Mỹ: Người nhiễm Covid-19 hồi phục nhanh sau vài ngày dùng thuốc thử nghiệm
Các bệnh nhân nhiễm Covid-19, đang sử dụng thuốc thử nghiệm Remdesivir, đã có kết quả hồi phục tích cực, được về nhà chỉ sau vài ngày điều trị, STAT News hôm 16/4 cho hay.
Hãng CNN hôm 17/4 dẫn tin từ STAT News cho biết, các bệnh nhân nhiễm Covid-19 có triệu chứng hô hấp nặng và sốt cao đã tham gia thử nghiệm lâm sàng với thuốc thử nghiệm Remdesivir. Sau chưa đầy một tuần điều trị, họ đã khỏi bệnh và được xuất viện.
"Tin tốt lành là hầu hết bệnh nhân tham gia thử nghiệm lâm sàng với thuốc điều trị Covid-19 đều đã được xuất viện. Điều này thật tuyệt. Nhưng cũng thật đáng tiếc khi có 2 ca tử vong", bác sĩ Kathleen Mullane, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Y khoa Chicago (Mỹ) kiêm người đứng đầu nhóm thử nghiệm lâm sàng, chia sẻ.
Tuy nhiên, bác sĩ Mullane không đưa ra bình luận thêm về vụ việc và khẳng định chỉ lên tiếng khi có kết quả chính thức về thử nghiệm thuốc điều trị Covid-19.
Một loại thuốc thử nghiệm điều trị Covid-19 ở Mỹ đang cho thấy dấu hiệu khả quan. Ảnh: Fox40
Hiện tại, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nào cho dịch bệnh Covid-19, căn bệnh có thể gây viêm phổi nặng và hội chứng suy hô hấp cấp tính ở các bệnh nhân. Tuy nhiên, nhiều loại thuốc đang được Viện Y tế quốc gia Mỹ cho thử nghiệm, trong đó có Remdesivir.
Remdesivir, thuốc thử nghiệm điều trị Covid-19 do Công ty sinh học Gilead Sciences (Mỹ) sản xuất, đã được thử nghiệm nhưng không mấy thành công với bệnh Ebola. Nhưng nhiều thử nghiệm trên động vật cho thấy Remdesivir có thể ngăn chặn và điều trị các chủng virus Corona gây ra bệnh Covid-19, SARS hay MERS.
Hồi tháng 2, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng cho biết Remdesivir cho thấy khả năng tiềm ẩn trong điều trị Covid-19.
Dẫu vậy, theo CNN, thử nghiệm lâm sàng với thuốc Remdesivir không bao gồm nhóm đối chứng, vì vậy chưa thể khẳng định loại thuốc này có thực sự giúp bệnh nhân nhiễm Covid-19 hồi phục hay không.
Trong thử nghiệm lâm sàng, nhóm đối chứng là nhóm gồm các bệnh nhân không được dùng thuốc thử nghiệm để bác sĩ so sánh và xác định xem liệu thuốc có thực sự có tác dụng trong điều trị bệnh hay không.
Remdesivir, thuốc thử nghiệm điều trị Covid-19, đang được thử nghiệm lâm sàng ở nhiều trung tâm trên thế giới. Ảnh minh họa: Getty
Các thử nghiệm của thuốc Remdesivir đang được thực hiện tại hàng chục trung tâm lâm sàng khác nhau. Công ty Gilead đang tài trợ cho các thử nghiệm thuốc Remdesivir trên 2.400 bệnh nhân nhiễm Covid-19 với các triệu chứng nghiêm trọng ở 152 trung tâm lâm sàng trên khắp thế giới. Ngoài ra, công ty sinh học của Mỹ còn thử nghiệm với 1.600 bệnh nhân nhiễm Covid-19 khác với triệu chứng ở mức độ trung bình tại 169 bệnh viện và phòng khám trên thế giới. Công ty Gilead kỳ vọng kết quả thử nghiệm sẽ chính thức được công bố vào cuối tháng 4.
"Chúng tôi hiểu nhu cầu cấp thiết với việc điều trị Covid-19 và mối quan tâm về kết quả thuốc Remdesivir. Tuy nhiên, dữ liệu cần được phân tích mới có thể đưa ra kết luận chính xác về đợt thử nghiệm. Các báo cáo hiện tại không đủ độ tin cậy để có thể kết luận Remdesivir là thuốc điều trị Covid-19 hiệu quả", công ty Gilead thông báo.
Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, tính tới 10h30 sáng 17/4, Mỹ có hơn 671.000 ca nhiễm Covid-19, trong đó có hơn 33.000 ca tử vong và hơn 56.000 ca khỏi bệnh.
Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19: - Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi. - Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác. - Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế. - Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 19003228 và 19009095. |
Nguồn: [Link nguồn]
Theo nhà khoa học hàng đầu về dịch Covid-19 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), một số nước có thể rơi vào tình trạng...