Mỹ nói gì khi Trung Quốc phóng tên lửa đạn đạo chống hạm trên Biển Đông?
Hôm 2/7, Lầu Năm Góc nhấn mạnh vụ phóng thử tên lửa trên Biển Đông mà quân đội Trung Quốc tiến hành mới đây đã “làm xáo trộn” tình hình và trái với cam kết của Bắc Kinh về việc không quân sự hóa trong khu vực.
Biển Đông hiện là một trong những điểm nóng gây căng thẳng quan hệ Mỹ - Trung bên cạnh cuộc chiến thương mại cùng lệnh trừng phạt của Mỹ và vấn đề Đài Loan.
Trung Quốc phóng thử tên lửa đạn đạo chống hạm trên Biển Đông hồi cuối tuần qua. (Ảnh minh họa)
Trong thời gian qua, Mỹ - Trung từng nhiều lần khẩu chiến khi Washington lên tiếng chỉ trích Bắc Kinh tiến hành quân sự hóa ở Biển Đông bằng việc triển khai hàng loạt vũ khí ra các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép trước đó.
Reuters đưa tin, một quan chức Mỹ giấu tên cho hay Trung Quốc đã thử loạt tên lửa đạn đạo chống hạm hồi cuối tuần qua.
Còn phát ngôn viên Lầu Năm Góc Dave Eastburn nhấn mạnh, “Dĩ nhiên, Lầu Năm Góc biết được việc Trung Quốc phóng tên lửa từ đảo nhân tạo ở Biển Đông và gần quần đảo Trường Sa”.
“Tuyên bố của tôi không đại diện cho bất cứ quốc gia nào có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông. Nhưng chúng tôi chắc chắn một điều là hành động của Trung Quốc đã đi ngược lại với lời cam kết duy trì nền hòa bình trong khu vực và dĩ nhiên hành động này mang tính bắt nạt các nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông”, ông Eastburn nói.
Cho tới nay, Trung Quốc vẫn chưa lên tiếng xác nhận tiến hành phóng thử tên lửa đạn đạo chống hạm trên Biển Đông. Hôm 2/7, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng từ chối đưa ra lời bình luận.
Trong khi đó, chính phủ Trung Quốc thông báo quân đội nước này đang tiến hành các cuộc tập trận ở khu vực nằm giữa quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam). Cuộc tập trận kéo dài 5 ngày của quân đội Trung Quốc từ ngày 29/6 - 3/7. Ngoài ra, hoạt động đi lại của các tàu thuyền trong khu vực quân đội Trung Quốc tập trận đều bị phong tỏa.
Lâu nay, Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền trên phần lớn diện tích Biển Đông, tuyến đường biển chiến lược mang lại giá trị thương mại lên tới 5 ngàn tỷ USD mỗi năm. Thậm chí, để hiện thực hóa những tuyên bố chủ quyền phi lý, Trung Quốc đã cho tăng cường cải tạo, xây dựng hàng loạt hòn đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam). Bắc Kinh còn tiến hành quân sự hóa Biển Đông bằng cách triển khai vũ khí ra một số đảo nhân tạo.
Đáp trả, Mỹ tuyên bố tiếp tục điều tàu thuyền tới Biển Đông để tiến hành hoạt động tuần tra đảm bảo tự do hàng hải trên tuyến biển chiến lược bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của Trung Quốc.
Trước đó, NBC News đưa tin, giới chức Mỹ cho hay các tàu chiến Mỹ có mặt trên Biển Đông không hoạt động gần khu vực Trung Quốc phóng thử tên lửa chống hạm hồi cuối tuần qua, nên không gặp nguy hiểm.
Điều đáng nói, vị quan chức Mỹ không thể xác định liệu vụ phóng thử tên lửa chống hạm có chứng minh được năng lực mới của quân đội Trung Quốc hay không.
Trung Quốc đã thực hiện vụ thử nghiệm đầu tiên vào cuối tuần qua và bắn ra ít nhất một tên lửa xuống biển.