Mỹ ngỏ lời giúp Ukraine vũ khí "nặng đô", Thổ Nhĩ Kỳ “im lặng”
Mỹ muốn Thổ Nhĩ Kỳ chuyển giao hệ thống phòng thủ tên lửa do Nga sản xuất cho Ukraine nhưng phía Ankara ... im lặng.
Gợi ý từ chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden với Ankara được 3 nguồn thạo tin xác nhận với hãng thông tấn Reuters hôm 19-3.
Các nguồn tin nói rằng quan chức Mỹ đã đưa ra lời đề nghị không chính thức vào tháng trước. Lời gợi ý này cũng được nhắc lại trong chuyến thăm của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman tới Thổ Nhĩ Kỳ vào đầu tháng 3.
Theo đó, phía Mỹ muốn Thổ Nhĩ Kỳ chuyển giao hệ thống tên lửa phòng không, bao gồm cả S-300 và S-400 do Nga sản xuất cho Ukraine để chống lại chính Moscow.
Hiện phía Ankara chưa lên tiếng bình luận về thông tin mà hãng thông Reuters tiết lộ.
Dẫu vậy, các nhà phân tích nhận định rằng gần như chắc chắn đề nghị của Mỹ sẽ bị Thổ Nhĩ Kỳ bác bỏ. Thực tế, hệ thống tên lửa S-400 vốn là một trong những vấn đề "khó" trong quan hệ giữa Mỹ và đồng minh NATO Thổ Nhĩ Kỳ.
Một tổ hợp tên lửa phòng không S-400 của Nga. Ảnh: Reuters.
Có hai lý do chính khiến Thổ Nhĩ Kỳ hiện vẫn "im lặng" với đề xuất của Mỹ. Thứ nhất, việc lắp đặt và vận hành S-400 không phải dễ dàng. Thứ hai, nếu chuyển giao cho Ukraine sẽ đẩy Thổ Nhĩ Kỳ vào thế khó phải đối mặt với chính Nga, trong bối cảnh họ đang cố gắng duy trì thế trung lập trong xung đột Moscow - Kiev.
"Thổ Nhĩ Kỳ hiểu được mức độ nghiêm trọng nhất là trong mối quan hệ với Nga, nếu chuyển giao hệ thống S-400 cho Ukraine" - ông Aaron Stein chuyên gia cao cấp tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại có trụ sở tại Philadelphia - Mỹ, nhận định - "Đối với Tổng thống Rediep Taiip Erdogan, tên lửa S-400 đã trở thành biểu tượng chủ quyền của Thổ Nhĩ Kỳ. Vì vậy việc đánh đổi nó sẽ là điều không thể".
Trước khi chiến sự Ukraine nổ ra hôm 24-2, Mỹ nhiều lần yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ hệ thống S-400, viện dẫn hệ thống này sẽ gây ra rủi ro an ninh với các khí tài NATO. Mỹ thậm chí ban hành lệnh trừng phạt lên Thổ Nhĩ Kỳ và loại Ankara ra khỏi chương trình tiêm kích F-35 do Washington dẫn đầu.
Đáp lại, Thổ Nhĩ Kỳ giải thích họ buộc phải mua S-400 vì các đồng minh của Ankara không cung cấp cho họ các vũ khí với những điều khoản thỏa đáng. Ankara cũng tuyên bố sẽ không từ bỏ S-400 vì đây là vấn đề thuộc chủ quyền của họ.
Kể từ khi Tổng thống Vladimir Putin phát động một chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine hôm 24-2 đến nay, Mỹ và các đồng minh phương Tây đã tung ra loạt đòn kinh tế nhằm trừng phạt Nga và giới tinh hoa của nước này.
Vẻ mặt thất thần của tỉ phú Nga Roman Abramovich trong phòng VIP sân bay Ben Gurion của Israel, hôm 14-3.
Mới nhất, giới chức Mỹ tuyên bố đã "cấm bay hiệu quả" 100 máy bay liên quan đến Nga, bao gồm cả máy chuyên cơ riêng do tỉ phú Roman Abramovich sử dụng.
Ukraine kêu gọi Trung Quốc chỉ trích hành động của Nga ở Ukraine, không lâu sau khi Washington cảnh báo Bắc Kinh về hậu quả nếu hỗ trợ chiến dịch quân sự của Moscow.
Nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/my-ngo-loi-giup-ukraine-vu-khi-nang-do-t...