Mỹ: Nhà tâm lý học làm thí nghiệm quái dị với con đẻ và tinh tinh
Sau khi chào đời được 10 tháng, cậu bé Donald đã trở thành "chuột bạch" cho thí nghiệm của bố mẹ - là những nhà tâm lý học. Thí nghiệm chỉ dừng lại sau khi Donald có những hành vi bất thường.
Gua và Donald. Ảnh: AV Geeks
Theo Daily Star, Donald là con trai của hai nhà tâm lý học Winthrop và Luella Kellogg.
Năm 1931, Winthrop và Luella mang về nhà một con tinh tinh non với mục đích kỳ dị - biến nó thành "em gái" của Donald.
Con tinh tinh non, được đặt tên là Gua, dự kiến tham gia vào thí nghiệm kỳ quái kéo dài 5 năm của cặp vợ chồng. Nó sẽ được nuôi dưỡng cùng Donald trong môi trường của con người.
Thời điểm thí nghiệm bắt đầu, Gua 7 tháng tuổi còn Donald là 10 tháng tuổi.
Thí nghiệm này được mô tả như một phép thử so sánh để xem phản ứng của một con người và tinh tinh sẽ ra sao khi sống trong cùng môi trường.
Gua và Donald được nuôi dưỡng cùng nhau. Ảnh: AV Geeks
Winthrop và Luella nói chuyện với cả hai và xem chúng như hai đứa trẻ bình thường. Gua và Donald ngủ trên những chiếc giường giống nhau và chơi đồ chơi giống nhau.
Một đứa trẻ và một con tinh tinh được cho ăn, mặc đồ và làm mọi hoạt động giống nhau để có thể so sánh sự khác biệt.
Tuy nhiên, một số phép thử mà 2 nhà tâm lý đưa ra được cho là chưa phù hợp. Một video cho thấy phản ứng của Donald và Gua khi bị xoay tròn lúc ngồi trên ghế. Theo mô tả, Donald đã bật khóc vì sợ hãi khi bị xoay ghế, trong khi Gua không có phản ứng quá mạnh.
Donald sợ hãi khi bị xoay tròn trên ghế. Ảnh: AV Geeks
Một số bài thử khác gồm so sánh phản xạ với âm thanh lớn như tiếng súng hay bị đánh vào đầu bằng thìa. Mục đích của việc đánh thìa vào đầu Gua và Donald là để nghe sự khác biệt âm thanh của hộp sọ.
Winthrop và Luella thực hiện hết bài thử này đến bài thử khác trong 12 tiếng/ngày và 7 ngày/tuần.
Winthrop sau đó xuất bản cuốn sách có tên gọi - The Ape and the Child: A study of environmental influence upon early behaviour (Tạm dịch: Tinh tinh và con người: Một nghiên cứu về ảnh hưởng của môi trường tới hành vi ban đầu) vào năm 1933.
Ban đầu, thí nghiệm được cho là thành công với Gua nhưng mọi thứ dần thay đổi khi Donald 1 tuổi.
Dù có thể chất tốt hơn, Gua không thể theo kịp trí thông minh của Donald khi cậu bé bắt đầu thành thạo cách hình thành từ.
7 tháng tiếp theo, tới lượt Donald bắt đầu có những hành vi đáng lo ngại. Đứa trẻ lúc này bắt đầu cắn người khác, di chuyển giống tinh tinh và gầm gừ khi muốn ăn.
Sau 9 tháng kể từ ngày bắt đầu, thí nghiệm phải tạm dừng vì Donald được cho là đang phát triển giống loài tinh tinh hơn dù được nuôi dưỡng trong môi trường của con người.
Các tác giả trên tạp chí Psychological Review đã nêu ra quan ngại của họ liên quan đến lý do khiến thí nghiệm phải dừng lại.
"Chúng tôi được biết rằng thí nghiệm kết thúc vào ngày 28/3/1932. Gua được đưa trở lại khu bảo tồn linh trưởng Orange Park. Nhưng lý do vì sao thí nghiệm dừng lại khiến nhiều người rất băn khoăn", các tác giả viết.
Suy đoán về các lý do, các tác giả viết: "Đầu tiên, vợ chồng nhà tâm lý học đã quá mệt mỏi sau 9 tháng thí nghiệm vì lịch trình công việc và các bài thử dày đặc của họ.
Thứ hai, họ muốn dành thời gian để chuẩn bị bản thảo cho cuốn sách mà họ dự định xuất bản năm 1933.
Thứ ba, Gua ngày càng lớn về thể chất khiến vợ chồng nhà tâm lý học khó kiểm soát hơn. Có thể, họ lo ngại Gua sẽ khiến Donald bị thương."
Các tác giả còn cho rằng, Winthrop đã dành "nhiều thời gian" để dạy chữ cho Gua nhưng con tinh tinh này không "thành thạo" như kỳ vọng.
Theo một số nguồn tin khác, Luella lo ngại con trai Donald đang có các hành vi giống tinh tinh hơn con người.
Sau thí nghiệm, Winthrop làm việc tại Đại học Florida (Mỹ), nơi ông nghiên cứu về loài cá heo mũi chai. Winthrop và Luella cùng qua đời năm 1972. Một năm sau, Donald cũng tự sát ở tuổi 43.
Nguồn: [Link nguồn]
Các nhà khoa học đã tạo thành công bào thai người lai khỉ, thử nghiệm diễn ra ở Trung Quốc để tránh những vấn đề pháp...