Mỹ sắp dùng biện pháp mạnh ngăn dịch Covid-19

Sự kiện: Tin tức COVID-19

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ban hành hàng loạt chính sách hạn chế nhập cư kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang cân nhắc tạm thời ngăn công dân Mỹ và thường trú nhân bị nghi nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây đại dịch viêm đường hô hấp cấp (Covid-19) trở về nước. Quan chức cấp cao Mỹ giấu tên hôm 10-8 xác nhận với hãng tin Reuters dự thảo quy định chưa được hoàn thiện và có thể thay đổi này sẽ cho phép chính phủ Mỹ có quyền ngăn chặn những cá nhân bị nghi nhiễm hoặc nhiễm bệnh hồi hương.

Phản ứng trước thông tin trên, ông Omar Jadwat, Giám đốc dự án quyền người nhập cư của Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ, cảnh báo việc cấm công dân về nước sẽ vi hiến và là một sai lầm nghiêm trọng khác trong một năm vốn đã có quá nhiều điều xảy ra. Theo tờ The New York Times (Mỹ), bản dự thảo nêu rõ bất kỳ lệnh cấm công dân và thường trú nhân hợp pháp nào cũng phải bao gồm các biện pháp bảo vệ thích hợp để bảo đảm không xâm phạm các quyền theo hiến pháp.

Các hành khách đeo khẩu trang tại sân bay quốc tế Los Angeles, bang California - Mỹ vào đầu tháng 8. Ảnh: REUTERS

Các hành khách đeo khẩu trang tại sân bay quốc tế Los Angeles, bang California - Mỹ vào đầu tháng 8. Ảnh: REUTERS

Tuy nhiên, tài liệu không nêu chi tiết thời hạn công dân hoặc thường trú nhân hợp pháp được yêu cầu ở ngoài lãnh thổ Mỹ. Dự thảo mới, nếu được thông qua, sẽ áp dụng ở tất cả các điểm nhập cảnh vào Mỹ, bao gồm sân bay và dọc biên giới phía Bắc và Nam. Đặc biệt, dự thảo có thể ảnh hưởng đến biên giới với Mexico - nơi nhiều công dân Mỹ và thường trú nhân hợp pháp thường xuyên qua lại.

Trong khi đó, một số công ty công nghệ lớn nhất nước Mỹ, gồm: Apple, Facebook, Amazon và Microsoft, đã tham gia cuộc chiến pháp lý chống lại lệnh cấm cấp thị thực cho lao động nước ngoài của Tổng thống Donald Trump. Khoảng 50 công ty, tổ chức và hiệp hội thương mại nộp đơn kiến nghị lên tòa án hôm 10-8 cho rằng việc Tổng thống Donald Trump dừng chương trình thị thực lao động nước ngoài gây tổn hại không thể khắc phục đối với các doanh nghiệp và nền kinh tế Mỹ. Hôm 22-6, Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố đình chỉ một loạt các chương trình thị thực không nhập cư đến cuối năm 2020, bao gồm thị thực H-1B dành cho các lao động có kỹ năng cao trong lĩnh vực công nghệ với lý do giúp khôi phục nền kinh tế đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Các hiệp hội công nghiệp, kể cả Văn phòng Thương mại Mỹ, cũng đã nộp đơn kiện vào tháng trước nhằm ngăn chặn chính sách của ông Trump.

Mỹ hiện là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất thế giới với hơn 5 triệu ca nhiễm và hơn 160.000 ca tử vong do dịch Covid-19. Đáng chú ý, số ca nhiễm ở trẻ em Mỹ tăng 40% chỉ trong 2 tuần cuối tháng 7 trong bối cảnh hàng chục triệu học sinh sắp bước vào năm học mới. Báo cáo của Viện Nhi khoa và Hiệp hội Bệnh viện Nhi Mỹ hôm 10-8 cho hay hơn 338.000 trẻ em đã nhiễm Covid-19 kể từ khi đại dịch bùng phát, trong đó có đến 97.078 trường hợp được báo cáo từ ngày 16 đến 30-7. Hầu hết ca nhiễm mới được ghi nhận ở các bang Nam và Tây Mỹ.

Viện Nhi khoa Mỹ nhấn mạnh dữ liệu cảnh báo tình trạng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19 dường như hiếm được ghi nhận trong trẻ em. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật Mỹ (CDC) cũng cho hay trẻ em nhiễm Covid-19 ít có các triệu chứng nặng. Báo cáo mới trên được đưa ra trong bối cảnh việc mở cửa trường học trở lại gây ra nhiều tranh cãi. Tổng thống Donald Trump liên tục thúc giục các bang mở cửa trường học nhưng giới chức y tế cảnh báo cần cẩn trọng ở những nơi có số ca nhiễm đang tăng mạnh.

Tính đến nay, thế giới ghi nhận hơn 20 triệu ca nhiễm và hơn 730.000 ca tử vong do dịch Covid-19, trong đó Mỹ, Brazil và Ấn Độ bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi số ca nhiễm ở 3 nước gộp lại chiếm hơn 1/3 số ca nhiễm toàn cầu. 

Ông Putin chính thức lên tiếng về vaccine Covid-19 ”đầu tiên trên thế giới” của Nga

Tổng thống Nga Vladimir Putin còn tiết lộ con gái của ông đã được tiêm loại vaccine này.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Xuân Mai ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN