Mỹ nỗ lực trấn an châu Á sau khi ông Biden rút tranh cử

Chuyến công du của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhằm mục đích trấn an châu Á trong bối cảnh các đồng minh và đối tác khu vực lo lắng về chính sách đối ngoại của Washington sau cuộc bầu cử tổng thống năm 2024.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đang có chuyến công du 10 ngày tới 6 quốc gia châu Á, từ ngày 25-7 đến 3-8. Đây là chuyến công du nước ngoài dài ngày nhất của ông Blinken cho đến nay. Chuyến đi của ông Blinken diễn ra sau khi đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố dừng chiến dịch tái tranh cử. Do đó, giới quan sát nhận định chuyến công du này nhằm mục đích trấn an châu Á.

Tính đến ngày 31-7, ông Blinken đã đến thăm Lào, Việt Nam, Nhật, Philippines, Singapore và sau đó, ngoại trưởng Mỹ sẽ thăm Mông Cổ.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Ảnh: REUTERS

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Ảnh: REUTERS

Chuyến công du châu Á dài ngày nhất

Điểm đến đầu tiên trong chuyến công du dài ngày của Ngoại trưởng Blinken tới châu Á là Lào để tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) hôm 27-7. Tại hội nghị, ông Blinken khẳng định ASEAN là trọng tâm của Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ, cam kết sâu sắc vào vai trò trung tâm của ASEAN cũng như ủng hộ mạnh mẽ Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, theo trang web Bộ Ngoại giao Mỹ.

Tại Việt Nam, tối 27-7 tại căn nhà của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nằm trên phố Thiền Quang, Hà Nội, Ngoại trưởng Blinken cùng phái đoàn Mỹ do Tổng thống Biden cử đã đến thắp hương viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và chia buồn với Phu nhân Ngô Thị Mận cùng gia quyến của Tổng Bí thư, theo Báo điện tử Chính phủ.

Rời Hà Nội, ông Blinken tới Nhật để tham dự cuộc hội đàm theo thể thức "2+2" giữa các ngoại trưởng và bộ trưởng quốc phòng Mỹ và Nhật ngày 28-7. Nổi bật nhất trong cuộc hội đàm là việc Mỹ và Nhật nhất trí nâng cấp bộ chỉ huy các lực lượng Mỹ đồn trú ở Nhật nhằm để phối hợp tốt hơn liên minh song phương, đồng thời mở rộng hợp tác trong các dự án chung về sản xuất hệ thống tên lửa phòng không, theo hãng thông tấn Kyodo News.

Trong cuộc họp báo sau hội đàm, khi được hỏi về tác động có thể xảy ra của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ với khả năng cựu Tổng thống Donald Trump quay lại Nhà Trắng, ông Blinken nhấn mạnh liên minh Mỹ - Nhật vững mạnh "sẽ được duy trì bất kể kết quả" của cuộc bầu cử.

Ngày 29-7, tại Nhật, Ngoại trưởng Blinken cùng những người đồng cấp Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar, Nhật Yoko Kamikawa, Úc Penny Wong họp hội nghị Ngoại trưởng Bộ tứ kim cương (QUAD). Trong tuyên bố chung, các ngoại trưởng khẳng định “cam kết kiên định của QUAD đối với một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, bao trùm và kiên cường, và thống nhất trong cam kết duy trì trật tự quốc tế tự do và rộng mở dựa trên luật lệ”.

Tại thủ đô Manila hôm 30-7, Ngoại trưởng Blinken, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã cùng Ngoại trưởng Philippines - ông Enrique Manalo và Bộ trưởng Quốc phòng Philippines - ông Gilberto Teodoro hội đàm an ninh "2+2”. Tại đây, các bộ trưởng hai nước tái khẳng định tầm quan trọng của liên minh an ninh và các cam kết chung theo Hiệp ước Phòng thủ chung Mỹ-Philippines năm 1951.

Sau cuộc hội đàm, ông Blinken xác nhận Mỹ sẽ phân bổ thêm 500 triệu USD viện trợ quân sự nước ngoài cho Philippines để nâng cấp thiết bị quân sự và bảo vệ bờ biển của Manila, theo Kyodo News. Khoản viện trợ bổ sung này là một phần trong gói viện trợ quân sự nước ngoài trị giá 2 tỉ USD đã được quốc hội Mỹ phê duyệt hồi tháng 4.

Tối 30-7, ông Blinken đã đến Singapore, bắt đầu chuyến thăm hai ngày tới quốc gia Đông Nam Á này. Theo kênh Channel News Asia, Ngoại trưởng Blinken sẽ gặp loạt quan chức cấp cao của Singapore gồm Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Lawrence Wong, Bộ trưởng cấp cao Lý Hiển Long và Ngoại trưởng Vivian Balakrishnan, cũng như đồng chủ trì Đối thoại Công nghệ quan trọng và mới nổi (CET).

Trong ba năm rưỡi, Tổng thống Mỹ Joe Biden và các phụ tá của ông đã nhấn mạnh rằng Mỹ là một cường quốc Thái Bình Dương và các đồng minh cũng như đối tác của nước này trong khu vực không cần phải lo lắng về các cam kết của Washington, theo tờ New York Times.

Thông điệp trấn an châu Á

Trước thềm chuyến thăm, Trợ lý ngoại trưởng Mỹ về khu vực châu Á - Thái Bình Dương Daniel Kritenbrink cho hay ông Blinken sẽ nói một cách “rõ ràng và to lớn” rằng cam kết của Washington đối với châu Á vẫn không thay đổi, bất kể quyết định chấm dứt nỗ lực tái tranh cử của Tổng thống Biden, theo Kyodo News.

"Tôi nghĩ thông điệp mà ngoại trưởng muốn truyền tải đến khu vực này là Mỹ hoàn toàn ủng hộ khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” - ông Kritenbrink cho hay.

Mỹ nỗ lực trấn an châu Á sau khi ông Biden rút tranh cử - 2

(từ trái sang): Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Ngoại trưởng Philippines Enrique Manalo và Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilberto Teodoro tại Philippines hôm 30-7. Ảnh: REUTERS

Chuyến công du của ông Blinken diễn ra trong bối cảnh ông Biden rút tranh cử và Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tuyên bố đứng ra thay đương kim tổng thống tham gia cuộc đua Nhà Trắng. Cho đến hiện tại, bà Harris dường như chắc suất đại diện đảng Dân chủ ra đối đầu với ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống.

Như vậy, chủ nhân Nhà Trắng từ ngày 20-1-2025 sẽ là bà Harris với sự tiếp tục chính sách đối ngoại của ông Biden hoặc là ông Trump với phong cách ngoại giao "khó đoán trước". Chính trong bối cảnh này, chuyến thăm của ông Blinken tới loạt nước châu Á được giới quan sát nhận định là chuyến đi mang thông điệp trấn an các đồng minh và đối tác trong khu vực về sự cam kết của Washington.

Dù vậy, câu hỏi lớn từ các đồng minh phủ bóng trong chuyến công du của ông Blinken đó là: “Bắt đầu từ năm sau, liệu Mỹ có đầu tư đáng kể vào châu Á, cả về mặt kinh tế và quân sự, hay không? Ông Blinken có thể lập luận rằng chính sách đối ngoại của bà Harris sẽ là sự tiếp nối của ông Biden, nhưng ông không thể nói về chính sách của ông Trump, theo tờ New York Times.

“Thành thật mà nói, đây sẽ là một nhiệm vụ đầy thách thức vì các quốc gia trong khu vực, bao gồm Trung Quốc, đang nhìn xa hơn chính quyền ông Biden và nghĩ đến tương lai” - bà Yun Sun, Giám đốc chương trình Trung Quốc tại Trung tâm Stimson (Mỹ), nhận định.

Đông Nam Á và viễn cảnh Trump 2.0

Theo giới quan sát, các quốc gia Đông Nam Á đang theo dõi cuộc bầu cử Mỹ năm 2024 với nỗi lo lắng về sự trở lại của ông Trump có thể làm đảo lộn cục diện địa chính trị một lần nữa, theo tờ South China Morning Post.

Theo ông Hunter Marston - nhà nghiên cứu về Đông Nam Á tại ĐH Quốc gia Úc, mối quan tâm chính là liệu nếu đắc cử, ông Trump có đưa ra "các quyết định chính sách hấp tấp" về các vấn đề liên quan Đài Loan và Trung Quốc hay không vì điều này có thể gây mất ổn định đáng kể và kéo các nước Đông Nam Á vào một cuộc đối đầu địa chính trị nguy hiểm.

"Có thể có lý do để lo lắng về các cam kết liên minh tiềm tàng và uy tín của Mỹ để bảo vệ một số đối tác Đông Nam Á" - ông Marston nói.

Các chuyên gia cho rằng lợi ích của Mỹ ở Đông Nam Á chủ yếu tập trung vào việc cân bằng sức mạnh quân sự và ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.

Theo chuyên gia Marston, nếu ông Trump quay trở lại Nhà Trắng, ông ấy có thể sẽ quay lại với “mô hình bỏ bê vô hại” đối với Đông Nam Á. Dù vậy, ông Marston cho rằng các nhà lãnh đạo khu vực hiện đã chuẩn bị tốt hơn để quản lý các thay đổi chính sách của Mỹ bất kể ai ngồi trong Phòng Bầu dục.

Nguồn: [Link nguồn]

Triều Tiên muốn nối lại đàm phán hạt nhân với Mỹ nếu ông Donald Trump tái đắc cử tổng thống và đang chuẩn bị một chiến lược đàm phán mới, Reuters dẫn lời một nhà ngoại giao cấp cao của Triều Tiên mới chạy sang Hàn Quốc cho biết.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo VĨNH KHANG ([Tên nguồn])
Tin tức Mỹ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN