Mỹ, NATO muốn chuyển S-300 cho Ukraine: Nói dễ hơn làm?

Cùng với vùng cấm bay và máy bay chiến đấu dòng MiG, hệ thống phòng thủ S-300 có thể là vũ khí mà Mỹ và NATO không thể cung cấp theo đề nghị của Ukraine.

S-300 – hệ thống phòng thủ tên lửa đất đối không có tầm bắn lên tới 150 – 200 km (ảnh: CNN)

S-300 – hệ thống phòng thủ tên lửa đất đối không có tầm bắn lên tới 150 – 200 km (ảnh: CNN)

Hôm 16.3, Tổng thống Mỹ Biden cam kết sẽ cung cấp cho Ukraine một số vũ khí phòng không có tầm bắn xa hơn tên lửa vác vai Stinger. S-300 là vũ khí mà NATO và Mỹ muốn viện trợ để giúp Ukraine đối phó không quân Nga. Tuy nhiên, điều này thực sự không dễ thực hiện.

Một số nước Đông Âu là thành viên NATO như Slovakia và Bulgaria hiện sở hữu S-300 có từ thời Liên Xô. 2 nước này ngỏ ý có thể cung cấp cho Ukraine S-300 nhưng với điều kiện là NATO phải có giải pháp thay thế phù hợp. Nói cách khác, Slovakia và Bulgaria muốn Mỹ bù đắp bằng tên lửa Patriot, nếu họ chuyển giao S-300 cho Ukraine. Đây là yêu cầu khó đối với Mỹ khi Patriot là hệ thống phòng thủ đắt đỏ và hiện đại nhất của Washington hiện tại.

“Chúng tôi sẵn sàng làm điều đó nếu nhận được sự bù đắp phù hợp”, Bộ trưởng Quốc phòng Slovakia Jaroslav Nad hôm 16.3 bình luận về khả năng chuyển giao S-300 cho Ukraine.

Hy Lạp, một nước thành viên NATO, cũng sở hữu một trung đoàn S-300PMU-1 với 32 bệ phóng và khoảng 175 quả đạn, nhưng nước này cũng cần phương án thay thế nếu chuyển giao cho Ukraine.

Ngay cả khi Mỹ sẵn sàng bù đắp bằng Patriot cho các nước cung cấp S-300 cho Ukraine, các hệ thống Patriot cũng sẽ mất nhiều tuần để di chuyển và được triển khai tới châu Âu. Slovakia và Bulgaria có thể sẽ tỏ ra ngần ngại vì điều này.

Patriot – hệ thống phòng thủ tên lửa đắt đỏ của Mỹ (ảnh: CNN)

Patriot – hệ thống phòng thủ tên lửa đắt đỏ của Mỹ (ảnh: CNN)

Sau khi tách khỏi Liên Xô, Ukraine sở hữu 250 bệ phóng S-300. Tuy nhiên, năm 2014, nước này mới chỉ đại tu 6 tổ hợp S-300. Khi kiểm soát bán đảo Crimea, quân đội Nga tiết lộ họ thu được 34 bệ phóng và xe chở đạn cho S-300 của Ukraine nhưng không thể sử dụng vì đã quá lỗi thời.

Thêm vào đó, số lượng S-300 mà Slovakia và Bulgaria sở hữu chỉ có hạn. Theo nhiều chuyên gia, Ukraine cần rất nhiều hệ thống tên lửa đất đối không để phòng thủ.

Hôm 18.3, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cũng có phát biểu cảnh báo một số nước có ý định cung cấp S-300 cho Ukraine.

“Tôi muốn nhắc nhở rằng, những hệ thống do Liên Xô hoặc Nga sản xuất đều phải tuân thủ theo những thỏa thuận và hợp đồng liên chính phủ, trong đó không cho phép đưa những hệ thống này tới nước thứ 3”, ông Lavrov nói với RT.

“Chúng tôi đã nói rất rõ rằng, bất cứ lô hàng nào được đưa vào lãnh thổ Ukraine, mà chúng tôi xác định là chuyển giao vũ khí, thì đều sẽ trở thành mục tiêu chính thức. Điều này hoàn toàn dễ hiểu”, ông Lavrov nhấn mạnh.

Nguồn: [Link nguồn]

Ông Putin: Ukraine trì hoãn đàm phán

Điện đàm với Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm 18.3, Tổng thống Nga Putin cáo buộc phía Ukraine đang cố tình trì hoãn đàm phán nhằm chấm dứt xung đột.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vương Nam – RT, CNN ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN