Mỹ nhân Trung Hoa cướp ngôi hoàng hậu, gian dâm với người hầu sau lưng hoàng đế
Trong lịch sử phong kiến Trung Hoa, có một mỹ nhân gây ra tai tiếng chấn động, khi dùng mọi thủ đoạn để bước lên đỉnh cao danh vọng, rồi lại lén lút quan hệ với người hầu sau lưng hoàng đế.
Phùng Hoàng hậu thời Bắc Ngụy là một trong những hoàng hậu gây ra nhiều tai tiếng trong lịch sử phong kiến Trung Hoa.
Mỹ nhân này tên là Phùng Nhuận, hay còn được biết đến trong lịch sử là Phùng hoàng hậu, vợ của hoàng đế Hiếu Văn Đế nhà Bắc Ngụytrong giai đoạn Nam Bắc triều.
Giành ngôi hoàng hậu với em gái
Theo trang mạng chuyên về lịch sử Trung Quốc Qulishi, Phùng Nhuận sinh năm 469, trước khi được đưa vào cung vốn là cháu gái của Phùng Thái Hậu. Xét theo vai vế trong gia tộc, Phùng Nhuận có thể được gọi là chị họ của hoàng đế.
Tuy vậy, Phùng Nhuận kém Hiếu Văn Đế 2 tuổi, nên xét về tuổi tác thì vẫn tương đối phù hợp.
Năm 483, khi mới 14 tuổi, nàng và em gái cùng cha khác mẹ nhập cung làm phi tần của hoàng đế, trở thành mỹ nhân hàng đầu trong hậu cung. Phùng Nhuận được mô tả là người xinh đẹp phi thường, có nhan sắc “nghiêng nước nghiêng thành”, lại đặc biệt thông minh và có những sở thích đồng điệu với hoàng đế.
Hiếu Văn Đế cũng rất cưng chiều Phùng Nhuận và dành nhiều thời gian cho phi tần này. Nhưng rào cản ngăn Phùng Nhuận lên ngôi hoàng hậu là vì Phùng Thái Hậu đã chọn em gái Phùng Thanh, chứ không phải nàng.
Sau khi Phùng Thái Hậu qua đời, em gái Phùng Thanh trở thành hoàng hậu. Lúc bấy giờ, Phùng Nhuận mắc chứng bệnh kỳ lạ, đôi lúc ho ra máu nên đành rời cung dưỡng bệnh.
Phùng Nhuận cướp ngôi của em gái, lại gian dâm với người hầu gây chấn động lịch sử Trung Hoa.
Tại quê nhà, Phùng Nhuận nhờ cậy một gã thần y họ Cao, tự là Bồ Tát chữa bệnh. Hai người dần dần bí mật qua lại với nhau, có mối quan hệ trên mức bình thường.
Một năm sau, năm 494, Phùng Nhuận quay trở lại cung, được phong làm chiêu nghi, có địa vị chỉ xếp sau hoàng hậu. Cao Bồ Tát cũng theo vào cung với tư cách là người hầu, lén lút gần gũi vào những lúc Hiếu Văn Đế không chú ý.
Từ khi về cung, Phùng Nhuận được hoàng đế sủng ái vượt xa so với trước, khiến các phi tần khác bị ghẻ lạnh, kể cả hoàng hậu.
Phùng Nhuận cho rằng mình là chị, không chấp nhận vai vế kém hơn nên tìm mọi cách để cạnh tranh ngôi hoàng hậu với em gái. Hai năm sau, năm 496, Hiếu Văn Đế ra chiếu phế truất Phùng Thanh, buộc sống ở chùa làm ni cô đến hết đời.
Năm 497, Hiếu Văn Đế lập Phùng Nhuận làm hoàng hậu, biến nàng trở thành người phụ nữ cao quý nhất thiên hạ.
Gây rung động cung cấm và kết cục bi thảm
Trước mặt hoàng đế, Phùng Hoàng hậu luôn tỏ vẻ nghe lời, hành vi nền nã, giọng nói mềm mại. Nhưng một khi hoàng đế rời cung, Phùng Hoàng hậu lập tức chuyển sang bộ mặt khác.
Phùng Hoàng hậu được cho là đã đầu độc chết Cao mỹ nhân, là phi tần sinh ra thái tử Nguyên Khác và đem nhận thái tử về nuôi.
Mùa thu năm 497, Hiếu Văn Đế đích thân dẫn đại quân tiến đánh Nam Tề, tập trung vào Uyển Thành nay thuộc Nam Dương (tỉnh Hà Nam, Trung Quốc).
Trong khi Hiếu Văn Đế vắng mặt, Phùng Hoàng hậu công khai mối quan hệ với Cao Bồ Tát, gã thần y được đưa vào cung với vai trò hầu cận.
Phùng Hoàng hậu và Cao Bồ Tát ra sức xây dựng thế lực riêng trong cung, gây sức ép khiến những người biết chuyện hoàng hậu gian dâm không dám hé nửa lời.
Mọi chuyện cứ như vậy cho đến khi Phùng Hoàng hậu gây chuyện vớicông chúa Bành Thành, em gái Hiếu Văn Đế.
Em trai ruột của Phùng Nhuận là Phùng Túc rất si mê Bành Thành, nhiều lần ngỏ lời đều bị từ chối. Phùng Hoàng hậu nghĩ rằng mình có quyền lực thì có thể cưỡng ép mối nhân duyên này.
Công chúa trong lúc kinh hãi đem chuyện Phùng Hoàng hậu gian dâm ra nói với Hiếu Văn Đế. Hoàng đế nghe xong, vừa sững sờ vừa giận dữ, nhưng cho rằng em gái vì không muốn cưới Phùng Túc nên mới nghĩ ra chuyện này.
Phùng Nhuận trong những năm cuối đời bị biệt giam trong cung.
Phùng Hoàng hậu được tai mắt báo lại rằng hoàng đế đã sinh nghi, tìm gặp mẹ đẻ để tìm cách ám hại hoàng đế. Hai mẹ con họ Phùng mời một nữ phù thủy vào cung tìm cách yểm bùa, nguyền rủa Hiếu Văn Đế.
Hoàng hậu còn chuẩn bị một thanh kiếm mang theo người, nghĩ rằng khi có cơ hội sẽ ra tay. Nhưng không ngờ rằng hoàng đế đã hành động trước.
Một lần nọ, sau khi bất ngờ quay trở về kinh thành Lạc Dương, Hiếu Văn Đế ra lệnh bắt Cao Bồ Tát và toàn bộ người thân tín của hắn. Tối hôm đó, hoàng đế tra hỏi, bắt Cao Bồ Tát khai hết những chuyện dâm loạn với hoàng hậu rồi sai người đem giết.
Riêng với Phùng Hoàng hậu, hoàng đế nể là người nhà họ Phùng nên không ra lệnh giết, chỉ biệt giam trong cung.
Theo Ngụy thư, cuốn sách ghi chép lịch sử nhà Bắc Ngụy, Hiếu Văn Đế nói: “Ta nể cô là người nhà họ Phùng mà không phế truất, chỉ giam trong cung. Nếu như cô còn chút liêm sỉ nào thì ắt tự biết mà tìm cái chết. Đừng nghĩ rằng ta còn tình cảm gì với cô".
Năm 499, Hiếu Văn Đế đột ngột ốm nặng rồi qua đời ở tuổi 32. Trước khi băng hà, ông sai người ép Phùng Hoàng hậu uống thuốc độc để phòng trừ hậu họa, nhưng cho phép an táng theo nghi thức hoàng hậu.
Theo Ngụy Thư, Phùng Hoàng hậu nhất định không chịu uống thuốc độc, buộc các thủ hạ phải dùng biện pháp mạnh khống chế, đổ thuốc độc vào miệng.
Đến cuối cùng, hoàng hậu gây ra không ít thị phi của triều đại Bắc Ngụy trải qua cái chết đầy đau đớn.
__________________
Thời phong kiến Trung Hoa, hoàng đế được coi là người nắm quyền lực tối thượng, được gọi là Thiên tử (con trời), nắm trong tay quyền sinh sát. Vậy mà có một hoàng hậu cả gan đến mức dám tát hoàng đế dù không cố tình, trong một lần đánh ghen. Kết cục câu chuyện này ra sao? Mời độc giả đón đọc bài kỳ 3 xuất bản 19h ngày 3.5 trên mục Thế giới.
Trong giai đoạn phong kiến Trung Quốc, có một mỹ nhân dung mạo xinh đẹp khác người, làm điều không ai dám làm dù có thể mất mạng, sau này trở thành Thái hậu lũng đoạn triều...
Nguồn: [Link nguồn]