Mỹ nói sẵn sàng chấp nhận Ukraine trung lập, không gia nhập NATO
Phát biểu trước các nghị sĩ Thượng viện ở Washington, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết, trung lập hay gia nhập NATO hoàn toàn là quyết định của riêng Ukraine.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trong phiên điều trần hôm 26.4 (ảnh: RT)
Xung đột Ukraine – Nga và phản ứng của Mỹ là nội dung chính trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ của Ngoại trưởng Antony Blinken hôm 26.4.
Trong phiên điều trần, Thượng nghị sĩ Mỹ Rand Paul đã bày tỏ lo ngại về việc Kiev có thể cảm thấy bị thúc ép khi “hơn một nửa số thành viên của Thượng viện” muốn Ukraine gia nhập NATO.
Ông Rand Paul đặt câu hỏi rằng, với những gói viện trợ quân sự như hiện tại, liệu Mỹ có thể chấp nhận Ukraine trở thành quốc gia trung lập và không phải thành viên của NATO?
“Mỹ sẽ không lựa chọn thay cho Ukraine. Đây là quyết định của riêng họ. Mục đích của những gói viện trợ quân sự chỉ là giúp Ukraine kháng cự Nga và nâng cao vị thế của họ trên bàn đàm phán”, ông Blinken trả lời.
Ông Blinken nhấn mạnh, Mỹ “hoàn toàn có thể chấp nhận” việc Ukraine trở thành quốc gia trung lập, không liên kết quân sự và cũng không gia nhập NATO.
Nhận xét về các cuộc đàm phán giữa Ukraine với Nga nhằm chấm dứt xung đột, ông Blinken cho rằng, Mỹ “không thấy dấu hiệu nào” cho thấy Moscow đang “nghiêm túc”.
“Tuy nhiên, nếu Ukraine tham gia đàm phán, chúng tôi vẫn sẽ ủng hộ họ”, ông Blinken nói.
Phát biểu trước Thượng viện Mỹ, ông Blinken cho rằng, việc Ukraine gia nhập NATO không liên quan gì đến cuộc xung đột giữa nước này với Nga.
“Cuộc xung đột hiện nay ở Ukraine không liên quan gì đến việc nước này có nguyện vọng trở thành một phần của NATO”, ông Blinken nói.
Cùng ngày, trong cuộc họp với hơn 40 nước đồng minh và đối tác tại căn cứ không quân Ramstein ở Đức, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho rằng, Ukraine có thể sớm nối lại mục tiêu gia nhập NATO.
“Tôi tin rằng trong tương lai, khả năng đó có thể xảy ra. Tôi tin Ukraine sẽ thêm một lần nữa nộp đơn xin gia nhập NATO”, ông Austin phát biểu.
Một lô thiết bị quân sự viện trợ cho Ukraine trên máy bay Mỹ (ảnh: AP)
Trước đó, hôm 24.4, trong khuôn khổ chuyến thăm Ukraine, ông Blinken cho biết, Mỹ sẽ gửi gói viện trợ quân sự mới trị giá 713 triệu USD cho Ukraine và 15 quốc gia đồng minh cũng như các đối tác. Trong đó, khoảng 322 triệu USD dành cho Kiev, phần còn lại sẽ được chia cho các thành viên NATO và các nước khác đã cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine.
Theo Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, sẽ rất ít có khả năng về một cuộc đàm phán hòa bình thành công giữa Moscow và Kiev, nếu phương Tây tiếp tục “bơm” vũ khí cho Ukraine.
“Nếu phương Tây tiếp tục cung cấp vũ khí số lượng lớn cho Ukraine, các cuộc đàm phán giữa Moscow và Kiev sẽ thất bại”, ông Sergey Lavrov phát biểu hôm 26.4.
Gazprom – tập đoàn năng lượng khổng lồ của Nga – cho biết, sau khi Ba Lan và Bulgaria bị ngừng cung cấp khí đốt, quốc gia nào hỗ trợ 2 nước này có thể lãnh hậu quả.
Nguồn: [Link nguồn]