Mỹ: Ổ dịch Covid-19 bùng lên ở bang quyết không hạn chế người dân ở nhà
South Dakota là một trong số những bang cuối cùng ở Mỹ quyết không ban bố lệnh buộc người dân ở nhà chống dịch Covid-19 và kết quả nơi này trở thành một trong những ổ dịch phức tạp nhất.
Theo Washington Post, trong khi dịch Covid-19 lây lan mạnh ở các bang miền đông và miền tây nước Mỹ, bang South Dakota ở miền trung với số dân chưa đến 1 triệu người có số người nhiễm Covid-19 khá khiêm tốn.
Đây có thể là lý do thống đốc Kristi L. Noem nhiều lần trì hoãn việc ban bố tình trạng khẩn cấp, buộc người dân ở nhà. Tổng thống Mỹ Donald Trump từng nói rằng ông sẽ không áp đặt quy định trên toàn quốc và đối phó ra sao với đại dịch Covid-19 tùy thuộc vào từng bang.
Về phần mình, thống đốc bang South Dakota, Kristi Noem cho rằng “quyền đi làm, đến nhà thờ, đi chơi hay thậm chí là ở nhà đều do cá nhân quyết định”.
Bà Noem từng đáp trả phóng viên với quan điểm, “South Dakota không phải là New York”.
Nhưng giờ đây mọi chuyện đã rẽ sang hướng khác. South Dakota trở thành một trong những điểm nóng lớn nhất nước Mỹ, với ổ dịch lên tới 300 người nhiễm ở nhà máy sản xuất và chế biến thịt lợn.
Với số ca nhiễm tiếp tục tăng mạnh, công ty này đã phải tạm đóng cửa từ ngày 12.4, làm ảnh hưởng đến nguồn cung cấp thực phẩm trên toàn nước Mỹ.
Thống đốc bang South Dakota Kristi Noem.
Giới chức y tế, địa phương của South Dakota hôm 13.4 một lần nữa gây sức ép, cho rằng thống đốc Noem nên áp đặt các biện pháp chống dịch quyết liệt.
Thị trưởng thành phố Sioux Falls, Paul TenHaken muốn thiết lập một khu cách ly và điều trị người nhiễm Covid-19 vì thành phố là vùng tâm dịch của bang.
Nhưng thống đốc Noem tiếp tục khước từ. Hôm 13.4, bà Noem nhắc đến những triển vọng về việc phát triển thuốc đặc trị virus.
Có thể nói, những gì xảy ra ở South Dakota cho thấy không một nơi nào trên đất Mỹ miễn nhiễm với Covid-19. Hiện vẫn còn bang South Dakota và 4 bang khác chưa ban bố quy định buộc người dân ở nhà.
Đầu tháng 4, thành phố Sioux Falls chỉ có vài ca nhiễm Covid-19, mọi chuyện vẫn trôi qua như bình thường. Nhưng ổ dịch bùng phát tại nhà máy có 3.700 công nhân, chế biến tới 18 triệu sản phẩm từ thịt lợn mỗi ngày đã đảo lộn tất cả.
Hôm 13.4, thêm 57 công nhân tại nhà máy nhiễm Covid-19, nâng tổng số người nhiễm virus ở ổ dịch này lên con số 300. Ngoài South Dakota, chỉ có ổ dịch tại một nhà tù ở Chicago và ổ dịch trên tàu sân bay Mỹ là có số ca nhiễm Covid-19 lớn hơn.
Tổng cộng bang South Dakota hiện có 868 ca nhiễm Covid-19 và 6 người tử vong. Một con số tương đối lớn ở bang có 900.000 người sinh sống, theo Washington Post.
Nhà máy sản xuất và chế biến thịt lợn có 300 ca nhiễm Covid-19 ở bang South Dakota đã phải tạm đóng cửa.
Trước khi công ty chế biến thịt lợn đóng cửa, các công nhân đã phàn nàn rằng họ không hề được hỗ trợ bất cứ phương tiện bảo hộ nào. Các công nhân nói họ phải làm việc trong môi trường tập trung đông người nên không có cách nào giữ gìn được sức khỏe.
“Không hề có giãn cách xã hội ở đó”, Lily, một người nhập cư Mexico, 30 tuổi, nói. Lily đã làm việc ở nhà máy được nhiều năm nhưng nay nghỉ việc vì lo ngại mình sẽ đem virus lây nhiễm cho cả chồng và con.
Lily cũng cho rằng tình hình ở thành phố tồi tệ hơn nhiều. “Nhiều người bị ốm trên khắp thành phố, không chỉ ở khu nhà máy”, cô nói.
Sioux Falls là thành phố lớn nhất bang South Dakota với khoảng 200.000 người sinh sống. Thị trưởng TenHaken nói mình đã làm tất cả những gì có thể để khuyến cáo người dân nên hạn chế ra đường, các nhà hàng chỉ phục vụ thực khách mua về và khuyến cáo các loại hình kinh doanh không thiết yếu đóng cửa.
Một vấn đề khác là một mình thành phố Sioux Falls áp đặt các quy định giãn cách xã hội không có tác dụng, bởi người dân chỉ đơn giản lái xe sang thành phố khác ăn uống, tụ tập rồi lại về nhà.
“Không có phản ứng đồng nhất của bang, tôi lo ngại tình hình sẽ còn trở nên tệ hơn”, thị trưởng TenHaken nói. “Virus Corona không hề biết đến ranh giới, không coi thành phố là giới hạn. Chúng tôi sẽ làm những gì tốt nhất có thể nhưng thực sự không có nhiều lựa chọn”.
Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19: - Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi. - Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác. - Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế. - Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 19003228 và 19009095. |
Theo số liệu thống kê của Reuters và Đại học Johns Hopkins, Mỹ ghi nhận hơn 23.000 ca tử vong vì Covid-19 tính tới ngày 14/4....
Nguồn: [Link nguồn]