Mỹ: Nhân vật ông Trump “không thể động tới” dù sắp trở lại Nhà Trắng
Ngay sau khi Donald Trump được xác nhận là Tổng thống đắc cử, mối quan hệ căng thẳng giữa ông và Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell lại trở thành chủ đề được quan tâm.
Ông Trump và Chủ tịch FED Jerome Powell từng có mối quan hệ căng thẳng. Ảnh: Reuters.
Hãy tưởng tượng bạn đang làm một công việc mà yêu thích nhưng có một ông chủ mà bạn cảm thấy không hợp. Tuy nhiên, bạn vẫn kiên trì, bởi vì sau cùng, đó là công việc mơ ước của bạn.
Rồi một ngày, ông chủ của bạn nghỉ việc và mọi thứ bắt đầu trở nên tốt hơn rất nhiều. Và rồi, bạn nhận tin ông chủ sẽ quay trở lại. Về cơ bản, đó là những gì Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell đang trải qua khi Tổng thống đắc cử Donald Trump sắp trở lại Nhà Trắng, CNN bình luận.
Căng thẳng ngay từ đầu
Trong cuộc họp báo sau phiên họp của FED vào ngày 7/11, một phóng viên hỏi Powell liệu ông có từ chức nếu Tổng thống Trump yêu cầu hay không. Powell không ngần ngại trả lời ngắn gọn: “Không”.
Khi một phóng viên tiếp tục hỏi liệu Tổng thống đắc cử có thể sa thải ông, Powell lập tức khẳng định: “Điều này là không được phép theo luật”. Cách trả lời ngắn gọn và dứt khoát của Powell thể hiện rõ ràng ông không có ý định nhượng bộ hay thay đổi quyết định.
Quyền lực và sự độc lập của FED
Theo CNN, Chủ tịch FED Jerome Powell không phải là người chịu sự chi phối của ông Trump hay bất cứ tổng thống Mỹ nào, dù ông được ông Trump bổ nhiệm ông Powell vào vị trí này vào năm 2017.
Nguyên nhân là vì người đứng đầu ngân hàng trung ương Mỹ chỉ có thể bị sa thải “vì lí do hợp pháp”. Tuy nhiên, khái niệm “lí do hợp pháp” chưa được định nghĩa rõ ràng và không đơn giản chỉ là mâu thuẫn với tổng thống. Nếu cần thiết, Tòa án Tối cao sẽ là cơ quan có quyền quyết định cuối cùng.
Với quy định này, ông Powell có thể tiếp tục đảm nhiệm chức vụ cho đến hết nhiệm kỳ vào năm 2026, bất chấp những căng thẳng với ông Trump trong quá khứ.
Mâu thuẫn giữa ông Trump và Chủ tịch FED
Trong những năm đầu nắm quyền, ông Trump đã nhiều lần đe dọa sa thải Powell. Vào tháng 3 năm 2020, khi thị trường tài chính gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19, Trump tuyên bố ông có quyền sa thải Powell vì những quyết định được coi là “sai lầm”.
Tuy nhiên, các quan chức của FED giải thích không thể đưa ra các quyết định chính sách dựa vào sự thay đổi của thị trường chứng khoán, vì điều này có thể ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác ngoài lãi suất.
Hiện tại, ông Trump có vẻ sẵn sàng để ông Powell hoàn thành nhiệm kỳ còn lại. Tuy nhiên, ông Trump có thể vẫn muốn có ảnh hưởng trong việc quyết định các chính sách lãi suất của FED. Trong một cuộc họp báo vào tháng 8, ông Trump nói: “Tôi cảm thấy Tổng thống ít nhất phải có quyền phát biểu về các quyết định về lãi suất”.
Ông Trump từng tuyên bố có “trực giác tốt hơn” về chính sách lãi suất so với những lãnh đạo của FED và vì vậy ông có quyền yêu cầu FED xem xét lại các quyết định lãi suất. Tuy nhiên, đây là một sự vi phạm nguyên tắc độc lập của FED, một nguyên tắc mà FED đã duy trì trong hơn 70 năm qua.
Mặc dù vậy, với việc Đảng Cộng hòa có thể kiểm soát cả Hạ viện và Thượng viện và với sáu trong số chín thẩm phán Tòa án Tối cao là do các tổng thống đảng Cộng hòa bổ nhiệm, khả năng Trump có thể ảnh hưởng đến chính sách của FED không phải là không có, CNN nhận định.
Những động thái điều chỉnh của ông Trump
Sau khi gặp phải phản ứng dữ dội từ giới truyền thông, ông Trump đã cố gắng điều chỉnh lại phát ngôn. Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Bloomberg, ông nói: “Một tổng thống chắc chắn có thể nói về lãi suất, vì tôi nghĩ tôi có trực giác rất tốt về vấn đề này. Điều đó không có nghĩa là tôi đang ra lệnh, nhưng tôi có quyền được phát biểu về nó như bất kì ai khác”.
Trump tiếp tục nói thêm rằng ông không muốn “ra lệnh” cho FED nhưng vẫn muốn có quyền đưa ra ý kiến về lãi suất.
Nguồn: [Link nguồn]
Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump hôm 7/11 thông báo lựa chọn bà Susie Wiles, cố vấn chiến dịch tranh cử, làm Chánh văn phòng Nhà Trắng trong nhiệm kỳ...