giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết 25% tổng số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 ở Mỹ không có triệu chứng bệnh.

"Thông tin chúng tôi có thể xác nhận hiện nay là một số lượng đáng kể người nhiễm Covid-19 không biểu hiện triệu chứng. Con số có thể lên tới 25%", tiến sĩ Robert Redfield, giám đốc CDC chia sẻ với trang NPR.

Để ngăn chặn dịch Covid-19 lan rộng, ông Robert, chuyên gia bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Mỹ, đang cân nhắc lại hướng dẫn về đeo khẩu trang.

Nếu các quan chức liên bang ở Mỹ khuyến cáo sử dụng khẩu trang rộng rãi, nó sẽ đi ngược lại lời khuyên của WHO khi cho rằng chỉ bệnh nhân và y bác sĩ mới cần dùng khẩu trang.

Bằng chứng cho thấy giãn cách xã hội có hiệu quả

Khoảng 90% dân số Mỹ hiện sống trong các khu vực đã áp dụng lệnh cấm ra ngoài, theo thống kê của CNN, căn cứ vào dữ liệu của nhiều quận, thành phố và bang trên khắp nước Mỹ.

Một số người cho rằng như vậy vẫn là chưa đủ để ngăn dịch lây lan và kêu gọi một lệnh cấm ra khỏi nhà trên toàn nước Mỹ. Tuy nhiên, Tổng thống Trump nghĩ rằng điều này là không cần thiết.

"Các bang đều có sự khác biệt. Tại một số bang, tình hình chưa đến mức phải cần tới lệnh cấm ra ngoài", ông Trump phát biểu tại một cuộc họp báo về đối phó với Covid-19 ở Mỹ.

Các quan chức y tế Mỹ cho biết giãn cách xã hội dường như có hiệu quả trong việc ngăn dịch lây lan, nhất là ở quận King, bang Washington - nơi được xem là tâm dịch đầu tiên ở Mỹ.

"Chúng tôi nhận thấy việc giảm tiếp xúc giữa người với người đang có tác dụng khá tích cực", tiến sĩ Jeff Duchin, nhân viên y tế công cộng ở quận King, bang Washington, cho biết.

Tại tâm dịch New York, một phân tích của CNN cho thấy mức tăng trung bình số ca nhiễm Covid-19 theo ngày trong tuần qua là 17% - giảm rõ rệt so với con số 58% một tuần trước đó.

Ngoài ra, một nghiên cứu quy mô lớn chỉ ra rằng việc can thiệp sớm bằng các biện pháp như giãn cách xã hội và hạn chế đi lại, đã cứu sống hàng chục nghìn người ở châu Âu.

Các nhà nghiên cứu tại Đại học hoàng gia London ước tính rằng, tới 31/3, các biện pháp can thiệp đồng bộ của 11 nước châu Âu đã giúp 59.000 người thoát chết.

Đỉnh dịch ở Mỹ chưa tới

Quan chức Nhà Trắng dự đoán đỉnh dịch sẽ diễn ra vào giữa tháng 4. Khi đó, số ca tử vong mới mỗi ngày có thể lên tới 2.000, theo một mô hình dự đoán của Nhà Trắng.

Cũng theo giới chức Mỹ, nếu các biện pháp giãn cách xã hội được thực hiện hiệu quả, số người tử vong do Covid-19 được sự đoán vẫn ở mức cao với hơn 100.000 người.

Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19:

- Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.

- Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.

- Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi.

- Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác.

- Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế.

- Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 1900322819009095.

Mỹ: Tình huống oái oăm của nữ y tá nhiễm Covid-19 mà không được làm xét nghiệm

Xét nghiệm vẫn là một vấn đề lớn trong cuộc chiến với dịch Covid-19 ở Mỹ khi các bệnh viện thiếu hụt nhiều bộ kit...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Thái - CNN ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN