Mỹ ngừng chia sẻ dữ liệu hạt nhân với Nga, Moscow nói gì?

Mỹ quyết định ngừng trao đổi một số dữ liệu về lực lượng hạt nhân nhằm phản ứng việc Moscow ngừng tham gia Hiệp ước New START.

Vào hôm 28-3, Mỹ thông báo với Nga rằng nước này sẽ ngừng trao đổi một số dữ liệu về lực lượng hạt nhân nhằm phản ứng việc Moscow ngừng tham gia Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược Mới (New START) với Washington, theo hãng tin Reuters.

"Theo luật pháp quốc tế, Mỹ có quyền đáp trả việc Nga vi phạm Hiệp ước New START bằng cách thực hiện các biện pháp đối phó tương xứng và có thể đảo ngược để khiến Nga quay trở lại tuân thủ các nghĩa vụ của nước này” - phát ngôn viên Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby cho biết.

Mỹ ngừng chia sẻ dữ liệu hạt nhân với Nga. Ảnh: Anton Vaganov/REUTERS

Mỹ ngừng chia sẻ dữ liệu hạt nhân với Nga. Ảnh: Anton Vaganov/REUTERS

Theo ông Kirby, “vì việc Nga tuyên bố tạm ngừng tham gia Hiệp ước New START không có giá trị pháp lý nên Mỹ được phép giữ lại bản cập nhật dữ liệu sáu tháng một lần nhằm đáp trả các vi phạm của Nga".

“Nga đã không tuân thủ đầy đủ và từ chối chia sẻ dữ liệu như hai bên đã đồng ý trong Hiệp ước New START. Vì Nga đã từ chối tuân thủ nên chúng tôi cũng đã quyết định không chia sẻ dữ liệu đó” - ông Kirby nói thêm.

Trong khi đó, một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay "ngoại trừ việc trao đổi dữ liệu định kỳ sáu tháng một lần, Mỹ vẫn tiếp tục chia sẻ tất cả thông báo cần thiết theo Hiệp ước New START".

Đáp lại quyết định từ phía Mỹ, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov hôm 29-3 khẳng định động thái của Washington sẽ không khiến Moscow xem xét lại quyết định đình chỉ Hiệp ước New START.

“Chúng tôi đã tự nguyện đưa ra các cam kết tuân thủ các giới hạn định lượng trung tâm nêu trong Hiệp ước. Lập trường tôi không phụ thuộc vào việc người Mỹ sẽ chia sẻ hay không chia sẻ dữ liệu của họ cho chúng tôi” - đài RIA dẫn lời ông Ryabkov.

Bên cạnh đó, quan chức ngoại giao Nga chỉ ra rằng vì Washington chưa đình chỉ Hiệp ước nên họ vẫn có nghĩa vụ chia sẻ dữ liệu.

Vào tháng 2, Nga tuyên bố đình chỉ Hiệp ước New START. Khi ấy, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng Moscow không thể chấp nhận việc Washington thanh sát các cơ sở hạt nhân của Nga theo hiệp ước vào thời điểm mà Mỹ và các đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) công khai tuyên bố “mục tiêu” của họ là tạo ra “thất bại của Nga ở Ukraine”.

New START hiện là trụ cột duy nhất còn lại trong việc kiểm soát hạt nhân song phương giữa Moscow và Washington. Hiệp ước được thực thi từ năm 2011 và vào năm 2021, Tổng thống Putin và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký gia hạn thêm 5 năm, kéo dài thỏa thuận đến năm 2026.

Theo Hiệp ước, hai quốc gia phải giảm số lượng đầu đạn hạt nhân xuống tối đa 1.550 mỗi loại và giới hạn số lượng các hệ thống như tên lửa liên lục địa (ICBM), tên lửa phóng từ tàu ngầm và máy bay ném bom xuống còn 800 mỗi loại.

Theo điều khoản "Trao đổi dữ liệu định kỳ một năm hai lần" của Hiệp ước, mỗi bên phải đưa ra một tuyên bố về các phương tiện vận chuyển chiến lược, bệ phóng và đầu đạn được triển khai, bao gồm các phân tích về số lượng đầu đạn trên ba loại phương tiện vận chuyển ở trên không, trên biển và trên bộ.

Mỹ có động thái phản ứng việc Nga dừng tham gia hiệp ước hạt nhân New START

Mỹ và Nga nắm giữ gần 90% đầu đạn hạt nhân của thế giới.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo VĨNH KHANG ([Tên nguồn])
Tin tức Nga Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN