Mỹ nêu 3 điểm Ukraine cần thay đổi trong giao tranh với Nga
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden thời gian gần đây đã tích cực thảo luận với Kiev về những bài học rút ra trong cuộc xung đột giữa Ukraine và Nga, đặc biệt là cuộc phản công đang diễn ra.
Pháo binh Ukraine khai hỏa ở tiền tuyến.
Tờ Washington Post dẫn nguồn tin từ quân đội và chính phủ Mỹ cho biết, ngay cả khi Kiev vượt qua phòng tuyến đầu tiên của Nga ở phía nam, tình hình xung đột từ nay đến cuối năm nhiều khả năng sẽ không có đột phá và giao tranh sẽ còn kéo dài sang năm 2024.
Nhìn chung, diễn biến xung đột vào mùa hè là một sự thất vọng với Ukraine nói riêng và phương Tây nói chung. Nhưng Mỹ vẫn duy trì quan điểm ủng hộ Ukraine, thay vì tìm phương án chấm dứt xung đột bằng ngoại giao.
"Chúng tôi không cho rằng cuộc xung đột đang chững lại", cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan nói. "Chúng tôi thấy Ukraine đang giành lại lãnh thổ một cách có hệ thống".
Nhưng việc Mỹ tiếp tục hỗ trợ không có nghĩa là Washington không có chỉ trích về cách Kiev chiến đấu và cách tổ chức phản công.
Ngay cả khi Ukraine nhiều khả năng đã vượt qua phòng tuyến đầu tiên của Nga, Mỹ đánh giá Kiev vẫn khó có thể tiếp cận được các mục tiêu chiến lược ở vùng ven biển Azov trước mùa đông năm nay. Nhìn chung, các lực lượng cơ giới Ukraine có thể tiến thêm nhưng không tạo ra đột phá đáng kể.
Để khắc phục các hạn chế, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tích cực thảo luận với Kiev để rút ra bài học, theo Washington Post. Thứ nhất, Mỹ yêu cầu Ukraine tập trung lực lượng tiến công theo một hướng duy nhất. Ukraine ban đầu tiến công theo 3 mũi nhọn, đồng thời phân tán lực lượng trên khắp tiền tuyến dài hơn 900km.
Pháo phản lực phóng loạt Ukraine tấn công một vị trí của Nga ở vùng Zaporizhzhia vào ngày 19/8/2023.
Theo báo Mỹ, Kiev đã phản hồi tích cực, đồng ý chỉ tập trung tiến công ở phía nam vùng Zaporizhzhia, nơi các lực lượng mới vượt qua phòng tuyến đầu tiên của Nga. Kiev cũng rút bớt lực lượng tiến công Bakhmut và lực lượng phòng thủ ở miền đông để tập trung về phía nam.
Thứ hai, các chỉ huy quân sự Mỹ cho rằng, Ukraine đang rất phung phí đạn dược vì vẫn áp dụng cách chiến đấu kiểu cũ. Theo ước tính của Mỹ, Ukraine đã bắn hơn 2 triệu quả đạn pháo cỡ 155mm của NATO, khiến kho dự trữ của phương Tây gần cạn kiệt.
Giới chức Mỹ hối thúc Ukraine chỉ tập trung pháo binh ở các khu vực quan trọng và sử dụng đạn pháo hợp lý để tiến công nhằm đạt mục tiêu.
Thứ ba, giới chức Lầu Năm Góc hối thúc Ukraine giảm bớt phụ thuộc vào máy bay không người lái (UAV) và đẩy mạnh trinh sát mặt đất, vì như vậy có thể phát hiện vị trí quân đội Nga được tốt hơn. Mỹ cũng yêu cầu Kiev trao cho các sĩ quan cấp dưới nhiều quyền hạn hơn để có thể nhanh chóng tận dụng cơ hội.
Đối với 3 vấn đề này, giới chức Mỹ nói Ukraine đều phản hồi tích cực và có sự thay đổi. Nhưng cuộc thảo luận đã trở nên gay gắt hơn trong những tuần gần đây, theo Washington Post.
Về vấn đề Ukraine mong muốn nhận được tên lửa đạn đạo ATACMS, quan điểm của Mỹ hiện nay vẫn là từ chối. Theo Washington Post, Mỹ muốn dự trữ tên lửa để sẵn sàng đối phó với các mối đe dọa đến từ Trung Quốc.
Trong bối cảnh giao tranh trên thực địa gặp nhiều khó khăn, Ukraine sẽ đẩy mạnh thực hiện các cuộc tập kích bằng UAV nhằm vào mục tiêu trong lãnh thổ Nga và bán đảo Crimea. Gần đây, Ukraine huy động tới 42 UAV nhắm tới Moscow và Crimea. Về vấn đề này, Mỹ không khuyến khích nhưng cũng không ngăn cản Ukraine.
Nguồn: [Link nguồn]
Trong khi máy bay không người lái (UAV) tự sát của Nga đang lao thẳng tới, binh sĩ Ukraine cầm súng trường cố gắng bắn hạ.