Mỹ: Người dân chia rẽ vì dự án của Trung Quốc
Người dân và chính quyền một thành phố ở bang North Dakota, Mỹ đang chia rẽ vì một dự án do công ty Trung Quốc đầu tư nhằm xây dựng nhà máy gần một căn cứ chiến lược của Không quân Mỹ.
Theo tờ South China Morning Post, người dân và chính quyền Grand Forks - một thành phố có khoảng 58.000 dân thuộc bang North Dakota, Mỹ, đang xảy ra bất đồng vì dự án xây dựng nhà máy chế biến ngô trị giá 700 triệu USD do một công ty Trung Quốc (TQ) đầu tư.
Một số người dân bày tỏ lo ngại rằng cơ sở này, vốn đã được hội đồng thành phố chấp thuận, sẽ mang tới nguy cơ “hoạt động gián điệp” trong cộng đồng do vị trí xây dựng nhà máy nằm gần một căn cứ Không quân Mỹ.
Trong khi đó, chính quyền thành phố lại bác bỏ mọi mối lo ngại liên quan đến sự xâm nhập của nước ngoài và đề cập các lợi ích thu được từ “thỏa thuận đầu tư lớn nhất mà thành phố từng có”.
Vụ việc cũng thu hút sự chú ý của các cơ quan và giới lập pháp liên bang Mỹ, họ muốn giám sát kế hoạch đầu tư này chặt chẽ hơn.
Trụ sở tập đoàn Fufeng tại tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: FUFENG
Tranh cãi vị trí xây dựng nhà máy
Nhà máy chế biến ngô tại Grand Forks do Fufeng USA đầu tư. Đây là công ty con của tập đoàn Fufeng có trụ sở tại TQ. Dự án được kỳ vọng sẽ tạo ra 700 việc làm cho người dân địa phương, cũng như mang đến khoảng một triệu USD tiền thuế cho chính quyền.
Tuy nhiên, những người dân phản đối cho biết địa điểm dự kiến đặt nhà máy chỉ cách căn cứ không quân Grand Forks của quân đội Mỹ vỏn vẹn 19 km. Đây là cơ sở quân sự có ý nghĩa chiến lược với tiềm lực quốc phòng của Mỹ, là nơi đóng quân của nhiều đơn vị tình báo, trinh sát hàng đầu.
Trong cuộc họp của hội đồng thành phố vào ngày 7-3, bốn tháng sau khi Fufeng USA mua lại một lô đất khoảng 150 ha với giá khoảng 11.000 USD/ha để xây nhà máy, người dân thành phố đã tập hợp để phản đối.
Kể từ đó, người dân trong và xung quanh TP Grand Forks đã tham dự các cuộc họp hàng tuần của hội đồng thành phố để bày tỏ sự tức giận với việc bị chính quyền che giấu thông tin.
Bà Elizabeth Barber - một nhà nghiên cứu y khoa và là cư dân sống ở Grand Forks - bày tỏ lo ngại rằng hội đồng thành phố đã “mang TQ tới Grand Forks”. Theo bà, chính quyền Bắc Kinh luôn có động cơ “bất chính” trong mọi vấn đề liên quan Mỹ.
Một cư dân khác có tên Ross Kennedy - là một chuyên gia về chuỗi cung ứng - cho rằng việc Fufeng USA đặt cơ sở sản xuất tại Grand Forks không có nhiều ý nghĩa khi thành phố này thiếu nguồn cung nước, khí tự nhiên, cũng như không phải địa điểm ngô được khai thác nhiều nhất trong khu vực.
“Có thể địa điểm này sẽ thuận lợi hơn cho mục đích địa chính trị, quân sự và gián điệp cho TQ khi có một nhà máy chế biến ngô lớn nằm gần căn cứ không quân Grand Forks” - ông Kenedy nhận định.
Bên ngoài Căn cứ Không quân Grand Forks ở bang North Dakota. Ảnh: SCMP
Trong khi đó, phía Fufeng khẳng định họ chọn TP Grand Forks là địa điểm xây dựng nhà máy mới sau khi nghiên cứu kỹ các yếu tố như nguồn cung ngô, khí tự nhiên, nước, đất đai, tình trạng giao thông và lực lượng lao động.
Ông Frayne Olson - một nhà kinh tế tại Đại học bang North Dakota, Mỹ - cũng cho rằng Grand Forks sở hữu lợi thế về hậu cần và có ít đối thủ cạnh tranh hơn.
Ông Eric Chutorash - Giám đốc vận hành của Fufeng USA - khẳng định nhà máy tại Grand Forks là hình mẫu cho việc “mua ngô Mỹ, chế biến tại Mỹ, bán hàng tại Mỹ”.
“Tôi đảm bảo không nhân viên nào của Fufeng sẽ được yêu cầu thu thập tin tình báo về căn cứ không quân. Tôi có thể tự tin khẳng định rằng không ai làm việc cho nhà máy sẽ thực hiện bất cứ hoạt động gián điệp nào” - ông Chutorash nhấn mạnh.
Đối với những nông dân không quá quan tâm đến chính trị, nhà máy mới của Fufeng sẽ là một món hời. Nhà máy có thể mua tới 25 triệu bushel (đơn vị đo lường nông sản tại Mỹ, 1 bushel ngô tương đương khoảng 25,4 kg) ngô mỗi năm, trong khi đó, sản lượng ngô hàng năm của cả bang North Dakota là khoảng 400 triệu bushel.
Chính quyền Grand Forks cho rằng người dân thành phố đang đưa ra các cáo buộc thiếu cơ sở về dự án.
“Chúng ta đều biết giữa Mỹ và TQ có căng thẳng về chính trị, kinh tế và an ninh quốc gia. Tôi nghĩ chúng ta cần có cái nhìn khách quan một chút, tùy theo tình huống và không nên vơ đũa cả nắm” - ông Todd Feland - một quan chức cấp cao trong chính quyền Grand Forks - nói.
Theo ông, chính quyền thành phố đã có cuộc họp với Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) hồi tháng 4 và không nhận được thông tin nào về hoạt động gián điệp khiến họ phải dừng dự án.
Bản đồ cho thấy vị trí Fufeng dự định xây dựng nhà máy chế biến ngô nằm gần Căn cứ Không quân Grand Forks. Ảnh: SCMP
Chính quyền Mỹ liệu có can thiệp?
Những mâu thuẫn xung quanh dự án tại Grand Forks đã vượt ra khỏi quy mô khu vực và lan tới cả chính quyền Washington. Hồi tháng 5, Ủy ban đánh giá an ninh kinh tế Mỹ-Trung (USCC) đã đề cập dự án trong một báo cáo về các khoản đầu tư từ TQ vào ngành nông nghiệp Mỹ.
Báo cáo của USCC bày tỏ quan ngại về việc lãnh đạo Fufeng là thành viên đảng Cộng sản TQ, cũng như khoảng cách gần giữa nơi xây dựng nhà máy và Căn cứ Không quân Grand Forks.
Hôm 14-7, ông Kevin Cramer và ông John Hoeven - hai thượng nghị sĩ bang North Dakota - cùng Thượng nghị sĩ Marco Rubio đã viết thư gửi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen để đề nghị mở cuộc điều tra nhằm vào các tác động của dự án tới an ninh quốc gia Mỹ.
Khi được yêu cầu bình luận về cuộc tranh cãi trên, đại diện Căn cứ Không quân Grand Forks đã chuyển các yêu cầu đến Bộ Tài chính Mỹ.
Trong khi đó, Đại sứ quán TQ tại Mỹ đã chỉ trích Washington về các hoạt động bảo hộ dưới chiêu bài an ninh quốc gia.
“Chúng tôi hy vọng Mỹ sẽ hành động phù hợp với luật pháp và cung cấp một môi trường cạnh tranh công bằng, và không phân biệt đối xử với các công ty nước ngoài, bao gồm cả công ty TQ đang đầu tư và hoạt động tại Mỹ” - phát ngôn viên Đại sứ quán - ông Lưu Bành Dư cho biết.
Khu đất mà Fufeng dự định xây dựng nhà máy chế biến ngô ở TP Grand Forks, bang North Dakota, Mỹ. Ảnh: FUFENG USA
Theo giáo sư Kiệt Lý tại Đại học California tại TP Irvine, bang California, các nhà quản lý tại Washington không hiểu biết đầy đủ về TQ khi cho rằng mọi nhà đầu tư đều bị Bắc Kinh kiểm soát. Ông chỉ ra trong khi một số công ty do nhà nước sở hữu, nhiều công ty khác chỉ có liên hệ thụ động với chính phủ TQ qua các khoản đầu tư.
“Các nhà quản lý Mỹ thường không hiểu rõ các khác biệt nhỏ này” - ông Lý nói.
Nhiều chuyên gia khác nhận định các công ty TQ sẽ bị theo dõi, giám sát chặt chẽ hơn khi quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh xấu đi.
“Nguồn gốc của công ty có tạo ra sự khác biệt hay không. Đối với một số người, câu trả lời là có. Một số người khác thì không” - một chuyên gia chia sẻ.
Trung Quốc không còn là chủ nợ lớn nhất của Mỹ, vì số lượng trái phiếu Chính phủ Mỹ mà Bắc Kinh nắm giữ đã xuống dưới mức 1 nghìn tỷ USD, lần đầu tiên kể từ năm...
Nguồn: [Link nguồn]