Mỹ chỉ trích mạnh mẽ vì bị hạ bậc tín dụng
Cơ quan xếp hạng tín dụng Fitch (Mỹ) đã hạ bậc xếp hạng tín dụng của Mỹ do nợ công ngày càng tăng và “sự suy giảm trong các tiêu chuẩn quản trị”, động thái khiến Nhà Trắng phản đối gay gắt.
Fitch, một trong 3 cơ quan xếp hạng tín dụng lớn, hôm 1-8 đã hạ xếp hạng tín dụng của chính phủ Mỹ xuống AA+ từ AAA (mức xếp hạng cao nhất).
Việc bị xếp hạng tín dụng thấp hơn có thể làm tăng chi phí vay của chính phủ Mỹ trong tương lai.
Mỹ bị Fitch hạ bậc sau khi Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa hồi tháng 6 đạt được thỏa thuận tránh vỡ nợ. Ảnh: Reuters
Mỹ bị Fitch hạ bậc sau khi Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa hồi tháng 6 đạt được thỏa thuận tránh vỡ nợ bằng cách hoãn trần nợ công 31,4 ngàn tỉ USD sau nhiều tháng tranh cãi về thuế và chi tiêu.
Thỏa thuận được đưa ra vào phút cuối sau khi Đảng Cộng hòa sử dụng vấn đề này để mặc cả, nhằm gây áp lực buộc Tổng thống Joe Biden cắt giảm chi tiêu cho các ưu tiên chính sách của Đảng Dân chủ.
Fitch đã trích dẫn sự phân cực ngày càng tăng về chính sách chi tiêu và thuế, dẫn đến sự bế tắc về trần nợ nhiều lần và các giải pháp chỉ được đưa ra vào phút cuối là lý do chính cho việc hạ bậc xếp hạng tín dụng.
Fitch cho biết: "Việc hạ xếp hạng Mỹ phản ánh sự suy thoái tài chính dự kiến trong 3 năm tới, gánh nặng nợ công của chính phủ cao và ngày càng tăng, cũng như sự xói mòn về quản trị".
Cơ quan xếp hạng tín dụng này cho hay: "Theo quan điểm của Fitch, Mỹ đã có sự suy giảm liên tục trong các tiêu chuẩn quản trị trong 20 năm qua, bao gồm các vấn đề tài chính và nợ, bất chấp thỏa thuận lưỡng đảng hồi tháng 6 về việc hoãn trần nợ công cho đến tháng 1-2025".
Fitch cũng chỉ ra việc Mỹ thiếu "khuôn khổ tài chính trung hạn" và "tiến độ hạn chế" trong việc giải quyết những thách thức phát sinh từ chi phí an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng do dân số già.
Hãng tin AP cũng dẫn nguồn thạo tin cho biết Fitch đã nói với các quan chức chính quyền ông Biden rằng cuộc bạo loạn ngày 6-1-2021 tại Quốc hội Mỹ cũng là một yếu tố dẫn đến việc hạ bậc.
Phản ứng động thái của Fitch, các quan chức chính quyền ông Biden chỉ trích mạnh mẽ việc hạ bậc tín dụng. Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen gọi quyết định này là "tùy ý" dựa trên thông tin lỗi thời.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho rằng quyết định của Fitch "bất chấp thực tế" khi Mỹ đang có sự phục hồi mạnh mẽ nhất so với bất kỳ nền kinh tế lớn nào trên thế giới, đồng thời cáo buộc đảng Cộng hòa mới là mối đe dọa đối với nền kinh tế.
Nguồn: [Link nguồn]
Chuỗi 31 ngày nóng kỷ lục của TP Phoenix, bang Arizona - Mỹ đã kết thúc vào ngày 31-7 (giờ địa phương).